Đại Cung Môn - công trình đã bị phá hủy hoàn toàn. Đây là cổng chính dẫn vào Tử Cấm Thành, Đại Nội Huế. (Ảnh: tư liệu)
Kết quả khai quật Đại Cung Môn trùng với ghi chép lịch sử
Ngày 24/4, Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã có báo cáo sơ bộ kết quả sau hơn một tháng khai quật khảo cổ tại di tích Đại Cung Môn, Đại Nội Huế.
Đại Cung Môn là cửa chính của Tử Cấm Thành và là công trình mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật đối với khu vực Tử Cấm Thành nói riêng và Quần thể di tích Cố đô Huế nói chung.
Được xây dựng vào năm 1833 dưới thời vua Minh Mạng, Đại Cung Môn gồm 5 gian nhưng không xây chái, trổ 3 cửa, trong đó cửa chính giữa dành riêng cho nhà vua.
Mặt trước Đại Cung Môn hướng ra điện Thái Hòa được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ. Mặt sau Đại Cung Môn là sân bái mạng có đặt 2 chiếc vạc đồng. Đối diện Đại Cung Môn qua sân bái mạng là điện Cần Chánh. Năm 1947, Đại Cung Môn bị phá hủy hoàn toàn, hiện chỉ còn lại nền móng.
Đại Cung Môn trước năm 1947. (Ảnh: Tư liệu).
Ông Nguyễn Ngọc Chất - Phó trưởng phòng Nghiên cứu - sưu tầm, Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết, đoàn khảo cổ của Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã mở 6 hố khai quật và 8 hố kiểm tra trên tổng diện tích hơn 60m2 nhằm xác định rõ kết cấu nguyên gốc của nền móng kiến trúc Đại Cung Môn.
Qua khai quật khảo cổ, đoàn phát hiện dấu tích 5 dấu vết trụ móng gia cố đỡ chân cột bằng gạch vồ còn nguyên vị trí và 4 dấu vết còn lại của một phần trụ móng gia cố đỡ chân cột.
Khai quật khảo cổ tại di tích Đại Cung Môn. (Ảnh: S.T).
Những dấu vết còn lại của hệ thống các móng bó nền và trụ móng gia cố đỡ chân cột, cho phép xác định kiến trúc Đại Cung môn có mặt bằng hình chữ nhật, dài 23,72m, rộng 12,48m. Cấu trúc Đại Cung Môn có 5 gian đúng với ghi chép của sử liệu với 6 hàng cột.
Đoàn cũng thu thập được 402 mảnh hiện vật, gồm các hiện vật kiến trúc (đá, đất nung), hiện vật đồ gốm men từ thế kỷ 16 đến đầu 20, đồ sành từ thế kỷ 17-18 và 19-20, đồ kim loại thế kỷ 20.
Các hiện vật thu thập được từ đợt khai quật.
Kết quả khai quật cũng xác định được cốt nền nguyên thủy của công trình xây dựng vào năm 1833 thời Minh Mạng. Nhưng qua các giai đoạn tu sửa, cốt nền đó đã được nâng cao lên khoảng 0,30 - 0,32m, đồng thời cốt nền sân ở phía trước và sau của công trình cũng đã được nâng cao…
Khả thi việc phục hồi lại cửa chính của Tử Cấm Thành
Các cơ quan chức năng kết luận, từ việc nghiên cứu, quan sát, đối sánh và bóc tách dựa trên cấu trúc địa tầng, cho phép khẳng định toàn bộ cấu trúc, quy mô mặt bằng nền móng kiến trúc Đại Cung Môn từ khi xây dựng cho đến khi bị phá hủy, tuy đã qua nhiều lần tu sửa, vẫn không hề thay đổi.
Đại Cung Môn là công trình kiến trúc có vị trí và vai trò quan trọng, là nơi tách biệt giữa khu vực Hoàng Thành và Tử Cấm Thành Huế. Việc tiến hành thiết kế, phục hồi lại di tích cửa chính của Tử Cấm Thành này là hoàn toàn khả thi.
Việc phục hồi lại Đại Cung Môn - cổng chính Tử Cấm Thành Huế qua cơ sở đợt khai quật khảo cổ là hoàn toàn khả thi. (Ảnh: S.T).
Kết quả của khảo cổ cũng là bước chuẩn bị quan trọng nhằm thực hiện dự án án Phục hồi di tích Đại Cung Môn, Đại nội Huế đã được HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là TP Huế) thông qua vào cuối năm 2024.
Được biết, vào tháng 11/2024, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Phục hồi di tích Đại Cung Môn với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 64,6 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, thực hiện trong thời gian 4 năm.
Dự án sẽ phục hồi nền móng, kết cấu gỗ, hệ thống mái lợp ngói hoàng lưu ly, các chi tiết trang trí chạm khắc, pháp lam… của Đại Cung Môn. Đồng thời, sân trước - sân sau, hệ thống chiếu sáng, lan can, bình phong cũng được tu bổ để đảm bảo tổng thể kiến trúc.
Theo ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, việc thực hiện tu bổ, phục hồi di tích Đại Cung Môn có vai trò quan trọng và ý nghĩa lớn trong quá trình phục hồi đầy đủ diện mạo kiến trúc quần thể di tích Đại Nội Huế.
Đại Dương