Nhiều nút thắt khiến vốn tín dụng cho các chương trình mục tiêu quốc gia bị tắc

Nhiều nút thắt khiến vốn tín dụng cho các chương trình mục tiêu quốc gia bị tắc
một ngày trướcBài gốc
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú vừa thông tin về nguồn vốn tín dụng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại cuộc họp do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Mai Văn Chính chủ trì.
Theo Phó Thống đốc, có hơn 10 triệu khách hàng đang thụ hưởng các chương trình, sản phẩm tín dụng của ngành ngân hàng với dư nợ tín dụng tại các xã trên toàn quốc đạt trên 2,2 triệu tỷ đồng; phần lớn khách hàng có dư nợ là các cá nhân, hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, vượt kế hoạch đề ra cho cả giai đoạn 2021-2025 dự kiến khoảng 1,79 triệu tỷ đồng (theo Quyết định số 263/QĐ-TTg).
Dư nợ tín dụng chính sách góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đạt trên 376 nghìn tỷ đồng, với khoảng 6,8 triệu khách hàng còn dư nợ. Dư nợ tín dụng chính sách ưu đãi cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ đạt trên 2,4 nghìn tỷ đồng, với trên 49 nghìn khách hàng còn dư nợ.
Tuy nhiên, ông Đào Minh Tú cho biết việc triển khai chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP giai đoạn 2021-2025 mới đạt 2.401/19.727 tỷ đồng; riêng giai đoạn 2022-2023 chỉ đạt 2.317/9.000 tỷ đồng, tương ứng 25,7% kế hoạch đề ra.
Theo ông Tú, nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân vốn tín dụng ưu đãi để phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt thấp là do các các bộ, ngành chậm hoàn thiện văn bản.
Cụ thể, đến tháng 9/2022, Ủy ban Dân tộc và Bộ Y tế mới hoàn thành xong các văn bản hướng dẫn/sửa đổi bổ sung thực hiện Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, dẫn đến chậm tiến độ xác nhận và phê duyệt danh sách người dân được thụ hưởng chính sách của các địa phương; ảnh hưởng đến việc giải ngân của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Dân tộc và Tôn giáo (cơ quan chủ quản Chương trình Mục tiêu Quốc gia) khẩn trương tham mưu, báo cáo Chính phủ xem xét, bố trí nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP cho giai đoạn 2024-2025, đảm bảo tính khả thi của chính sách đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đến cuối năm 2023, có 44/49 địa phương công bố danh sách người dân được thụ hưởng chính sách vay vốn ưu đãi. Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội chưa được bố trí nguồn vốn cho vay giai đoạn 2024-2025.
Cũng theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, việc giải ngân cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội còn khó khăn do tại một số địa phương không còn hoặc chưa bố trí được quỹ đất ở/đất sản xuất để giao cho hộ dân hoặc đất chủ yếu là đất nông nghiệp, chưa chuyển đổi mục đích, chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân.
Đến nay, dư nợ cho vay chuỗi giá trị ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thấp (4,9 tỷ đồng); chưa giải ngân cho vay vùng trồng dược liệu quý. Nguyên nhân là một số địa phương chưa ban hành quy định về mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn dự án theo quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP và Nghị định số 38/2023/NĐ-CP của Chính phủ, chưa hình thành dự án đầu tư cụ thể; chưa phê duyệt dự án đầu tư thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách vay vốn, do vậy Ngân hàng Chính sách xã hội không có cơ sở để giải ngân cho vay.
Theo Ngân hàng Nhà nước, mới có 1 địa phương (Lào Cai) phát sinh cho vay theo chuỗi giá trị; 1 địa phương (Quảng Ngãi) đã phê duyệt dự án dược liệu quý, trong đó có phát sinh nhu cầu tín dụng. Tuy nhiên, do giai đoạn 2024-2025 chưa được bố trí nguồn vốn nên Ngân hàng Chính sách xã hội chưa thực hiện cho vay đối với dự án.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn để tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn (đang chờ văn bản thẩm định chính thức của Bộ Tư pháp để sớm trình Chính phủ), đồng thời rà soát sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Nghị định 28/2022/NĐ-CP sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định phê duyệt sửa đổi, bổ sung Quyết định 1719/QĐ-TTg.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Dân tộc và Tôn giáo sớm rà soát nhu cầu vay vốn của các địa phương để tiếp tục bổ sung, sửa đổi, thay thế các chính sách tín dụng ưu đãi cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2026-2030 phù hợp nhu cầu của đồng bào và mục tiêu của chương trình; đồng thời đề xuất bố trí đầy đủ nguồn vốn từ nguồn đầu tư công để thực hiện chương trình, tránh việc ban hành chính sách nhưng không bố trí kịp thời nguồn vốn để Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai cho vay các chính sách tín dụng ưu đãi cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như giai đoạn hiện nay.
Phó Thống đốc đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, bố trí quỹ đất ở, đất sản xuất để triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ; tạo điều kiện về thủ tục đầu tư, sớm phê duyệt các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, dự án phát triển vùng dược liệu quý để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay theo quy định...
Kỳ Phong
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/nhieu-nut-that-khien-von-tin-dung-cho-cac-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-bi-tac.htm