Tổng thống Donald Trump gặp các nghị sĩ Mỹ sau khi phát biểu tại phiên họp chung của Quốc hội tại Điện Capitol vào ngày 4/3/2025 ở Washington, DC. Ảnh: Getty Images
Trước đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đã quyết định tạm dừng việc cung cấp viện trợ vũ khí cho Ukraine sau khi tiến hành rà soát kho đạn dược của nước này. Các nguồn thạo tin của Politico cho biết Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách chính sách, ông Elbridge Colby đã đưa ra quyết định trên sau khi đánh giá về kho dự trữ đạn dược và lo ngại rằng tổng số đạn pháo, tên lửa phòng không… đang giảm đáng kể.
Gói viện trợ bị hoãn chuyển giao cho Ukriane gồm có hơn 20 tên lửa phòng không Patriot, hơn 20 hệ thống phòng không Stinger, đạn pháo chính xác, tên lửa Hellfire, thiết bị bay không người lái (UAV), và hơn 90 tên lửa không đối không AIM – loại được Ukraine sử dụng cho các tiêm kích F-16. Theo Washington Post, số vũ khí này đã ở Ba Lan và đang được chuẩn bị để chuyển giao cho Ukraine.
Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Brian Fitzpatrick, đồng Chủ tịch Nhóm nghị sĩ ủng hộ Ukraine tại Quốc hội Mỹ, đã chỉ trích quyết định này trên mạng xã hội X. Ông được đánh giá là người ủng hộ mạnh mẽ cho Ukraine và từng tới tiền tuyến, nơi giao tranh với quân đội Nga. Nghị sĩ này khẳng định "sẽ tích cực tìm hiểu vấn đề này và yêu cầu giải trình".
“Chúng ta phải xây dựng năng lực công nghiệp quốc phòng của riêng mình tại Mỹ, đồng thời cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho các đồng minh đang bảo vệ tự do của họ... Không làm được cả hai là điều không thể chấp nhận được”, ông nói thêm.
Trong một bức thư gửi Tổng thống Donald Trump liên quan đến việc tạm dừng chuyển giao hệ thống phòng không cho Ukraine, ông Fitzpatrick đã yêu cầu Nhà Trắng và Bộ Quốc phòng Mỹ tổ chức một cuộc họp báo khẩn để thông tin về tình hình của các lô hàng viện trợ nêu trên.
“Lòng dũng cảm của Ukraine phải được đáp lại bằng hành động, và Mỹ phải tiếp tục dẫn đầu một cách rõ ràng và có mục tiêu”, ông Fitzpatrick viết trên mạng xã hội.
Một hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa khác, ông Michael McCaul, cho biết rằng đang xem xét “rất kỹ lưỡng” liệu việc Bộ Quốc phòng ra lệnh đóng băng viện trợ có vi phạm luật viện trợ cho Ukraine được thông qua năm 2024 hay không - theo Politico.
Trước đó, khi Tổng thống Trump tiếp tục kêu gọi Moskva thực thi một lệnh ngừng bắn với Ukraine, ông McCaul cho rằng quyết định này được đưa ra “không đúng thời điểm”.
“Nếu bạn muốn buộc (Tổng thống Nga Vladimir Putin) ngồi vào bàn đàm phán một cách thiện chí, bạn phải tạo sức ép lên ông ấy. Và, đó sẽ là các lệnh trừng phạt kinh tế của (Thượng nghị sĩ) Lindsey Graham và dòng chảy vũ khí. Nếu bạn loại bỏ dòng chảy vũ khí, thì bạn không còn sức ép lên ông Putin để đàm phán”, ông chia sẻ.
Bên cạnh đó, một số nghị sĩ đảng Cộng hòa khác vẫn đang thể hiện sự thận trọng nhất định trước thông tin Mỹ tạm dừng viện trợ vũ khí cho Ukraine. Những người này cho biết sẽ chờ được cung cấp thêm thông tin trước khi đưa ra bình luận chính thức.
Ở phía Đảng Dân chủ, một nghị sĩ cũng lên tiếng chỉ trích những tác động thực tế của việc cắt giảm viện trợ quân sự cho Ukraine. Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal, thành viên Ủy ban Quân vụ Thượng viện, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng nhiều người sẽ tiếp tục bị thương, bị thiệt mạng cũng như nhiều cơ sở vật chất sẽ bị phá hủy nếu Mỹ dừng viện trợ quân sự cho Ukraine. Ông gọi quyết định trên của chính quyền Mỹ là “sai lầm và có thể còn là thiếu sự chân thật”.
Theo Kyiv Independent, kể từ khi nhậm chức vào tháng 1, Tổng thống Trump chưa phê duyệt thêm gói viện trợ quân sự nào cho Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth gần đây cũng thông báo rằng Mỹ sẽ giảm tổng viện trợ gửi cho Ukraine trong gói ngân sách quốc phòng sắp tới.
Đây là lần thứ hai Mỹ tạm dừng viện trợ quân sự lớn cho Ukraine dưới thời Tổng thống Trump. Trước đó, vào tháng 3, Washington từng tạm thời đình chỉ việc cung cấp vũ khí và hỗ trợ tình báo, sau đó mới khôi phục một phần khi Ukraine đồng ý với đề xuất ngừng bắn do Mỹ đưa ra. Trước đó, Tổng thống Trump cũng nhiều lần chỉ trích khoản viện trợ trị giá hàng trăm tỷ USD mà chính quyền tiền nhiệm Joe Biden cấp cho Ukraine.
Trong bài phát biểu tối 2/7, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết các quan chức Ukraine và Mỹ đang cùng nhau giải quyết vấn đề viện trợ ở “cấp làm việc” bao gồm các cuộc thảo luận về hỗ trợ phòng không quan trọng. Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak đã có cuộc điện đàm vào cuối ngày với Hạ nghị sĩ Brian Mast, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ.
Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết chưa nhận được bất kỳ thông báo chính thức nào về việc trì hoãn hay hủy bỏ viện trợ, nhưng đã yêu cầu tham vấn khẩn với các quan chức quốc phòng Mỹ.
Bộ Ngoại giao Ukraine cũng đã triệu tập Đại biện lâm thời Mỹ John Ginkel, cảnh báo rằng “bất kỳ sự do dự nào” trong hỗ trợ quân sự sẽ khuyến khích Nga tăng cường các hành động quân sự.
Trong khi đó về phía Nga, Điện Kremlin đã hoan nghênh quyết định này. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng quyết định đình chỉ viện trợ cho Ukraine của Mỹ là một tín hiệu tích cực hướng tới chấm dứt xung đột.
“Theo chúng tôi được biết, nguyên nhân là do kho dự trữ của Mỹ đang cạn kiệt. Nhưng rõ ràng, càng ít vũ khí được cung cấp cho Ukraine, chiến dịch quân sự đặc biệt càng sớm đi đến hồi kết”, ông Peskov nói.
Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mark Rutte cho biết ông “hoàn toàn hiểu” việc Mỹ ưu tiên lợi ích quốc gia, nhưng nhấn mạnh rằng các đồng minh châu Âu sẽ không thể tiếp tục hỗ trợ Ukraine nếu không có sự hậu thuẫn từ Washington.
“Trong ngắn hạn, Ukraine không thể thiếu sự hỗ trợ toàn diện, đặc biệt là về đạn dược và hệ thống phòng không”, ông khẳng định.
Bình Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc