Nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 Âm lịch) và tháng tiệc Mẫu (tháng Ba) - Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, ngày 3/4, lễ hội "Bách thiện hiếu vi tiên" diễn ra tại đền Cô Bé Ngai Vàng (Hà Nội).
Phát biểu khai mạc, thầy Huyền Tích - thủ nhang Đền Cô Bé Ngai Vàng cho rằng, lễ hội là dịp tri ân cha mẹ và là ngày hội để mỗi người, đặc biệt thế hệ trẻ, học hỏi và hiểu rõ hơn về chữ "hiếu", giá trị gia đình, lòng yêu thương sẻ chia.
TS. Bùi Thế Đức - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương nhấn mạnh, trong bối cảnh xã hội hiện nay, khi các hệ giá trị bị đảo lộn, việc nêu cao chữ "hiếu" đặc biệt có ý nghĩa, nhất là với giới trẻ. Lễ hội này thể hiện tinh thần đẹp của dân tộc Việt Nam, chạm tới mong muốn nguyện ước của nhiều người.
Trong khi đó, nhà sử học Lê Văn Lan cho rằng, lễ hội Bách thiện hiếu vi tiên đã đưa nội hàm chữ "hiếu" vào nội hàm Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Điều này có ý nghĩa rất lớn, cần được lan tỏa, nhân rộng hơn nữa trong cộng đồng.
Chị Minh Phương (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đưa mẹ tham gia lễ hội.
Cha mẹ rất xúc động khi nhận được sự tri ân từ con cái.
Những giọt nước mắt đã rơi vì hạnh phúc.
Lễ hội không chỉ có các nghi thức truyền thống mà tổ chức thi sáng tác thơ ca, nhằm tôn vinh những nhân vật hiếu thảo trong lịch sử Việt Nam. BTC kỳ vọng sẽ xây dựng những câu chuyện về lòng hiếu thảo của người Việt, từ đó nâng cao ý thức về đạo hiếu trong xã hội hiện đại.