Tổng thống Donald Trump giơ bảng có các mục thuế với các nền kinh tế thế giới ngay sau khi ký
“Cơn địa chấn” thuế quan
Tổng thống Mỹ Donald Trump vào chiều 2-4 giờ Washington (tức sáng 3-4 theo giờ Việt Nam) đã ký sắc lệnh áp thuế đối ứng đối với các nền kinh tế trên toàn thế giới. Theo đó, Mỹ sẽ đồng loạt áp mức thuế chung là 10% đối với tất cả các nền kinh tế, có hiệu lực từ ngày 5-4.
Phát biểu tại Vườn Hồng trong khuôn viên Nhà Trắng sau khi ký sắc lệnh áp thuế, Tổng thống Donald Trump đã chỉ trích những gì ông mà cho là thuế nhập khẩu “cao hơn nhiều” đối với hàng hóa từ Mỹ so với mức thuế mà nền kinh tế lớn nhất thế giới áp dụng cho các nước khác đối với hàng xuất khẩu của mình. Tổng thống Donald Trump nêu rõ, việc áp thuế quan là để “có đi có lại đối với các quốc gia trên toàn thế giới”.
Ngoài mức thuế cơ bản 10%, chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng sẽ áp dụng thuế đối ứng đối với các quốc gia khác mà Nhà Trắng coi là có sự mất cân bằng thương mại với Mỹ. Mức thuế này sẽ bằng một nửa mức thuế mà các quốc gia đó áp dụng cho hàng xuất khẩu của Mỹ, theo sự tính toán của phía Mỹ.
Biểu đồ mức thuế được Tổng thống Donald Trump giơ cao khi phát biểu tại Nhà Trắng cho thấy, Mỹ sẽ áp thuế 34% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, 20% đối với Liên minh châu Âu (EU), 25% đối với Hàn Quốc, 24% đối với Nhật Bản, 32% đối với Đài Loan (Trung Quốc).
Tại khu vực Đông Nam Á, Campuchia bị áp thuế 49%, tiếp theo là Lào 48%, Việt Nam 46%, Thái Lan 36%, Indonesia 32%, Malaysia 24%, Philippines 17%, Singapore 10%. Nhóm các nước khác chịu mức thuế “sàn” thấp nhất 10% gồm có Vương quốc Anh, Australia, Colombia, Chile, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ. Đáng chú ý là Canada và Mexico không nằm trong danh sách bị Mỹ áp thuế đối ứng lần này.
Theo Tổng thống Donald Trump, việc đánh thuế cao nhằm áp đặt những thay đổi sâu rộng đối với điều mà chính quyền của ông cho là “các thỏa thuận thương mại đã tồn tại hàng thập kỷ”. Tuy nhiên, mức thuế cao hơn của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến các thực thể nước ngoài bán nhiều hàng hóa cho Mỹ hơn là mua. Chính quyền Tổng thống Donald Trump trông đợi, các quốc gia khác sẽ hạ thuế quan và các rào cản thương mại khác mà họ cho là đã dẫn đến mất cân bằng thương mại 1.200 tỷ USD vào năm ngoái.
Dù đã phần nào dự đoán trước nhưng thị trường quốc tế vẫn chao đảo mạnh trước “cơn địa chấn” thuế quan của Mỹ, làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến thương mại toàn cầu. Là thị trường nhạy cảm với mọi biến động kinh tế, chứng khoán Mỹ lập tức giảm điểm trong chiều 2-4 với sắc đỏ bao trùm.
Theo đó, tại thị trường chứng khoán New York lớn nhất nước Mỹ, hàng loạt mã chứng khoán đã giảm điểm ngay sau khi Tổng thống Donald Trump công bố áp thuế ít nhất 10% và thậm chí cao hơn đối với một số quốc gia và vùng lãnh thổ, làm tăng nguy cơ chiến tranh thương mại toàn cầu.
Trong đó, chỉ số Dow Jones giảm 256 điểm, tương đương 0,61%; mã chứng khoán S&P 500 giảm 1,69%; chỉ số Nasdaq-100 giảm 2,54%. Cổ phiếu của nhiều công ty đa quốc gia cũng chung xu thế giảm điểm.
Trong khi đó, giá vàng thế giới đã tăng lên mức cao kỷ lục mới sau khi Tổng thống Donald Trump công bố các mức thuế quan đối ứng với một loạt quốc gia và vùng lãnh thổ, làm tăng thêm căng thẳng thương mại trong môi trường vốn đã bất định hiện nay. Giá mặt hàng kim loại quý đã vượt mức kỷ lục trước đó và leo lên đỉnh mới trên 3.150 USD/ounce, khi các nhà giao dịch đổ xô vào tài sản trú ẩn an toàn.
Theo giới kinh tế, việc Mỹ áp các mức thuế đối ứng cao hơn nhiều so với dự đoán có thể dẫn đến việc bán tháo nhiều tài sản và làm đồng USD suy yếu, đồng thời khiến vàng càng thu hút được sự quan tâm nhiều hơn. Bởi vàng thường được coi là kênh trú ẩn an toàn trong thời kỳ bất ổn chính trị và tài chính.
Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ quan ngại trước mức thuế quan mới với Việt Nam
Đàm phán với Mỹ để giảm thuế
Các nhà kinh tế cho rằng, chính sách thuế của Tổng thống Donald Trump có thể đẩy tăng lạm phát và làm chậm lại tăng trưởng kinh tế, đồng thời làm leo thang tranh chấp thương mại và hạn chế nhu cầu về dầu. Nhiều đối tác thương mại của Mỹ đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ chính sách thuế của chính quyền Mỹ, nhưng cũng có những đối tác vẫn tỏ ra thận trọng và tránh đưa ra các biện pháp trả đũa ngay lập tức.
Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, nước này đã hối thúc Mỹ hủy bỏ ngay lập tức các mức thuế đơn phương và giải quyết thỏa đáng những bất đồng với các đối tác thương mại thông qua đối thoại bình đẳng. Trong một tuyên bố, Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh, nhiều đối tác thương mại đã bày tỏ bất bình và phản đối một cách rõ ràng.
Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng, thuế quan của Mỹ “không tuân thủ các quy tắc thương mại quốc tế và gây tổn hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan”. Trung Quốc vì thế “kiên quyết phản đối” quyết định áp thuế đối ứng mà Tổng thống Donald Trump vừa công bố, đồng thời cảnh báo sẽ thực hiện các biện pháp ứng phó để bảo vệ quyền và lợi ích của mình.
Tổng thống Chile Gabriel Boric cảnh báo rằng các biện pháp thuế quan không chỉ gây bất ổn mà còn thách thức "những nguyên tắc đã được thống nhất" trong thương mại quốc tế.
Các nhà lãnh đạo châu Âu như Thủ tướng Italy Giorgia Meloni, Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Thụy Sĩ Karin Keller-Sutter cũng đều bày tỏ quan ngại về tác động tiêu cực của chính sách thuế quan mới. Thủ tướng Thụy Điển và Ba Lan, Ngoại trưởng Đan Mạch bày tỏ lấy làm tiếc trước chính sách thuế của Tổng thống Trump. Tại Anh, Thủ tướng nước này Keir Starmer cảnh báo "chiến tranh thương mại không có lợi cho bất kỳ ai" nhưng London sẽ có cách tiếp cận "bình tĩnh" về thuế đối ứng của Mỹ.
Nằm trong số các nền kinh tế phản ứng thận trọng, Thủ tướng Australia Anthony Albanese dù gọi quyết định của Mỹ là “hoàn toàn vô lý”, nhưng tuyên bố sẽ không đáp trả. Bộ trưởng Thương mại Yoji Muto nêu rõ, nước này sẽ tiếp tục yêu cầu Mỹ miễn trừ thuế đối với hàng nhập khẩu từ quốc gia Đông Bắc Á này. Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản cho rằng, kế hoạch thuế quan mới là "điều đáng tiếc" và "sẽ khiến các công ty khó đầu tư vào thị trường Mỹ", cũng như gây tổn hại cho chính nền kinh tế của Mỹ.
Hàn Quốc và Thái Lan đã tổ chức ngay các cuộc họp khẩn cấp để thảo luận về chiến lược ứng phó. Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra cho biết, quốc gia Đông Nam Á này đã có "kế hoạch mạnh mẽ" và sẽ thực hiện các bước đi phù hợp để giảm thiểu tác động của mức thuế đối ứng 36% sẽ được Mỹ đưa vào áp dụng từ ngày 9-4 tới. Ngoài ra, nữ Thủ tướng Thái Lan cũng đề cập khả năng đàm phán với Mỹ để giảm thuế.
Hiện chưa rõ liệu biện pháp thuế quan mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump có thực sự mang lại "cú hích" cho nền kinh tế Mỹ như thông báo của giới chức Mỹ hay không, song những hệ lụy đã có thể thấy khá rõ. Giới kinh tế cho rằng, đây là “đợt tăng thuế lịch sử” có thể đẩy trật tự thương mại toàn cầu vào bất ổn, ảnh hưởng không chỉ phục hồi và tăng trưởng kinh tế mà còn cả an sinh cũng như các vấn đề xã hội khác.
Hoàng Hà