Theo đó, công tác khai quật khảo cổ di tích kiến trúc nghệ thuật tháp Mường Luân được tiến hành từ tháng 12/2024. Qua quá trình khai quật đã cho thấy ngôi đền trước đây có mặt bằng kiến trúc khá quy mô; lối kiến trúc xây dựng theo hình chữ nhật. Bên cạnh đó là sự kiên cố của móng đền với chân móng rộng hơn mặt móng tới 40cm; cơ bản được xây từ 10 - 12 hàng gạch chồng xếp lên nhau cho thấy sự vững chắc cũng như sự đầu tư công sức, tiền của để xây dựng công trình này.
Các đại biểu khảo sát thực tế khu vực khai quật di tích.
Với tổng diện tích 120m2, đoàn khai quật đã tìm ra gần như toàn bộ mặt bằng kiến trúc của ngôi chùa cổ, gồm 3 không gian trước – giữa – sau với tổng chiều dài móng lên tới hơn 14,2m, rộng 7,4m với kết cấu móng bằng gạch, gia cố thêm bằng đá cuội và có tường gạch chịu lực. Tại không gian sau có phòng đặt tượng Phật và hai trụ đặt linh vật hai bên; phía trước chùa có bậc lên xuống.
Một số di vật được tìm thấy trong quá trình khai quật.
Ngoài ra, đoàn khai quật còn phát hiện một số di vật, như: Vật liệu xây dựng bằng gạch; một số tượng Phật bằng kim loại, tiền kim loại; một số đồ dùng sinh hoạt…
Một số di vật được tìm thấy trong quá trình khai quật.
Về niên đại của di tích, dựa vào loại hình gạch xây móng và những ghi chép còn lại, đoàn khai quật bước đầu nhận định công trình này được khởi dựng vào khoảng thế kỷ thứ XVII. Sau đó ngôi chùa cũng được trùng tu, sửa chữa ít nhất 1 lần.
Các đại biểu thống nhất nội dung.
Sau khi trực tiếp khảo sát, kiểm tra thực tế tại khu vực khai quật, các đại biểu thống nhất không tiếp tục khai quật nhằm bảo vệ di tích; đồng thời, xây dựng phương án, kinh phí để làm mái che, rãnh thoát nước cho khu di tích không bị hư hỏng…
Tin, ảnh: Lan Anh – An Chi