Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo

Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo
3 giờ trướcBài gốc
Đồng chí Vũ Mạnh Hà - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho biết: 10 năm qua, toàn tỉnh đã có 1.233 mô hình tiêu biểu, trong đó giai đoạn 2016-2020 có 140 mô hình; giai đoạn 2021-2025 có 1.093 mô hình (56 mô hình của các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; 22 mô hình cấp huyện và tương đương; 1.015 mô hình cấp cơ sở). Cụ thể: 220 mô hình về công tác lãnh, chỉ đạo; 113 mô hình về tuyên truyền; 394 mô hình về phát triển kinh tế; 295 mô hình về văn hóa xã hội; 14 mô hình về hoạt động thiện nguyện; 4 mô hình về cộng đồng tôn giáo; 4 mô hình đối với đồng bào dân tộc thiểu số; 49 mô hình khác. Các mô hình đã tập trung khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương; triển khai các chính sách hỗ trợ người dân; tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế tư nhân, phát triển kinh tế hộ gia đình. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, bồi đắp ý chí, nghị lực không cam chịu đói nghèo, lạc hậu; không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước; nhân dân chủ động phát huy nội lực của mỗi gia đình, từng địa phương để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giữ gìn bản sắc văn hóa 20 dân tộc, xây dựng quê hương Lai Châu ngày một phát triển.
Tại Đảng bộ huyện Tam Đường, mô hình tiêu biểu phải kể đến đó là mô hình xây dựng trường học gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện Tam Đường. Là huyện vùng cao của tỉnh, Tam Đường có 12 dân tộc, để triển khai thực hiện hiệu quả mô hình, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện chỉ đạo các trường học tổ chức thành công Ngày hội xây dựng trường học gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc (dân tộc Dao xã Hồ Thầu năm 2023; dân tộc Lào xã Nà Tăm năm 2024) với nhiều hoạt động phong phú: Chương trình văn nghệ mang đậm bản sắc dân tộc, màn tái hiện Lễ Tủ Cải - dân tộc Dao, Lễ Bun Vốc Nặm (té nước) - dân tộc Lào; trình diễn trang phục dân tộc; góc ẩm thực; góc trưng bày sản phẩm với những nhạc cụ, dụng cụ lao động, nông sản của địa phương…
Mô hình xây dựng trường học gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện Tam Đường. Trong ảnh: Màn đồng diễn của học sinh các cấp học ở xã Nà Tăm (huyện Tam Đường) tại Ngày hội Bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Lào.
Đồng chí Nguyễn Thị Thủy - Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện cho biết: Thời gian qua, Phòng chỉ đạo các trường trên địa bàn huyện thành lập các câu lạc bộ (CLB) gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc phù hợp với từng trường và đã thành lập được CLB khèn Mông; CLB dệt, thêu; CLB đan mây, tre; CLB âm nhạc... Các trường học đã tổ chức chương trình ngoại khóa, giới thiệu trò chơi dân gian, hát, múa truyền thống, giới thiệu nghi thức trong sinh hoạt cộng đồng của nhiều dân tộc… Đặc biệt, các trường phát động học sinh mặc trang phục truyền thống vào sáng thứ 2 và 4 hàng tuần. Tổ chức các trò chơi dân gian vào sáng thứ 2 lồng ghép trong tiết hoạt động dưới cờ, hoạt động giữa giờ. Tổ chức hoạt động giao lưu văn nghệ, quảng bá trang phục dân tộc, tìm hiểu văn hóa ẩm thực của các dân tộc vào hoạt động ngoại khóa, hội vui xuân... Qua đó, góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”.
Thành ủy Lai Châu là một trong những Đảng bộ có nhiều mô hình tiêu biểu, nổi bật là mô hình giúp bản, tổ dân phố phát triển toàn diện. Phân công các chi bộ, Đảng bộ cơ sở giúp đỡ 26 bản, tổ dân phố, trong đó: Đảng bộ xã, phường tiếp tục giúp đỡ 16 bản, tổ dân phố được bàn giao lại từ giai đoạn 2015-2020; 43 chi bộ, đảng bộ cơ sở khối cơ quan giúp đỡ 10 bản còn khó khăn giai đoạn 2020 - 2025. Hiện, 11/26 bản, tổ dân phố thực hiện chủ trương bí thư chi bộ đồng thời là tổ trưởng tổ dân phố, trưởng bản hoặc trưởng ban công tác mặt trận. Đã kiện toàn 221 lượt chức danh người hoạt động không chuyên trách. Hỗ trợ triển khai 28 mô hình chăn nuôi, trồng trọt mới với tổng số tiền hỗ trợ 848 triệu đồng; phối hợp vận động quyên góp, ủng hộ xây mới, sửa chữa nhà cho 66 hộ nghèo; làm nhà vệ sinh, nhà tắm, cứng hóa nền nhà cho 20 hộ, lắp bóng điện năng lượng mặt trời, sửa chữa nhà văn hóa... từ nguồn ngân sách Nhà nước, nguồn xã hội hóa với tổng số tiền trên 8 tỷ đồng và trên 660 ngày công lao động.
Thành ủy chỉ đạo UBND thành phố thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp thực hiện lồng ghép trong các chương trình, dự án đối với 10 bản khó khăn với tổng kinh phí thực hiện, hỗ trợ 43.672 triệu đồng. 26/26 bản, tổ dân phố thành lập và duy trì được ít nhất 1 đội văn nghệ; 100% trẻ trong độ tuổi được đến trường; hằng năm, tỷ lệ bản, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa, hộ gia đình đạt gia đình văn hóa đạt và vượt kế hoạch. Quan tâm, làm tốt công tác an sinh xã hội, tổ chức thăm, tặng quà nhân các ngày lễ, tết cho các hộ nghèo với tổng trị giá 659,69 triệu đồng. Tại 10 bản khó khăn giảm được 109 hộ nghèo, 53 hộ cận nghèo.
Diện mạo đô thị, nông thôn các bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh thêm sáng - xanh - sạch - đẹp, đời sống người dân thêm ấm no, hạnh phúc… Đó là minh chứng sinh động, rõ nét cho thấy Chỉ thị 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đi vào cuộc sống, là động lực để cán bộ, đảng viên và nhân dân học, noi gương Bác.
Phương Thanh Nhấn để tìm kiếm tin cùng tác giả
Nguồn Lai Châu : https://baolaichau.vn/chinh-tri/nhieu-mo-hinh-hay-cach-lam-sang-tao-674735