Nhiều mặt bằng 'đất vàng' tại Phủ Lý không có người thuê

Nhiều mặt bằng 'đất vàng' tại Phủ Lý không có người thuê
4 giờ trướcBài gốc
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hà Nam, tại tuyến đường Biên Hòa được coi là “đất vàng” của thành phố Phủ Lý nhưng có khoảng 15 cửa hàng đang đóng cửa hoặc treo biển cho thuê mặt bằng. Những căn mặt tiền 6m, đang cho thuê tại đây có giá từ 30-60 triệu đồng/tháng.
Mặt bằng trên đường Biên Hòa còn rất mới nhưng vẫn treo biển thuê.
Đã treo biển cho thuê nhà từ năm ngoái, chị Nguyệt, chủ nhà 4 tầng với diện tích 70m2 trên đường Biên Hòa vẫn chưa tìm được người thuê. Chị cho biết nhà mình đang cho thuê cả 4 tầng với giá 60 triệu/tháng, nếu thuê 3 tầng thì giá là 45 triệu. Sau đợt dịch Covid-19, chị đã giảm giá thuê để tạo điều kiện cho các bên kinh doanh, nhưng nếu gặp khách có thiện chí chị vẫn sẽ giảm giá nữa.
Tương tự, tại đường Nguyễn Văn Trỗi vốn là tuyến phố chuyên kinh doanh quần áo, thời trang, phụ kiện nay cũng nhiều mặt bằng đóng cửa vì không có khách thuê. Chị Hồng Thúy, chủ ngôi nhà 3 tầng với diện tích 100m2 tại Nguyễn Văn Trỗi chia sẻ, ngôi nhà của mình cho thuê với giá 20 triệu đồng/tháng. Giá thuê chị cũng đã giảm sập sàn và sẽ không giảm nữa, nếu có sẽ hỗ trợ về phần đặt cọc và thanh toán khi thuê nhà.
Chủ cửa hàng thời trang phải tìm mặt bằng khác rẻ hơn do việc kinh doanh ế ẩm.
Giá thuê cao cũng là lý do ảnh hướng trực tiếp đến quyết định của người thuê. Chị Liên, phường Minh Khai là người có nhu cầu tìm mặt bằng để làm studio váy cưới, nhưng gần 2 tháng nay đi xem và trao đổi với nhiều chủ nhà và người môi giới nhưng vẫn chưa thương lượng được vì giá thuê cao vượt quá khả năng chi trả của chị.
Mặt bằng tại đường Lê Công Thanh mặc dù giảm giá sâu nhưng vẫn vắng khách thuê.
Lý giải về việc nhiều mặt bằng đắc địa nhưng không có khách thuê, một số chủ nhà cho biết hiện nay nhiều người tiêu dùng chuyển từ mua sắm trực tiếp sang mua sắm trực tuyến nên những cửa hàng mặt tiền, vốn được coi là điểm bán hàng chiến lược, giờ đây lại mất dần sức hấp dẫn khi người mua không còn phụ thuộc nhiều vào việc trải nghiệm trực tiếp tại cửa hàng.
Anh Hiếu, người kinh doanh thời trang chia sẻ, trước anh có thuê cửa hàng diện tích 90m2 trên đường Lê Công Thanh với giá 20 triệu/tháng. Nhưng sau đợt Covid-19, việc kinh doanh ế ẩm, anh buộc phải trả mặt bằng, cắt giảm nhân sự và chuyển sang hình thức kinh doanh online.
Nhiều mặt bằng đã treo biển cho thuê thời gian dài nhưng vẫn chưa tìm được khách thuê phù hợp.
Mặt bằng trên đường Nguyễn Viết Xuân đóng cửa và trở thành nơi bán hoa quả.
Để giải quyết tình trạng ế ẩm của các mặt bằng kinh doanh tại thành phố Phủ Lý cần có sự điều chỉnh linh hoạt giá thuê từ chủ mặt bằng và các doanh nghiệp. Điều chỉnh giá thuê hợp lý và tận dụng tốt mô hình kinh doanh đa kênh sẽ là những giải pháp thiết thực, giúp cả hai bên tối ưu hóa giá trị. Thị trường luôn biến động, nhưng với sự đổi mới và thích ứng, các mặt bằng kinh doanh có thể tái sinh và tạo nên sức hút mới. Quan trọng nhất là sự hợp tác giữa chủ nhà và người thuê, nhằm tạo ra lợi ích bền vững và phát triển lâu dài trong bối cảnh thay đổi liên tục của kinh tế và công nghệ.
Nguyễn Đức Huy
Nguồn Hà Nam : https://baohanam.com.vn/thu-vien-anh/nhieu-mat-bang-dat-vang-tai-phu-ly-khong-co-nguoi-thue-135782.html