Đại học Quốc gia TP.HCM vừa thông qua danh sách 39 ứng viên đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham dự phỏng vấn tại các đơn vị thuộc hệ thống. Đợt thu hút nhân tài này nằm trong chương trình VNU350 nhằm hiện thực hóa tầm nhìn phát triển Đại học Quốc gia TP.HCM trở thành hệ thống đại học nghiên cứu trong tốp đầu châu Á – nơi hội tụ nhân tài và lan tỏa tri thức, văn hóa Việt Nam.
Với mức lương hấp dẫn, đầu tư mạnh cho các dự án nghiên cứu và nhiều đãi ngộ khác, chương trình thu hút các nhà khoa học trẻ xuất sắc, đặc biệt từ nước ngoài, nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Đại học Quốc gia TP.HCM thành đại học nghiên cứu hàng đầu khu vực.
Hiện nay, Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM – một thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM – có khoảng 4.000 sinh viên ra trường mỗi năm với 11 khoa chuyên ngành về khoa học kỹ thuật. Trường có khoảng 700 giảng viên, trong đó khoảng 65% có trình độ tiến sĩ. Tuy nhiên, việc tuyển dụng nhà khoa học, đặc biệt ở các ngành "hot" như vi mạch bán dẫn, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, gặp không ít khó khăn. Từ khi chương trình VNU350 triển khai, công tác tuyển dụng đã thuận lợi hơn rõ rệt.
GS.TS Mai Thanh Phong – Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM, chia sẻ: "Khi bắt đầu chương trình VNU350 này, mới từ năm ngoái thôi, chúng tôi có 3 đợt tuyển dụng. Qua hai đợt đầu, chúng tôi tuyển được khoảng 10 nhân tài. Đa số là những nhà khoa học đã có kinh nghiệm, đang làm việc tại các Viện Nghiên cứu ở các trường đại học nước ngoài. Và ở đợt thứ ba đang trong quá trình tuyển dụng, chúng tôi đã nhận được 24 hồ sơ – một con số kỷ lục".
TS Phạm Toàn Thắng, Giảng viên Bộ môn Cơ kỹ thuật, Khoa Khoa học Kỹ thuật, Đại học Bách Khoa TP.HCM, cho biết: "Mình ứng tuyển đợt đầu, sau đó cũng giới thiệu thêm những đồng nghiệp của mình và có 2 bạn đã ứng tuyển thành công. Với mình, điều quan tâm nhất là môi trường học thuật và không gian nghiên cứu. Khi mình ứng tuyển và phỏng vấn, thầy hiệu trưởng đã đề xuất sẽ tạo điều kiện tốt nhất để thành lập nhóm nghiên cứu. ĐH Bách Khoa và ĐH Quốc gia đã cấp kinh phí để mình làm đề tài nhóm C. Một số đề tài nhỏ khác, nhà trường cũng ưu tiên cho các bạn trẻ".
Đối với các nhà khoa học trẻ, ngoài mức lương cao, điểm hấp dẫn là Đại học Quốc gia TP.HCM chi trả từ 200 triệu đến 1 tỷ đồng cho một đề tài nghiên cứu trong 2 năm đầu. Với các nhà khoa học đầu ngành, kinh phí đề tài có thể lên tới 1 tỷ đồng, đồng thời có hỗ trợ đầu tư từ 10–30 tỷ đồng cho phòng thí nghiệm, thành lập nhóm nghiên cứu mạnh.
PGS.TS Trần Cao Vinh, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, nhận định: "Điểm đột phá trong chương trình của chúng tôi là phải có chính sách vượt ra khỏi khung hiện hành trong hệ thống. Cơ sở để đột phá là học tập mô hình quốc tế, từ đó rút ra các bài học để phát triển mô hình đại học. Thứ hai là dựa trên cơ chế tự chủ mà Đảng và Nhà nước đã trao cho Đại học Quốc gia. Điều kiện tự chủ giúp Đại học Quốc gia xây dựng được các chính sách đặc thù".
Đại học Quốc gia TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ tuyển dụng 350 nhà khoa học theo Chương trình VNU350. Đến nay, sau 3 đợt đầu, trường đã thu hút được 27 nhà khoa học, trong đó có các tiến sĩ tốt nghiệp từ những đại học thuộc top 10, top 50 và top 100 thế giới.
Hồng Liên
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/nhieu-nha-khoa-hoc-dau-nganh-ve-nuoc-giang-day-333854.htm