Sau khi nộp đơn xin phá sản vào tháng 7 năm ngoái, nhà sản xuất mâm xe BBS Autotechnik GmbH (BBS Đức) vừa ra thông báo đóng cửa nhà máy.
Tất cả nhân viên đã bị sa thải và các nhà phân phối sẽ bán nốt số hàng tồn kho.
Doanh nghiệp còn lại vẫn hoạt động ở bên ngoài Đức là BBS Nhật Bản, chưa bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa BBS Đức.
Một kho chứa mâm xe BBS trong đại lý, tại thời điểm BBS chưa tuyên bố phá sản. Ảnh: BBS.
BBS là một trong số hàng chục nhà cung cấp phụ tùng ô tô xe máy ở Đức, đang lao đao vì chuỗi sản xuất ô tô đứt gãy do tiêu thụ giảm.
Hãng xe lớn nhất Đức là Volkswagen lên kế hoạch đóng cửa ba nhà máy, cắt giảm hàng chục nghìn nhân viên trong tổng số khoảng 300 nghìn lao động trực tiếp và gián tiếp tại Đức.
Volkswagen cũng có kế hoạch cắt giảm ít nhất 10% lương và dừng tăng lương trong năm 2025 và 2026.
Volkswagen đưa ra các đề xuất về cách cắt giảm chi phí lao động vào 30/10, khi các công nhân và ban lãnh đạo gặp nhau trong vòng đàm phán tiền lương thứ hai và hãng công bố kết quả kinh doanh quý III.
Thomas Schaefer, đứng đầu bộ phận thương hiệu của Volkswagen, cho biết các nhà máy tại Đức tốn chi phí hoạt động cao hơn 25 - 50% so với đối thủ cạnh tranh.
Nghiệp đoàn công nhân phản ứng mạnh mẽ và “dọa” tổ chức đình công từ 1/12 tại trụ sở chính Volkswagen.
Đầu tháng này, cả Mercedes và Porsche tuyên bố cắt giảm mạnh chi phí do lợi nhuận giảm bởi thị trường Trung Quốc suy yếu.
Các hãng xe Đức cũng lo ngại bị cuốn vào cuộc chiến thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc, khi thuế nhập khẩu của EU đối với xe điện Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực.
Lam Anh