Số vụ TNGT xe máy chiếm đến 60%
Theo ông Lê Văn Đạt, tình hình TNGT, đặc biệt số lượng xe máy và xe gắn máy chiếm số lượng rất cao. Số vụ TNGT liên quan đến xe máy cũng trên 60%. Đây là một vấn đề Việt Nam phải giải quyết.
Mục tiêu của nghiên cứu nhằm khám phá trải nghiệm, kiến thức và thái độ của người đi xe máy về ATGT. Đồng thời, phân tích các yếu tố góp phần dẫn đến các hành vi rủi ro như lái xe khi có nồng độ cồn, chạy quá tốc độ và không đội mũ bảo hiểm.
Ông Lê Văn Đạt, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT.
"Những kết quả nghiên cứu sẽ giúp cho việc xây dựng các khuyến nghị và chiến lược truyền thông dựa trên "bằng chứng" để thay đổi hành vi và thúc đẩy người đi xe máy tuân thủ luật giao thông.
Ngoài ra, còn cung cấp dữ liệu xã hội và hành vi để hỗ trợ các cơ quan chính phủ phát triển các chính sách ATGT lấy con người làm trung tâm, đặc biệt là đối với người đi xe máy", ông Đạt nói.
Ông Đạt cũng chia sẻ, phương pháp thực hiện nghiên cứu là định lượng (bảng câu hỏi) và định tính (thảo luận nhóm tập trung). Trong đó, 166 người tham gia 14 cuộc thảo luận nhóm tập trung. Chia thành 2 nhóm 18 - 29 tuổi và 30 - 49 tuổi.
Địa điểm thực hiện nghiên cứu tại ba thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM trong thời gian tháng 9 - 10/2024.
Nội dung tập trung vào bốn chủ đề chính gồm kinh nghiệm lái xe; Kiến thức, thái độ và hành vi rủi ro liên quan đến ATGT; Kinh nghiệm cá nhân với các hành vi rủi ro; Thay đổi hành vi.
Các lựa chọn đối tượng căn cứ vào tỉ lệ nam/ nữ, nghề nghiệp (tham gia giao thông bình thường/ thương mại), người có con… để đánh giá yếu tố, khả năng con người trong việc đảm bảo hành vi tham gia giao thông an toàn cho trẻ em. Các đối tượng lựa chọn đều phù hợp để đánh giá.
Lý do lựa chọn đánh giá sự khác nhau giữa ba miền và các nhóm đối tượng. Cơ bản lựa chọn xe máy bởi thuận tiện, linh hoạt, chi phí sử dụng thấp và đáp ứng được nhiều cách sử dụng khác nhau ở điều kiện giao thông Việt Nam. Kết quả cho thấy.
Về nhận biết tốc độ, người tham gia thảo luận đều nhận biết được biển báo tốc độ. Nhưng với các biển cắm báo khu dân cư, có đến 80 - 90% số người được hỏi không nắm rõ tốc độ. Số người tham gia đã từng vượt tốc độ ở biển này rất lớn, hơn 60%. Đa số thấy hành vi này là nghiêm trọng nhưng số lượng người tự tin sẽ không bao giờ vượt chỉ có 28,31%.
Liên quan đến vấn đề nồng độ cồn, số người trả lời sai về các quy định vẫn rất lớn. Đặc biệt nhóm tuổi 18 - 29 vẫn thoải mái hơn trong việc sử dụng rượu bia khi sử dụng phương tiện. Các nhóm tuổi còn lại cẩn thận hơn.
Còn việc đội mũ bảo hiểm, chỉ 38,55% người tham gia giao thông tự tin luôn đội mũ bảo hiểm.
Theo Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT, nhiều người sợ bị CSGT xử phạt, sau đó mới nhận biết đến ảnh hưởng sức khỏe, tác động gia đình và xã hội khi vi phạm giao thông (ảnh minh họa).
Vì sao biết vẫn vi phạm?
Phân tích lý do, dù ý thức được các hành vi vi phạm nhưng nhiều người đi xe máy vẫn vi phạm, ông Đạt cho biết, tất cả đều sợ bị CSGT xử phạt, vì mức phạt cao. Sau đó mới nhận biết đến ảnh hưởng sức khỏe, tác động gia đình và xã hội.
Đối với thay đổi liên quan đến tuân thủ tốc độ, có người tham gia giao thông cho rằng, áp lực thời gian khiến họ chấp nhận vượt tốc độ. Đặc biệt nhóm trẻ lo đến chỗ làm trễ hoặc lỡ lịch hẹn…
Liên quan đến lái xe sau khi uống rượu bia, ông Đạt cho biết, động lực để người dân thay đổi hành vi, đó là áp lực xã hội và mức xử phạt vi phạm nặng.
"Trong đó, nhóm tuổi 30-49, nhiều người đã ngừng lái xe sau khi uống rượu vì lo sợ các hình phạt nghiêm khắc cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh xã hội và gia đình của họ.
Nhóm tuổi từ 18-29 có xu hướng chỉ tạm thời điều chỉnh hành vi khi có cảnh sát hoặc khi tham dự các sự kiện xã hội quan trọng".
Về rào cản thay đổi hành vi, ông Đạt cho biết: "Một số người tham gia giao thông, đặc biệt là người trẻ tuổi, thừa nhận, việc thiếu các phương tiện thay thế và áp lực từ bạn bè khiến họ khó tránh được việc uống rượu và lái xe hoặc thay đổi hành vi. Điều này phổ biến hơn ở các khu vực nông thôn hoặc những nơi chưa có dịch vụ gọi xe rộng rãi.
Tăng cường phạt nguội vi phạm giao thông với người đi xe máy sẽ giúp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT (ảnh minh họa).
Cần tăng cường phạt nguội với người đi xe máy
Về thay đổi hành vi liên quan đến việc đội mũ bảo hiểm, qua nghiên cứu cho thấy động lực để người dân thay đổi hành vi đó là các chiến dịch về an toàn giao thông và việc xử phạt của cảnh sát giao thông.
Đối với nhóm tuổi 30-49 tuổi có xu hướng tuân thủ quy định hơn do lo ngại về an toàn cá nhân và gia đình.
Nhóm tuổi từ 18-29 cũng có những thay đổi tích cực, mặc dù một số người thừa nhận chỉ đội mũ bảo hiểm trên các tuyến đường chính hoặc khi có cảnh sát giao thông.
Nói về rào cản đối với việc thay đổi hành vi đội mũ bảo hiểm, ông Đạt cho rằng, do một số người tham gia trẻ tuổi thấy khó duy trì việc đội mũ bảo hiểm khi đi quãng ngắn hoặc trong thời tiết nóng bức, điều này đặc biệt phổ biến tại TP.HCM.
Chia sẻ về những khuyến nghị chính sách giúp đảm bảo ATGT cho xe máy, ông Đạt cho rằng cần tăng cường các chiến dịch nâng cao nhận thức và giáo dục đối với người dân, tập trung về các nguy cơ của việc chạy quá tốc độ, lái xe khi có nồng độ cồn và không đội mũ bảo hiểm.
Bên cạnh đó, sử dụng các câu chuyện thực tế và hình ảnh để làm nổi bật hậu quả nghiêm trọng của các hành vi rủi ro; trong đó chú trọng đặc biệt vào nhóm người trẻ tuổi, có xu hướng thực hiện các hành vi rủi ro nhiều hơn.
Mặt khác, lực lượng chức năng cần tăng cường xử phạt cũng như giám sát vi phạm giao thông, ứng dụng công nghệ để giám sát tự động (camera tốc độ), đặc biệt ở các khu vực ngoại ô và các tuyến đường ít đông đúc, nơi các vi phạm thường xảy ra.
Đồng thời, xem xét áp dụng các hình phạt nghiêm khắc hơn đối với hành vi lái xe khi có nồng độ cồn.
Bên cạnh đó, cũng cần cải thiện hạ tầng và phát triển các phương tiện thay thế (phương tiện công cộng, dịch vụ lái xe hộ cho người say).
Việc khuyến khích sử dụng mũ bảo hiểm phù hợp với thời tiết nhưng vẫn đảm bảo tiêu chuẩn sẽ giúp tăng tỷ lệ người dân sử dụng mũ bảo hiểm thường xuyên hơn; kết hợp với tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc đội mũ bảo hiểm cho mọi chuyến đi, kể cả các quãng ngắn.
Cuối cùng, ông Đạt cho rằng cần tận dụng ảnh hưởng xã hội, đặc biệt là vai trò của cộng đồng và gia đình trong việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về pháp luật trật tự ATGT.
Đại diện Vital Strategies, ông Lê Thanh Hải trình bày tham luận tại Hội thảo.
Truyền thông phải kết hợp với giám sát để thay đổi hành vi
Đại diện Vital Strategies, ông Lê Thanh Hải trình bày tham luận truyền thông về ATGT cho người đi xe máy lấy kinh nghiệm từ châu Mỹ Latinh.
Ông Hải cho biết, tại châu Mỹ Latinh, vấn đề an toàn cho người đi xe máy là một thách thức mới nổi. Họ không được bảo vệ, số lượng xe hai bánh được sử dụng ngày càng tăng và người lái xe bốn bánh thường coi hai bánh là mối phiền toái trên đường.
Dựa trên thông tin, thấy tỉ lệ tử vong rất cao đến từ vấn đề về lái xe năm 2023. Khi thiết kế các chiến dịch, chúng tôi hướng tới các hành vi an toàn. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cần thêm thông tin và các nguồn dữ liệu khác cũng như tăng cường kiến thức người tham gia ATGT.
Sau khi thực hiện các chiến dịch truyền thông về ATGT đã có nhiều bài học.
Đầu tiên dữ liệu chi tiết là chìa khóa để xác định đối tượng mục tiêu như thành phố Campinas, Brazil thì đối tượng mục tiêu là người lái xe mô tô vượt tốc độ. Chúng tôi đã đưa ra những cảnh báo khi lái xe vượt quá tốc độ.
Hay tại Argentina, chúng tôi lưu ý những người đi xe máy ít được bảo vệ hơn, có khả năng dễ thương tích hơn khi va chạm.
Bài học tiếp theo là dữ liệu về hành vi xã hội. Nghiên cứu để hiểu rõ đối tượng mục tiêu, bao gồm: Thảo luận nhóm để tìm hiểu động lực và rào cản, cũng như điều gì khiến họ phải hành xử theo cách họ làm; Nghiên cứu kiểm tra thông điệp để xác định những thông điệp gây được tiếng vang với khán giả và cách xử lý sáng tạo hiệu quả; Đánh giá tác động và liệu những thay đổi mong muốn có đạt được hay không.
Qua việc truyền thông, chúng ta thấy các thông điệp rất rõ ràng để lái xe kiểm soát tốc độ thông qua lời chứng thực của người lái xe mô tô.
Bài học thứ ba là truyền thông nên phối hợp với giám sát tuân thủ của CSGT rất quan trọng trong công tác ATGT. Những người tham gia chiến dịch cho thấy nhận thức về rủi ro cao hơn khi chạy quá tốc độ.
Chiến dịch đã góp phần thay đổi các chuẩn mực xã hội, đây là một quá trình lâu dài và các chiến dịch cần được duy trì để tạo ra tác động và kết hợp với việc thực thi rõ ràng và quy mô.
Chúng tôi thấy rằng phương pháp tiếp cận dựa trên bằng chứng và thông điệp mạnh mẽ, với dữ liệu đầy đủ, chiến lược, mục tiêu rõ ràng, đối tượng cụ thể là những yếu tố quan trọng để tiếp cận, thay đổi hành vi. Đây cũng là bài học kinh nghiệm thực tiễn của các nước châu Mỹ Latinh.
Yến Chi