Trong báo cáo tài chính mới phát hành, Ngân hàng SeABank cho biết, tính đến hết ngày 31-12-2024, lợi nhuận trước thuế đạt 6.039 tỉ đồng, tăng 31% so với cuối năm trước, hoàn thành 103% kế hoạch. Tỉ lệ nợ xấu ở mức 1,89%, thấp hơn nhiều so với quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Năm 2024, dư nợ tín dụng của SeABank đạt 209.355 tỉ đồng, tỉ lệ tăng trưởng tín dụng đạt 20,42%, trong đó ưu tiên tập trung giải ngân vào các lĩnh vực tín dụng xanh và các động lực tăng trưởng theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.
Một ngân hàng thương mại khác cũng cán đích năm 2024 với con số khủng như ACB có lợi nhuận sau thuế là 16.789 tỉ đồng. Tỉ lệ nợ xấu của ACB chỉ là 1,51%. Ngân hàng MB ước đạt lợi nhuận trước thuế gần 28.000 tỉ đồng trong năm 2024 hay Techcombank cũng đạt lợi nhuận gần 1 tỉ đô la Mỹ,...
Ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và nghiên cứu thị trường Tập đoàn VinaCapital cho biết, cổ phiếu ngân hàng chiếm tỉ trọng 40% trong VN Index. Trong năm 2024, giá cổ phiếu ngân hàng đã tăng vượt trội so với VN Index.
VinaCapital tin rằng, năm 2025, giá cổ phiếu ngành ngân hàng sẽ tiếp tục tăng tốt nhờ tăng trưởng lợi nhuận mạnh hơn (từ 14% năm ngoái lên 17% năm nay), nhất là khi các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam dịch chuyển từ xuất khẩu và du lịch vào năm 2024 sang tiêu dùng, hạ tầng và bất động sản vào năm 2025.
Theo vị chuyên gia VinaCapital, áp lực về chất lượng tài sản của các ngân hàng đã tăng mạnh vào năm 2023, sau sự kiện của Ngân hàng SCB vào cuối năm 2022.
Tỉ lệ nợ xấu nội bảng chính thức toàn hệ thống (không tính các ngân hàng yếu kém) đã dao động quanh mức 2% kể từ đó, phần nào nhờ vào một số biện pháp gia hạn nợ.
Đến nay có nhiều dấu hiệu tích cực, như tỉ lệ nợ nhóm 2 và tỉ lệ hình thành nợ xấu giảm, đã cho thấy tỉ lệ nợ xấu nội bảng của ngành bắt đầu giảm xuống.
Ngoài ra một số ngân hàng đã bắt đầu ghi nhận thu nhập từ việc thu hồi các khoản nợ xấu đã xử lý, nguồn đóng góp vào khoảng 10% tổng lợi nhuận của ngành trong năm 2024. Các yếu tố này cho thấy áp lực lên chất lượng tài sản của các ngân hàng đã trở nên thuyên giảm.
Theo VinaCapital, dự báo tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ năm nay sẽ chậm lại, nhưng bù lại tăng trưởng của các yếu tố trong nước như đầu tư hạ tầng, bất động sản và tiêu dùng sẽ cải thiện.
Tăng trưởng xuất khẩu chậm lại sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP vì xuất khẩu chiếm gần 100% GDP.
Tuy nhiên, phần lớn xuất khẩu của Việt Nam là nhờ các công ty FDI, nhưng các công ty này lại không thực sự đi vay nhiều từ các ngân hàng trong nước. Nghĩa là tăng trưởng xuất khẩu chậm lại sẽ không gây ảnh hưởng quá nhiều tới các ngân hàng trong nước.
Hơn nữa, các ngân hàng vẫn sẽ là bên hưởng lợi từ sự chuyển dịch sang tăng trưởng GDP nhờ vào các yếu tố nội tại nêu trên, bởi các ngân hàng Việt Nam tài trợ gần như tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế trong nước. Và các ngân hàng cũng cho vay nhiều đối với bất động sản và tiêu dùng, những lĩnh vực sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế trong năm 2025.
Chính phủ sẽ có những biện pháp cụ thể để thúc đẩy thị trường bất động sản, nhờ đó dự kiến tăng trưởng cho vay mua nhà có thể tăng gấp đôi từ khoảng 10% năm ngoái lên gần 20% năm nay.
Thị trường bất động sản phục hồi cũng sẽ thúc đẩy niềm tin tiêu dùng từ đó kéo theo các mảng cho vay tiêu dùng có biên lãi ròng cao như cho vay mua ô tô và mua sắm trả góp.
Chính phủ cũng dự định sẽ hỗ trợ tăng trưởng GDP năm nay bằng cách đẩy mạnh đầu tư công, nhờ đó kỳ vọng sẽ mở rộng thêm cơ hội cho vay cho các ngân hàng.
"Tổng hòa của việc đẩy mạnh đầu tư công, bất động sản và tiêu dùng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, củng cố biên lãi ròng (NIM) và cải thiện chất lượng tài sản của các ngân hàng" - VinaCapital nhận định.
PHƯƠNG MINH