Ảnh minh họa
Báo cáo "Phân biệt giới tính, quấy rối và bạo lực đối với phụ nữ trong các quốc hội ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương", dựa trên các cuộc phỏng vấn bí mật với 150 nữ nghị sĩ và nhân viên Quốc hội từ 33 quốc gia. Nghiên cứu này nhấn mạnh sự gia tăng đáng báo động về bạo lực giới trực tuyến so với tỷ lệ được báo cáo trong các nghiên cứu trước đây của IPU.
60% nữ nghị sĩ được khảo sát cho biết đã bị trở thành mục tiêu bởi lời nói thù địch, thông tin sai lệch, lạm dụng dựa trên hình ảnh hoặc tiết lộ dữ liệu cá nhân không mong muốn (doxing) trực tuyến. Đây là tỷ lệ cao nhất đối với loại lạm dụng này so với các nghiên cứu khu vực khác của IPU.
Nghiên cứu cũng tiết lộ 76% nữ nghị sĩ và 63% nhân viên quốc hội đã từng trải qua bạo lực tâm lý. Bạo lực tình dục cũng phổ biến, với 25% nữ nghị sĩ và 36% nhân viên quốc hội báo cáo các vụ việc như vậy. Bạo lực kinh tế hoặc thiệt hại về tài sản ảnh hưởng đến 24% nữ nghị sĩ và 27% nhân viên quốc hội, trong khi bạo lực thể xác lần lượt được 13% và 5% báo cáo.
Theo nghiên cứu, một số nhóm nhất định - phụ nữ dưới 40 tuổi, phụ nữ xuất thân từ dân tộc thiểu số và phụ nữ chưa kết hôn - phải đối mặt với tỷ lệ bạo lực cao hơn đáng kể. Các nữ nghị sĩ đối lập cũng báo cáo tỷ lệ bạo lực tâm lý và tình dục cao hơn.
Tại một số nước, hơn một nửa số vụ quấy rối tình dục đối với nữ nghị sĩ xảy ra tại cơ quan quốc hội và do các nghị sĩ nam gây ra. Tuy nhiên, đối với các nữ nghị sĩ trong nghiên cứu, 85% trường hợp bị tấn công trực tuyến, 59% trường hợp đe dọa và 45% trường hợp quấy rối tâm lý đến từ công chúng.
Những bước tiến tích cực
Một số Quốc hội trong khu vực đã bắt đầu thực hiện các biện pháp để ngăn chặn và ứng phó với những hành động như vậy, bao gồm việc áp dụng các cơ chế báo cáo bí mật và các dịch vụ hỗ trợ. Tiêu biểu là ở Úc, Fiji, Ấn Độ, Maldives, Philippines, Hàn Quốc, New Zealand, Sri Lanka và Thái Lan.
Nghiên cứu mới này tiếp nối các báo cáo trước đây của IPU, bắt đầu từ năm 2016 với một nghiên cứu toàn cầu, tiếp theo là báo cáo năm 2018 về các quốc hội Châu Âu và báo cáo năm 2021 về các quốc hội Châu Phi.
Tổng Thư ký Hội đồng Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) Ar. Siti Rozaimeriyanty Dato Haji Abdul Rahman
Tổng Thư ký Hội đồng Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) Ar. Siti Rozaimeriyanty Dato Haji Abdul Rahman nhấn mạnh: "Bạo lực đối với phụ nữ trong chính trị vẫn là một rào cản đáng kể đối với sự tham gia đầy đủ và có ý nghĩa của họ, ảnh hưởng đến tính bao trùm của quản trị. Giải quyết những thách thức này đòi hỏi các thể chế chính trị phải có những biện pháp chủ động nhằm tạo ra một môi trường an toàn và hỗ trợ, nơi phụ nữ có thể tham gia mà không sợ hãi hay bị hạn chế. Việc tạo ra một không gian thuận lợi và an toàn cho phụ nữ trong chính trị không chỉ là vấn đề công bằng mà còn đòi hỏi sự cam kết chung, không chỉ trong các nghị viện mà còn trên khắp các thể chế chính trị, nhằm xây dựng một nền quản trị bao trùm và hướng tới tương lai hơn, mang lại lợi ích cho toàn xã hội".
Nguồn: www.ipu.org
Minh Tú (dịch)