Dự lễ khai mạc Đại lễ Vesak 2025, có Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lương Cường; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Ủy viên Trung ương Đảng - Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính; cùng 1.500 đại biểu thuộc Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và các địa phương, các phật tử tiêu biểu.
Chủ tịch nước Lương Cường cùng Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng - Đức Pháp chủ GHPG Việt Nam dự Đại lễ Vesak 2025. Ảnh: Ban tổ chức
Đại biểu quốc tế có hơn 1.200 khách mời đến từ 85 quốc gia, vùng lãnh thổ; các vị tăng vương, tăng thống, chủ tịch các tổ chức Phật giáo trên thế giới; các vị cao tăng, các nhà nghiên cứu, học giả, giáo sư, tiến sĩ từ các trường đại học, viện nghiên cứu; các nhân sĩ tri thức Phật giáo trên thế giới. Trong các đại biểu quốc tế, có nhiều nguyên thủ một số quốc gia, như: Tổng thống Sri Lanka Anura Kumara Dissanayaka; Bộ trưởng Các vấn đề Nghị viện và Dân tộc thiểu số Ấn Độ Kiren Rijiju; Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia; Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thái Lan…
Thay mặt GHPG Việt Nam, Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng - Đức Pháp chủ GHPG Việt Nam phát đi thông điệp Đại lễ Phật đản Phật lịch 2569. Trong thời gian này cả thế giới long trọng kỷ niệm sự kiện trọng đại ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đản sinh thị hiện ở đời vì hạnh phúc cho số đông, vì an lạc cho số đông, vì lợi ích cho chư thiên và loài người. Ngày Đức Phật thành đạo đem đến chân lý giác ngộ khai mở con đường giải thoát khổ đau cho chúng sinh, mang đến ánh sáng của từ bị và trí tuệ cho nhân loại. Ngày Đức Phật nhập Niết bàn để lại di sản vô giá làm kim chỉ nam cho các giải pháp xây dựng nền hòa bình thế giới, hạnh phúc thực sự cho con người, sự phát triển bền vững cho xã hội.
“Đây là lần thứ tư, Đại lễ Vesak Liên hợp quốc được tổ chức tại Việt Nam và lần đầu tiên tổ chức tại TP Hồ Chí Minh nhân Kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước. Đại lễ Vesak 2025, chúng ta vô cùng diễm phúc được thỉnh Xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, bảo vật quốc gia Ấn Độ và là bảo vật thiêng liêng vô giá của nhân loại. Đồng thời, chúng ta có được đầy đủ nhân duyên đảnh lễ Trái tim bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Đức (1897-1963) - ngọn đuốc sống năm 1963 tại miền Nam Việt Nam để lại Xá lợi Trái tim là bảo vật vô cùng quý giá. Ngài là biểu tượng cho sự hy sinh cao cả, tinh thần và ý đấu tranh cho nền độc lập dân tộc, hòa bình và thống nhất đất nước của tăng ni, tín đồ Phật giáo Việt Nam; đồng thời là minh chứng sống động cho truyền thống hàng nghìn năm Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc” - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng - Đức Pháp chủ GHPG Việt Nam chia sẻ.
Đại biểu quốc tế dự Đại lễ Vesak 2025.
Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng cũng thay mặt Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh GHPG Việt Nam, kêu gọi chư tăng ni và phật tử nhất tâm cầu nguyện cho các nạn nhân bị thiệt mạng trong trận động đất ngày 27/3 tại Myanmar và Thái Lan; cầu nguyện cho chiến tranh, xung đột trên thế giới mau chấm dứt; cầu nguyện thế giới hòa bình, nhân sinh an lạc.
Phát biểu tại Đại lễ Vesak 2025, Chủ tịch nước Lương Cường đã thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam, nhiệt liệt chào mừng sự có mặt của các vị nguyên thủ các quốc gia, lãnh đạo các chính phủ, tổ chức quốc tế, các vị chư tôn đức giáo phẩm đại diện cho Phật giáo trên toàn thế giới cùng đồng bào, tăng ni, phật tử Việt Nam ở trong nước và nước ngoài.
“Đức Phật ra đời cách đây hơn 2.600 năm, những giá trị cốt lõi của giáo lý từ bi - trí tuệ mà Ngài truyền dạy vẫn vẹn nguyên ý nghĩa đối với nhân loại hôm nay. Tinh thần từ bi, khoan dung, độ lượng, vị tha và sẻ chia mà Đức Phật khai thị đã, đang và sẽ mãi là nguồn cảm hứng trong hành trình kiến tạo một thế giới hòa bình, an lạc và phát triển bền vững. Đại lễ Vesak - ngày kỷ niệm ba sự kiện trọng đại trong cuộc đời Đức Phật: Đản sinh, Thành đạo và Nhập Niết bàn - sự kiện đặc biệt này không chỉ có ý nghĩa đối với hàng triệu tín đồ phật tử trên toàn thế giới, mà còn là dịp để mọi người cùng chiêm bái và lan tỏa những giá trị cao đẹp của đạo Phật: từ bi, trí tuệ và hòa bình. Ở Việt Nam, Đại lễ Vesak là sự kiện tôn giáo quốc tế lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với đồng bào phật tử và người dân có cảm tình với Phật giáo trên toàn thế giới, trong đó có GHPG, đất nước và con người Việt Nam” - Chủ tịch nước Lương Cường nhấn mạnh.
Chủ tịch nước Lương Cường cũng hoan nghênh và đánh giá cao chủ đề Đại lễ Vesak 2025: “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững”. Đây là một thông điệp có ý nghĩa sâu sắc trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức như: xung đột, bất bình đẳng, biến đổi khí hậu, khủng hoảng đạo đức xã hội. Đại lễ Vesak 2025 rất có ý nghĩa khi được tổ chức đúng dịp Việt Nam vừa long trọng Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và hướng tới Kỷ niệm 80 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
“Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn đánh giá cao và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tôn giáo, trong đó có Phật giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người và coi đó là nền tảng quan trọng để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Hiện nay, GHPG Việt Nam là thành viên của MTTQ Việt Nam; đại diện cho tăng ni, phật tử cả nước, đã thể hiện tốt vai trò của mình trong việc hướng dẫn tín đồ tu hành, sống “tốt đời, đẹp đạo”, đóng góp vào sự phát triển của đất nước và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế.
Chủ đề của Đại lễ Vesak 2025 đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Liên hợp quốc đối với hoạt động mang tính xã hội rộng rãi, vì một thế giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Đồng thời, phản ánh khát vọng và tầm nhìn thời đại, khi liên kết các giá trị Phật giáo với các sáng kiến toàn cầu như: mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Ý nghĩa của Đại lễ Vesak 2025 được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh càng trở nên sâu sắc, ngay sau khi Việt Nam tổ chức trọng thể Lễ Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước - một biểu tượng sống động của khát vọng hòa bình, hòa hiếu, của hành trình dân tộc Việt Nam vượt qua chia cắt và hận thù, gác lại quá khứ để hướng tới một tương lai đoàn kết, hòa hợp, tốt đẹp và thịnh vượng.
“Với vai trò là nước chủ nhà, chúng tôi mong và tin Đại lễ Vesak 2025 sẽ thành công tốt đẹp. Tôi đề nghị, cần đưa tâm từ bi vào chính sách, mang trí tuệ vào định hướng phát triển, đề cao tinh thần vô ngã - vị tha, tức là làm việc gì cũng không vì bản thân mình mà luôn nghĩ đến lợi ích của đại chúng” - Chủ tịch nước Lương Cường nhấn mạnh.
Tân Tiến