Gần đây, liên tiếp các vụ nhập viện, thậm chí tử vong do nhiễm liên cầu khuẩn lợn sau khi ăn tiết canh lợn đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về một món ăn khoái khẩu nhưng cực kỳ nguy hiểm.
“Ăn quen rồi, không sao đâu...”
Trên mạng xã hội vẫn có nhiều bài viết rao bán tiết canh lợn nhà làm, tiết canh lợn nhà nuôi với khẳng định “không bệnh thì ăn tiết canh lợn không sao”, “ăn quen rồi, không sao đâu”...
Tuy nhiên, theo bác sĩ (BS) dinh dưỡng Bùi Thị Dung, Bệnh viện (BV) Đa khoa 115 Nghệ An, món ăn này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về sức khỏe, thậm chí nguy hiểm tính mạng.
Tiết canh lợn nhà làm được rao bán trên chợ mạng. Ảnh: Chụp màn hình.
BS Dung cảnh báo, ngay cả những con lợn trông hoàn toàn khỏe mạnh, không có dấu hiệu bệnh vẫn có thể mang các tác nhân gây bệnh nguy hiểm như liên cầu khuẩn lợn (Streptococcus suis), các vi khuẩn hoặc ký sinh trùng khác tồn tại trong máu, thịt hoặc nội tạng.
“Khi người dân ăn tiết canh lợn hoặc thịt lợn chưa nấu chín, các mầm bệnh này xâm nhập vào cơ thể, gây tình trạng nghiêm trọng như viêm màng não mủ, nhiễm khuẩn huyết, thậm chí tử vong”, BS Dung nói.
Điều đáng lo ngại là lợn mang liên cầu khuẩn thường không biểu hiện triệu chứng rõ ràng, do đó rất khó nhận biết bằng mắt thường. Một số phương pháp chuyên sâu như xét nghiệm huyết thanh, xét nghiệm PCR từ máu hoặc dịch nhầy có thể giúp phát hiện mầm bệnh, tuy nhiên đây là những kỹ thuật tốn kém và khó áp dụng trong thực tế tại các cơ sở chăn nuôi, lò mổ nhỏ lẻ.
“Người dân cần nâng cao ý thức về vệ sinh an toàn thực phẩm tại nhà, tránh sử dụng các món ăn sống như tiết canh để không xảy ra hậu quả đáng tiếc cho sức khỏe”, BS Dung khuyên.
Bệnh diễn tiến nhanh, biến chứng nặng
Trên thực tế có người khỏe mạnh, không bệnh nền, nhưng sau khi ăn tiết canh chỉ vài ngày đã sốt cao, hoại tử chân tay, thậm chí tử vong do nhiễm liên cầu khuẩn lợn.
ThS.BS Đặng Ngọc Hùng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng, nhấn mạnh liên cầu khuẩn rất nguy hiểm. Vi khuẩn xâm nhập vào máu, nhân lên và tiết độc tố, gây tụt huyết áp, suy đa tạng, rối loạn đông máu, thậm chí xuất hiện ban hoại tử trên da. Nếu không được cấp cứu kịp thời, người bệnh có thể tử vong.
Thanh niên 30 tuổi, ngụ Hải Phòng, nhập Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) trong tình trạng nguy kịch sau khi ăn tiết canh lợn trước đó 3 ngày. Ảnh: BVCC
Không chỉ dừng lại ở đó, vi khuẩn này còn gây viêm màng não mủ. Tuy có tiên lượng điều trị tốt hơn, nhưng người bệnh vẫn có thể chịu di chứng thần kinh vĩnh viễn như điếc, ù tai, liệt, động kinh, suy giảm trí nhớ...
"Thời gian ủ bệnh rất ngắn, chỉ từ vài giờ đến 3 ngày. Các dấu hiệu nhận biết sớm khi nhiễm liên cầu khuẩn lợn bao gồm sốt cao đột ngột, rét run, đau đầu dữ dội, buồn nôn, đau mỏi toàn thân, tiêu chảy, xuất hiện ban hoại tử trên da, hoặc các biểu hiện thần kinh như cứng gáy, ù tai, rối loạn tri giác...
Người dân nếu gặp các triệu chứng này cần đến ngay cơ sở y tế, vì bệnh có thể trở nặng chỉ trong vài giờ", BS Hùng nói thêm.
Nguy cơ “ăn nhầm” tiết lợn
Một nguy cơ ít được chú ý nhưng lại khá phổ biến là việc sử dụng chung dao, thớt, dụng cụ chế biến cho thực phẩm sống và chín, dẫn đến lây nhiễm chéo vi khuẩn, đặc biệt là liên cầu khuẩn lợn, Salmonella, hoặc E.coli… từ thịt lợn sống sang các món ăn khác.
Không chỉ vậy, nhiều người bán hàng còn trộn tiết lợn hoặc nội tạng lợn vào các món ăn như tiết canh dê, nem chạo, giò sống… khiến người tiêu dùng vô tình ăn nhầm mà không biết.
Hậu quả từ việc tưởng như không có gì này có thể rất nghiêm trọng, dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm màng não, rối loạn đông máu, trong một số trường hợp thậm chí tử vong.
ThS.BS Đặng Ngọc Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Tư vấn Dinh dưỡng
DI LINH