Ngày 11-5, tại TP.HCM, Quỹ chống hàng giả ACF (thành lập năm 2016, theo Quyết định số 1818 ngày 1-12-2015 của Bộ Nội vụ) đã ra mắt Trung tâm kỹ thuật chống hàng giả ACF.
Bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Quỹ chống hàng giả, cho biết Trung tâm kỹ thuật chống hàng giả ACF sẽ có nhiệm vụ kết hợp cùng các tổ chức, đơn vị, cá nhân để nghiên cứu khoa học và thực hiện các chương trình, đề tài, dự án về phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại.
Nhiều nguyên nhân khiến hàng giả tồn tại dai dẳng
Cạnh đó, trung tâm cũng thực hiện các dịch vụ tư vấn lĩnh vực khoa học - công nghệ như chuyển giao các giải pháp chống hàng giả, gian lận thương mại, nhãn hiệu cho các tổ chức, cá nhân. Đồng thời, tổ chức tập huấn và đào tạo nâng cao chuyên môn nghiệp vụ trong vấn đề bảo vệ thương hiệu…
Bà Hoài cho biết hiện nay, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng... đang tiếp tục bùng nổ ở nhiều ngành hàng từ thời trang, thực phẩm, dược phẩm. Điển hình gần đây là vụ gần 600 loại sữa giả, hay hàng loạt các thực phẩm chức năng giả. Trong đó, thương mại điện tử trở thành mảnh đất màu mỡ cho đối tượng lợi dụng để kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ…
Ban lãnh đạo Trung tâm kỹ thuật chống hàng giả ACF. ẢNH: THU HÀ
Theo bà Hoài, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc hàng giả, hàng kém chất lượng tồn tại dai dẳng.
Đầu tiên, phải kể đến lợi nhuận khổng lồ đến từ việc sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Tiếp đến, công nghệ ngày càng phát triển khiến cho việc làm giả trở nên tinh vi, khó kiểm soát. Ngoài ra, hệ thống giám sát, xử lý vi phạm còn nhiều bất cập như thiếu nhân lực, thiết bị chuyên dụng, thời gian xử lý, lỗ hổng pháp lý...
Cùng với đó, nhận thức của người tiêu dùng trong nhận diện hàng giả - hàng thật còn hạn chế, nhất là khi thương mại điện tử và kênh bán hàng thông qua người nổi tiếng đang ảnh hưởng nhiều tới hành vi tiêu dùng của người dân.
Các đại biểu tham dự sự kiện. ẢNH: THU HÀ
Cần sự chung tay trong xử lý hàng giả hàng nhái
Ông Phạm Lộc Ninh, Viện trưởng Viện kỹ thuật chống hàng giả và gian lận thương mại, đồng tình và cho rằng vấn nạn gian lận thương mại đã và đang len lỏi khắp cuộc sống, thông qua nhiều hình thức từ bán hàng trực tiếp, bán online thông qua livestream và người có sức ảnh hưởng (KOL/KOC).
Cạnh đó, các thủ đoạn cũng khá tinh vi như thành lập các công ty vỏ bọc, ra mắt nhiều sản phẩm có tên na ná các thương hiệu uy tín, thậm chí giả mạo cả tem nhãn, QR code...
“Do đó, muốn loại bỏ được vấn nạn trên cần sự chung tay đồng bộ từ cấp quản lý, doanh nghiệp và cả người tiêu dùng. Ngoài xử lý bằng chế tài, cần có thêm sự phối hợp liên ngành, các giải pháp công nghệ hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, giám sát lưu thông. Cạnh đó, cần có một chiến lược truyền thông đủ sâu sắc để nâng cao nhận thức và khơi dậy tinh thần người tiêu dùng thông thái" - ông Ninh nói.
Ông Nguyễn Tri Thắng, Phó Chủ tịch HĐQT Quỹ chống hàng giả cũng nói thêm, để dẹp nạn thì cần khuyến khích doanh nghiệp trong việc chủ động áp dụng công nghệ tiên tiến như blockchain trong truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng để các cơ quan chức năng dễ dàng tra cứu, xác minh thông tin...
"Chúng ta cũng nên đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đặc biệt là các nước trong khu vực, trong việc đấu tranh hàng giả, hàng kém chất lượng..." - ông Thắng bày tỏ.
Sẽ kiến nghị vấn đề hàng giả đối với yến sào, yến huyết
Trao đổi bên lề sự kiện, ông Nguyễn Tri Thắng, Phó Chủ tịch HĐQT Quỹ chống hàng giả, cho biết sắp tới, đơn vị sẽ gửi văn bản kèm chứng cứ tới Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng với sản phẩm yến sào, yến huyết, được bày bán trên thị trường.
"Chúng tôi đã đi giám định độc lập các thành phần trong một số nước yến, huyết yến bán trên mạng và nhận thấy không giống như công bố" - ông Thắng nói.
Cũng theo ông Thắng, từ năm 2017, Quỹ chống hàng giả cũng đã có văn bản kiến nghị lên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tình trạng sản xuất, kinh doanh sữa bột và thực phẩm chức năng giả tại Việt Nam. Văn bản này đi kèm các hồ sơ, dấu hiệu và chứng cứ liên quan đến doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, quỹ cũng sẽ có ý kiến về dự thảo luật sửa đổi, nhất là sửa đổi Luật An toàn thực phẩm, để khắc phục những lỗ hổng hiện tại trong thực phẩm, sức khỏe...
THU HÀ