Ngày 18/5, ông Đàm Hải Vân - Trưởng Ban quản lý vịnh Nha Trang, cho biết: Trong thời gian gần đây, sứa lửa xuất hiện khá nhiều ở biển Nha Trang, nhiều người dân, du khách tắm biển đã bị loại động vật có tua nọc độc này "tấn công" gây tổn thương.
Theo ông Vân, năm nào cũng vậy khi đến mùa này thì biển Nha Trang lại xuất hiện sứa lửa, do chúng bơi theo dòng hải lưu từ Bắc vào Nam, do đó người dân, du khách cần rất cẩn trọng khi tắm biển.
Bé Nhật Minh (Con chị Lài) bị sứa lửa "tấn công khi tắm biển Hòn Chồng.
Chị Hoàng Thị Lài (phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang) cho biết, 2 ngày trước chị đưa con là bé Đặng Nhật Minh (4 tuổi) đi tắm biển Hòn Chồng, không may bé đụng phải sứa lửa. Sau khi lên bờ, da vùng chân ngực của con chị bị sưng nề, các đường lằn dọc theo vết đốt chuyển màu đỏ phồng rộp, nổi bóng nước, đau rát. "Rất may là cháu được nhân viên cứu hộ bờ biển bôi thuốc kịp thời nên cũng đã đỡ nhiều nhưng trên vết thương vẫn còn nhiều vết mẩn đỏ chạy dọc theo các xúc tu của sứa", chị Lài cho hay.
Anh Minh Tuyên (nhân viên cứu hộ tại bờ biển Hòn Chồng) cho biết, năm nay sứa lửa xuất hiện nhiều hơn các năm trước. Tuy sứa lửa còn nhỏ độc tố chưa mạnh như sứa lớn nhưng cũng khiến nhiều người bị tổn thương khi đụng phải. "Thời gian gần đây, trung bình một ngày có khoảng 15 người bị sứa lửa "tấn công" tại khu vực biển Hòn Chồng, hầu hết đều bị nhẹ, không nguy hiểm nhưng cũng khiến vùng da tiếp xúc với tua sứa bị phồng rộp, đau rát. Trong người tôi luôn có hộp thuốc để khi người dân cần giúp đỡ sẽ được bôi để giảm đau kịp thời", anh Tuyên nói.
Ông Đàm Hải Vân cho biết, Ban Quản lý vịnh Nha Trang vừa có cảnh báo về việc xuất hiện sứa lửa tại các bãi tắm trên biển Nha Trang, người dân và du khách cần cẩn trọng.
Người dân, du khách cần cẩn thận khi tắm biển trong mùa này.
Theo ông Vân, trong trường hợp bị sứa đốt, người dân, du khách cần đưa ngay người bị sứa đốt ra khỏi vùng nguy hiểm có sứa; nhổ các xúc tu bám vào da bằng dụng cụ sạch; hạn chế chạm tay vào vết đốt tránh gây nhiễm trùng lan rộng vết thương; rửa vết đốt bằng giấm hay nước biển để làm sạch các chất độc. Có thể dùng ammoniac, cồn hoặc soda cũng phát huy tác dụng tốt và chườm mát các vị trí tổn thương. Không sử dụng nước ngọt để rửa do sẽ làm tăng hoạt tính độc của sứa. Có thể uống thêm thuốc giảm đau, thuốc kháng histamin và bôi kem có chứa corticoid.
Bên cạnh đó, cần theo dõi người bị sứa đốt, nếu có những biểu hiện nặng như: Đau đầu, tức ngực, tím tái, vã mồ hôi, phù mặt, nôn ói, đau bụng và tiêu lỏng nhiều lần, mạch nhanh, nhỏ, huyết áp tụt… thì phải chở ngay đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu và điều trị. Ban cũng đề nghị người dân và du khách khi bị sứa đốt cần khẩn trương liên hệ nhân viên cứu hộ, trạm cứu hộ gần nhất để được hỗ trợ.
Theo đại diện Bệnh viện đa khoa Khánh Hòa, các trường hợp bị thương do sứa lửa đưa đến điều trị không nhiều, hầu hết bị nhẹ nên người dân thường tự xử lý ở nhà. Tuy nhiên, khi cảm thấy dấu hiệu bất thường như buồn nôn và nôn, khó thở, tăng nhịp tim... người dân cần đến cơ sở y tế để chữa trị kịp thời.
Phùng Quang