Nhiều lực đẩy giúp thanh toán số tăng trưởng mạnh mẽ

Nhiều lực đẩy giúp thanh toán số tăng trưởng mạnh mẽ
12 giờ trướcBài gốc
Chia sẻ tại họp báo tổng kết ngành ngân hàng mới đây, ông Lê Văn Tuyên - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, thời gian qua, NHNN tích cực chỉ đạo các tổ chức tín dụng truyền thông, bố trí nhân lực làm việc ngoài giờ, kể cả ngày nghỉ để hỗ trợ nhu cầu xác thực sinh trắc học tăng gấp đôi bình thường, tránh để khách hàng bị gián đoạn khi giao dịch ngân hàng điện tử từ đầu năm 2025. Nhiều ngân hàng cam kết hỗ trợ khách hàng hết tháng 1/2025 để triển khai.
73% lượng khách hàng xác thực sinh trắc học
Năm 2024 chứng kiến nhiều thay đổi về quy định liên quan đến hoạt động thanh toán không tiền mặt và triển khai nhiều giải pháp tăng cường bảo mật, an toàn, ngăn chặn các hành vi gian lận, từ đó, tạo lực đẩy cho thanh toán số tăng trưởng mạnh mẽ. Nổi bật là theo quy định của NHNN, một số giao dịch ngân hàng điện tử bắt buộc xác thực sinh trắc học từ ngày 1/1/2025.
Thống kê của Vụ Thanh toán (NHNN) cho thấy, có 84,7 triệu khách hàng đã xác thực sinh trắc, tương ứng chiếm gần 72,86% tổng lượng khách hàng cá nhân phát sinh trên kênh số.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, những vụ lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản đã giảm trên 50% kể từ sau khi ứng dụng công nghệ sinh trắc học trong thanh toán.
"Một số ngân hàng có tỷ lệ xác thực cao sinh trắc học cao như: Vietinbank (83%), Vietcombank (92%), BIDV (88%) và Agribank (66%). Hầu hết các khách hàng cá nhân có nhu cầu thực hiện giao dịch thanh toán trên kênh điện tử đã được cập nhật sinh trắc học" - ông Tuyên cho biết.
Bên cạnh đó, NHNN cho biết, khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và hoạt động ngân hàng số tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, tạo sự đồng bộ và điều kiện thuận lợi cho phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy hoạt động ngân hàng số, ứng dụng công nghệ mới và đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán.
Ảnh minh họa.
Ngành Ngân hàng cũng đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho công chúng trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng trên môi trường mạng. Vì vậy, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển đổi số ngân hàng tiếp tục đạt kết quả tích cực.
Nhờ đó, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 56,86% về số lượng và 33,73% về giá trị; qua kênh Internet tăng 50,67% về số lượng và 33% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 54,51% về số lượng và 34,34% về giá trị. Giao dịch qua QR Code tăng ấn tượng nhất, lên tới 106,68% về số lượng và 84,77% về giá trị.
Ngoài ra, giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 6,82% về số lượng và 33,09% về giá trị; hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 30,73% về số lượng và 15,92% về giá trị.
Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt nhờ Mobile Money
Về việc triển khai thí điểm tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money), theo ông Lê Văn Tuyên, dịch vụ này được thí điểm tại ba doanh nghiệp viễn thông thời gian qua, góp phần thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt và sử dụng dịch vụ tài chính tại khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo.
"Tính tới tháng 11/2024, có khoảng 10,14 triệu tài khoản Mobile Money, trong đó, hơn 72% tài khoản tại khu vực nông thôn, miền núi; cùng 11.898 điểm kinh doanh và hơn 276.154 đơn vị chấp nhận thanh toán dịch vụ này" - ông Tuyên thông tin.
Tổng số lượng giao dịch qua tài khoản Mobile Money của khách hàng, gồm giao dịch nạp rút tiền và thanh toán là gần 181 triệu giao dịch với tổng giá trị giao dịch gần 6.193 tỷ đồng.
Ông Lê Văn Tuyên - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước.
Gia hạn thí điểm Mobile Money trong khi chờ nghị định
"Để tạo hành lang pháp lý chính thức, NHNN phối hợp các bộ, ngành liên quan xây dựng quy định về lĩnh vực này. Năm 2024, NHNN xây dựng hồ sơ nghị định gửi ý kiến rộng rãi và thẩm định hồ sơ tại Bộ Tư pháp. NHNN cũng thống nhất với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an trình Chính phủ, đề xuất tiếp tục gia hạn cho dịch vụ Mobile Money trong thời gian chờ nghị định về quản lý dịch vụ này được cấp có thẩm quyền ban hành".
Theo đánh giá, việc triển khai dịch vụ Mobile Money đã góp phần cung ứng một kênh giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt nhanh chóng và thuận tiện cho khách hàng. Bởi thay vì phải trực tiếp đến ngân hàng thực hiện giao dịch hay phải mang theo tiền mặt, khách hàng chỉ cần thao tác trên điện thoại di động hoặc đến các điểm kinh doanh gần nhất. Khách hàng có thể sử dụng dịch vụ 24/7, thanh toán mọi lúc, mọi nơi với thiết bị di động.
Từ đó, thay đổi dần thói quen thanh toán bằng tiền mặt của người dân vẫn còn khá phổ biến hiện nay. Do có tác dụng cộng hưởng, người sử dụng dần quen với việc thanh toán không dùng tiền mặt và sẽ sử dụng các dịch vụ tài chính ngân hàng khác, đặc biệt là với các giao dịch thanh toán có giá trị lớn, ví dụ như thanh toán qua tài khoản ngân hàng.
Đối với các khách hàng đã có tài khoản ngân hàng sẽ có thêm các lựa chọn sử dụng để thanh toán, phù hợp hơn với mục tiêu thanh toán có giá trị nhỏ.
Cùng với đó, chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp thực hiện thí điểm được đảm bảo, chưa xảy ra các rủi ro, sự cố lớn trong quá trình cung cấp dịch vụ, tạo niềm tin cho khách hàng sử dụng dịch vụ và tăng cường tiếp cận với đối tượng khách hàng mới, đặc biệt ở các khu vực còn khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ thanh toán và ngân hàng.
Số lượng khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã đạt được tỷ lệ cao so với tổng số lượng khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile Money trong thời gian vừa qua lên tới 72% đã cơ bản hoàn thành được mục tiêu của dịch vụ Mobile Money tại Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 9/3/2021./.
Ánh Tuyết
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nhieu-luc-day-giup-thanh-toan-so-tang-truong-manh-me-168266.html