Nhiều nông dân Sóc Trăng 'đổi đời' từ cây mận OCOP

Nhiều nông dân Sóc Trăng 'đổi đời' từ cây mận OCOP
7 giờ trướcBài gốc
Từ mô hình nông dân sáng tạo
Bắt nguồn từ nhu cầu cải thiện sinh kế và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giống mận hồng MST đã từng bước khẳng định vị thế không chỉ trong lòng người tiêu dùng mà còn trên bản đồ sản phẩm OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh Sóc Trăng. Với năng suất cao, chất lượng vượt trội, phù hợp với thị hiếu thị trường, mận hồng MST đang được kỳ vọng trở thành sản phẩm chủ lực mới trong chiến lược tái cơ cấu nông nghiệp địa phương gắn với chương trình OCOP.
Anh Nguyễn Văn Nhựt là người tiên phong trồng thành công mận hồng MST. Ảnh: Huỳnh Xây
Người tiên phong trồng thành công mận hồng MST là anh Nguyễn Văn Nhựt (47 tuổi, xã An Thạnh 1, huyện Cù Lao Dung). Với hơn 15 năm kinh nghiệm trồng thanh long ruột đỏ, anh Nhựt nhận ra đầu ra loại trái cây này ngày càng bấp bênh, buộc anh phải tìm hướng đi mới.
Từ những cây giống đầu tiên, anh Nhựt mạnh dạn đầu tư 100 triệu đồng làm nhà lưới cho 3 công đất, áp dụng kỹ thuật bao trái và tuyển chọn trái kỹ càng. Kết quả vượt mong đợi, mỗi cây mận MST cho năng suất 100kg/năm, thương lái thu mua tại vườn từ 80.000-100.000 đồng/kg, nếu bán lẻ có thể lên đến 120.000 đồng/kg. Với diện tích hiện có, mỗi năm anh thu về hơn một tỷ đồng.
“Mận hồng MST ra trái quanh năm, cây vừa có hoa, có trái non và trái chín cùng lúc, tạo nguồn thu đều đặn cho nông dân. Thương lái rất chuộng vì trái đẹp, giòn, vị ngọt đậm, độ đường đạt chuẩn”, anh Nhựt chia sẻ.
Mận hồng MST được bao lưới để tránh sâu hại tấn công trái. Ảnh: Thúy Liễu
Không chỉ tạo ra giá trị kinh tế cao, mô hình trồng mận MST còn cho thấy hiệu quả về mặt quản lý rủi ro thị trường nhờ vào quy trình sản xuất an toàn, kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt và sự chủ động trong tiếp cận thị trường tiêu thụ.
Tiềm năng nhân rộng gắn với chương trình OCOP
Sau thành công của những mô hình nhỏ lẻ, nhiều địa phương khác trong tỉnh Sóc Trăng cũng đã vào cuộc. Điển hình là Hợp tác xã Ứng dụng công nghệ cao và du lịch cộng đồng cồn Mỹ Phước, xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, nơi hiện đang phát triển vùng trồng mận MST với quy mô 25ha, bắt đầu từ vài chục cây giống ban đầu.
Ông Trần Anh Nhân, Giám đốc Hợp tác xã Ứng dụng công nghệ cao và du lịch cộng đồng cồn Mỹ Phước cho biết, giống mận này rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu của vùng đất ven sông Hậu. Trái mận có màu hồng nhạt lúc còn non và chuyển đỏ đậm khi chín, trọng lượng trung bình từ 6- 9 trái/kg, thậm chí có trái chỉ 4 trái/kg. Nhờ những ưu điểm này, Hợp tác xã đã nhân rộng diện tích từ hơn 100 cây giống ban đầu lên đến 25 ha sau hơn 6 năm trồng.
Mận hồng MST có tiềm năng để xuất khẩu các thị trường khó tính. Ảnh minh họa
Ông Nhân cho rằng, để nâng cao giá trị sản phẩm và tránh rơi vào vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá” khi mở rộng diện tích, bà con nông dân cần liên kết xây dựng vùng trồng tập trung với quy trình canh tác đồng bộ, đủ điều kiện hướng đến xuất khẩu.
Trong bối cảnh chương trình OCOP ngày càng được chú trọng ở cấp tỉnh và quốc gia, giống mận hồng MST nổi lên như một ứng viên tiềm năng. Năm 2024, sản phẩm này đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, mở đường cho các hoạt động quảng bá, kết nối thị trường và xây dựng thương hiệu.
Không chỉ dừng lại ở việc tạo thu nhập cao cho nông dân, việc phát triển giống mận hồng MST còn là một phần trong chiến lược chuyển đổi nông nghiệp sang hướng sản xuất hàng hóa lớn, có truy xuất nguồn gốc và gắn với du lịch sinh thái cộng đồng.
Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp huyện Kế Sách, giống mận hồng MST có khả năng sinh trưởng mạnh, kháng sâu bệnh tốt và ít tốn công chăm sóc. Trái mận ráo nước, giòn, ngọt, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng nội địa và có thể đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu khi đi theo chuỗi sản xuất an toàn.
Thực tế cho thấy, những vùng trồng mận MST áp dụng quy trình VietGAP, có hệ thống tưới tiêu tự động và bảo quản sau thu hoạch tốt đang có mức tiêu thụ ổn định, giá cả không biến động nhiều như các loại trái cây khác.
Nắm bắt được tiềm năng này, Sở Nông nghiệp và Môi Trường tỉnh Sóc Trăng đã triển khai hàng loạt giải pháp nhằm nâng tầm sản phẩm mận MST. Ông Ngô Thái Chân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Sóc Trăng cho biết, hiện ngành nông nghiệp đang tập trung triển khai các bước cần thiết để chứng nhận cây đầu dòng giống mận hồng MST, đồng thời khảo sát, quy hoạch vùng trồng tập trung nhằm phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững và lâu dài. Cùng với đó, Sóc Trăng đang xây dựng các mô hình sản xuất kiểu mẫu gắn với du lịch sinh thái cộng đồng, qua đó không chỉ nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm mà còn tạo thêm nguồn thu cho người dân địa phương.
Ông Chân nhấn mạnh, việc mở rộng diện tích trồng mận hồng MST sẽ được thực hiện có kiểm soát, theo đúng quy hoạch và chỉ tại các vùng đất có khả năng phát triển, có đầu tư bài bản về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và liên kết thị trường. Mục tiêu là tránh tình trạng phát triển tự phát, trồng ồ ạt theo phong trào dẫn đến cung vượt cầu, rớt giá, gây thiệt hại cho người nông dân như từng xảy ra với một số loại trái cây và nông sản khác trong thời gian qua.
Dự kiến trong năm 2025, Sở sẽ phối hợp với các ngành liên quan và chính quyền địa phương hoàn thiện hồ sơ đề xuất công nhận sản phẩm mận hồng MST đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh với chất lượng cao hơn, đồng thời thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc minh bạch, rõ ràng để phục vụ nhu cầu kiểm tra chất lượng của người tiêu.
Từ mô hình nhỏ lẻ của một nông dân ở Cù Lao Dung đến vùng nguyên liệu hàng chục héc-ta tại Kế Sách, từ một giống cây lạ trở thành sản phẩm OCOP 3 sao, mận hồng MST là minh chứng sống động cho hiệu quả của chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống, Sóc Trăng hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng mận MST sẽ trở thành thương hiệu nông sản mạnh, đủ sức chinh phục thị trường trong thời gian tới.
Qua hành trình phát triển của mận hồng MST, có thể thấy rõ vai trò của chương trình OCOP trong việc khơi thông tiềm năng nông nghiệp địa phương. Không cần phải là sản phẩm hoàn toàn mới, đôi khi chỉ cần một hướng đi khác cũng có thể tạo ra sự thay đổi mang tính đột phá.
OCOP là cơ hội để những sản phẩm có thế mạnh địa phương được chuẩn hóa, được đầu tư về chất lượng, bao bì, thương hiệu, truy xuất nguồn gốc và tiếp cận thị trường rộng lớn hơn. Tuy nhiên, để OCOP thực sự trở thành “tấm hộ chiếu” đưa nông sản Việt vươn xa, cần sự chung tay giữa nông dân, hợp tác xã, chính quyền và doanh nghiệp.
Ngân Nga
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/nhieu-nong-dan-soc-trang-doi-doi-tu-cay-man-ocop-388544.html