Tại Nga, ứng dụng bị phạt vì không gỡ bỏ nội dung bị cấm. Tại Romania, kết quả bầu cử tổng thống bị hủy vì lo ngại TikTok tác động tới quá trình bỏ phiếu. Albania cũng cấm TikTok trong một năm sau vụ một thiếu niên bị đâm chết liên quan đến tranh cãi trực tuyến.
Thủ tướng Albania Edi Rama tuyên bố: “TikTok phải bảo vệ trẻ em Albania, nếu không ứng dụng này sẽ bị cấm”.
Nhiều quốc gia cấm TikTok do lo ngại rủi ro chính trị. Ảnh: Tân Hoa Xã
Áp lực tại Mỹ
Tại Mỹ, nơi TikTok có khoảng 150 triệu người dùng, cả ứng dụng và công ty mẹ ByteDance đã đệ đơn lên Tòa án Tối cao để hủy bỏ luật có thể buộc TikTok bị bán hoặc bị cấm. Đây là một trong những bước đi quan trọng của TikTok khi phải đối mặt với làn sóng phản đối từ các chính phủ trên toàn cầu.
Hiện TikTok đã bị cấm hoàn toàn hoặc một phần tại ít nhất 20 quốc gia, trong bối cảnh các chính phủ lo ngại về mối quan hệ của ứng dụng với Trung Quốc và khả năng gây ảnh hưởng đối với giới trẻ. Những lo ngại này bao gồm nguy cơ TikTok chia sẻ dữ liệu người dùng như vị trí và lịch sử duyệt web với chính quyền Trung Quốc.
Bất chấp những lo ngại và áp lực pháp lý, TikTok vẫn duy trì sức hút mạnh mẽ, với hơn một tỷ người dùng mỗi tháng trên toàn cầu. Thành công của ứng dụng này chủ yếu đến từ thuật toán độc quyền, cho phép cá nhân hóa nội dung, giúp người dùng liên tục cuộn xem các video ngắn. ByteDance đã phát triển công nghệ này lần đầu tiên với ứng dụng Douyin tại Trung Quốc vào năm 2016, trước khi giới thiệu TikTok trên toàn cầu vào năm 2017.
Thách thức chính trị
Các nhà lập pháp trên thế giới đã bày tỏ lo ngại về tác động của TikTok khi cho rằng ứng dụng này có thể được sử dụng để phát tán thông tin sai lệch, kích động bạo lực, và gây hại đến sức khỏe tâm lý của người dùng trẻ tuổi. Một số chính phủ lo ngại TikTok có thể trở thành công cụ gây ảnh hưởng của Trung Quốc.
TikTok phủ nhận các cáo buộc này, nhấn mạnh thuật toán của họ xếp hạng nội dung dựa trên sở thích của người dùng và không nhằm mục đích thao túng thông tin. Công ty khẳng định ByteDance phần lớn thuộc sở hữu của các nhà đầu tư toàn cầu.
Thành công của TikTok cho thấy khả năng các sản phẩm công nghệ từ Trung Quốc có thể gây tiếng vang trên toàn cầu. Tuy nhiên, nó cũng dẫn đến sự ngờ vực đối với các ứng dụng khác của Trung Quốc như Temu và Shein.
Kevin Xu, nhà sáng lập Interconnected Capital, nhận định: “Dường như bây giờ, mọi doanh nhân Trung Quốc đều cần học về khoa học chính trị để định hướng tương lai.”
Jianggan Li, giám đốc điều hành tại Momentum Works ở Singapore, cho rằng các công ty như Meta và Google cũng đang chịu sự giám sát toàn cầu. Tuy nhiên, là các công ty Mỹ, họ không phải chịu những áp lực mà TikTok đang phải đối mặt từ các chính phủ phương Tây.
Các quốc gia phản ứng với TikTok
Ấn Độ đã cấm TikTok vào năm 2020 sau xung đột biên giới với Trung Quốc, khiến ứng dụng này mất đi thị trường lớn nhất lúc bấy giờ. Tương tự, Nepal cũng cấm TikTok gần một năm vì cho rằng ứng dụng này kích động thù địch làm xáo trộn sự hòa hợp xã hội. Tuy nhiên, lệnh cấm tại Nepal đã được gỡ bỏ vào tháng 8/2024.
Nga đã nhiều lần phạt TikTok vì không tuân thủ quy tắc kiểm duyệt, với tổng tiền phạt gần đây nhất lên tới 90.000 USD. Ở Indonesia, TikTok buộc phải đóng cửa TikTok Shop vào năm 2023 sau khi chính phủ thông qua luật mới. Sau đó, ứng dụng này chỉ có thể hoạt động trở lại sau khi sáp nhập với Tokopedia.
Đài Loan (Trung Quốc) đã cấm TikTok trên thiết bị chính phủ từ năm 2019 nhưng không áp dụng lệnh cấm toàn diện. Các quốc gia khác như Anh, Canada, và Pháp cũng áp dụng chính sách tương tự, ngăn TikTok trên thiết bị chính phủ nhưng không cấm với người dùng phổ thông.
Tại Canada, TikTok bị cấm trên thiết bị chính phủ vào tháng 11/2024. Chính phủ cũng chỉ đạo ứng dụng đóng cửa văn phòng tại đây, viện dẫn các lo ngại về an ninh quốc gia.
Dù phải đối mặt với áp lực ngày càng gia tăng từ các quốc gia trên toàn cầu, TikTok vẫn tiếp tục mở rộng và duy trì lượng người dùng khổng lồ. Sự thành công hay thất bại của TikTok trong việc ứng phó với các thách thức này sẽ quyết định vị trí của ứng dụng trên trường quốc tế.
Tùng Lâm