Nhiều quốc gia 'mạnh tay' với sàn thương mại điện tử Temu

Nhiều quốc gia 'mạnh tay' với sàn thương mại điện tử Temu
3 giờ trướcBài gốc
Trong những tuần vừa qua, sàn thương mại điện tử Temu đã trở thành cái tên liên tục được nhắc đến trên mạng xã hội Việt Nam. Là nền tảng bán lẻ trực tuyến xuyên biên giới thuộc tập đoàn PDD (Trung Quốc), Temu ra mắt lần đầu vào tháng 9/2022, và hiện bán hàng trực tiếp đến 82 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Sàn thương mại điện tử Temu. Ảnh: Yonhap
Nửa đầu năm nay, tổng giá trị giao dịch (GMV) trên sàn này đạt 20 tỷ USD, vượt con số 18 tỷ USD của năm 2023. Temu đã thay thế eBay trở thành trang website thương mại điện tử được truy cập nhiều thứ hai trên thế giới, với 684,4 triệu lượt truy cập toàn cầu vào tháng 8 năm nay. Theo hãng dữ liệu thương mại điện tử ECDB, việc có lượt truy cập nhiều thứ hai đã chứng tỏ mức độ phổ biến của Temu tại thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian ngắn của sàn Temu đã gây ra không ít lo ngại từ các quốc gia trên thế giới. Một số quốc gia và khu vực đã tiến hành điều tra và thậm chí có những động thái cấm hoạt động đối với nền tảng thương mại này.
Nhiều nước Đông Nam Á lo ngại về khả năng cạnh tranh với Temu
Đầu tháng 10, Indonesia đã trở thành quốc gia đầu tiên cấm sàn thương mại điện tử Temu hoạt động. Phát biểu về quyết định trên, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Indonesia Budi Arie Setiadi nói: “Không, Temu không thể hoạt động tại đây, vì ứng dụng này gây tổn hại đến nền kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ của chúng tôi”
Theo South China Morning News, Bộ trưởng Budi cũng cho rằng không gian kỹ thuật số của Indonesia cần được “lấp đầy” bởi những doanh nghiệp sẽ làm gia tăng năng suất và lợi nhuận cho đất nước, và Temu đã trực tiếp "gây hại" đến không gian này. Ông khẳng định: “Chúng tôi sẽ không cho Temu một cơ hội nào”.
Tương tự, tại Thái Lan, sự xuất hiện của Temu cũng đã gây không ít lo ngại về ảnh hưởng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại đất nước này.
Đầu tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Thái Lan đã chỉ đạo Cục Thuế và Bộ Kinh tế và Xã hội Kỹ thuật số tăng cường các biện pháp giám sát, nhằm đảm bảo Temu tuân thủ luật pháp Thái Lan và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế khi hoạt động tại quốc gia này. Trước đó, Chính phủ Thái Lan đã quyết định tăng thuế VAT 7% đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị dưới 1.500 baht (khoảng 1,1 triệu đồng), nhằm kiểm soát làn sóng hàng nhập khẩu giá rẻ, và tạo điều kiện cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp trong nước.
Tuy nhiên, ông Sittiphol Viboonthanakul, Chủ tịch Ủy ban Phát triển Kinh tế Quốc hội Thái Lan, khẳng định các biện pháp trên chỉ là bước đầu, đồng thời nhấn mạnh rằng Temu không thể bị "ngó lơ".
Trả lời phỏng vấn trên tờ Bangkok Post, ông Sittiphol cho biết Chính phủ Thái Lan sẽ nghiên cứu các quy định thuế từ Mỹ, châu Âu và Indonesia để áp dụng các biện pháp pháp lý đối với Temu, tránh gây tổn hại đến nền kinh tế Thái Lan. "Chúng tôi sẽ đề xuất thành lập tiểu ban giám sát dòng vốn xuyên biên giới bất hợp pháp, và áp dụng các tiêu chuẩn, quy định đối với sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài," ông khẳng định.
Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ "mạnh tay" với chất lượng hàng hóa và khả năng bảo mật của Temu
Tại Hàn Quốc, trong tháng 4 năm nay, Ủy ban Thương mại Công bằng Hàn Quốc đã tiến hành điều tra về các hành động vi phạm quy định về thương mại điện tử, quảng cáo cũng như về các quy tắc bảo vệ người tiêu dùng của Temu. Cũng trong tháng 4, Temu đã bị Ủy ban Bảo vệ Thông tin Cá nhân Hàn Quốc điều tra do lo ngại về hoạt động thu thập và sử dụng dữ liệu người dùng của ứng dụng này.
Tháng 8 năm nay, giới chức thủ đô Seoul đã thu hồi và phân hủy hàng loạt đôi dép được bán trên Temu, sau khi phát hiện những mặt hàng này chứa gấp 11 lần lượng chì so với quy định. Được biết, sự việc này chỉ xảy ra 3 tháng sau khi Temu ký thỏa thuận với Chính phủ Hàn Quốc về việc đảm bảo chất lượng và độ an toàn cho những sản phẩm của mình.
Châu Âu cũng có nhiều động thái quyết liệt nhằm “siết chặt” Temu. Vào tháng 2 năm 2024, Hiệp hội Doanh nghiệp Đồ chơi châu Âu đã tiến hành điều tra 19 món đồ chơi được mua trên sàn thương mại điện tử này. Cơ quan này kết luận, toàn bộ số đồ chơi trên không hề tuân thủ các quy định về an toàn của EU, trong đó có 18 món thậm chí còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho trẻ em như gây nghẹn, gây tắc thở và chứa các hóa chất độc hại.
Tháng 5/2024, Tổ chức Người tiêu dùng Châu Âu đã đệ đơn khiếu nại lên Ủy ban Châu Âu (EC), cáo buộc rằng một số hoạt động kinh doanh của Temu đã vi phạm các yêu cầu về khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Trong tuyên bố chung, tổ chức này cho rằng Temu không cung cấp đủ thông tin về người bán sản phẩm trên nền tảng của mình, cũng như khẳng định rằng Temu có hành động “thao túng" người tiêu dùng, khiến họ chi tiêu nhiều hơn và gặp khó khăn trong việc đóng tài khoản.
Gần đây nhất, vào ngày 11/10, EC cho biết đã gửi yêu cầu đến Temu cung cấp thông tin về các biện pháp mà nền tảng này đang thực hiện nhằm ngăn chặn việc bán các sản phẩm bất hợp pháp, căn cứ theo Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số. EC ra hạn Temu phải cung cấp các thông tin được yêu cầu trước ngày 21/10. "Dựa trên đánh giá về phản hồi của Temu, Ủy ban sẽ quyết định các bước tiếp theo", thông báo của EC cho biết.
Tháng 5 năm 2023, Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung Quốc tại Mỹ bày tỏ lo ngại về nguy cơ rò rỉ dữ liệu cá nhân người dùng trên ứng dụng Temu, sau khi phát hiện mã độc trong một ứng dụng khác của công ty mẹ Temu là PDD Holdings. Cùng thời điểm, Thống đốc bang Montana, ông Greg Gianforte, đã ra lệnh cấm cài đặt Temu trên tất cả các thiết bị chính phủ trong tiểu bang.
Năm 2024, Arkansas trở thành bang đầu tiên tại Mỹ đâm đơn kiện sàn thương mại Temu. Tổng Chưởng lý bang Arkansas, ông Tim Griffin, cho biết Temu chứa phần mềm độc hại nhắm vào dữ liệu người dùng, đồng thời cho phép ứng dụng truy cập toàn bộ thiết bị, vị trí và dấu vân tay của người dùng.
Ông Griffin cho rằng Temu đã vi phạm Đạo luật Thực hành Thương mại Lừa đảo của bang Arkansas, trong đó quy định rõ việc quảng cáo hàng hóa hoặc dịch vụ mà không có ý định cung cấp đúng như quảng cáo là hành vi bất hợp pháp. Hành vi của Temu bị cáo buộc cấu thành “làm giàu bất chính” theo quy định của đạo luật này.
Vào ngày 24/10/2024, Temu đã có văn bản chính thức gửi Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương về việc thực hiện các yêu cầu tuân thủ pháp luật thương mại điện tử Việt Nam khi gia nhập thị trường.
Tại Công văn 8598/BCT-TMĐT ngày 26/10, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã yêu cầu Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ động liên hệ với đội ngũ pháp lý của Temu để yêu cầu tuân thủ pháp luật Việt Nam ngay trong tháng 10/2024. Trong trường hợp cần thiết, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số có thể phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông có giải pháp kỹ thuật ngăn chặn phù hợp.
Theo quy định, các sàn bán lẻ online xuyên biên giới có tên miền Việt Nam, ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt, hoặc có trên 100.000 lượt giao dịch một năm từ Việt Nam phải đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương. Điều này nhằm đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, an toàn thông tin và các quy định pháp lý liên quan.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng yêu cầu Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tăng cường truyền thông, hướng dẫn người tiêu dùng thận trọng khi mua sắm trực tuyến trên các nền tảng mại điện tử, gồm các sàn xuyên biên giới như Temu. Đặc biệt, người dân tuyệt đối không thực hiện giao dịch với các nền tảng khi chưa được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký tại Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử thương mại điện tử.
Phú Quý
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/nhieu-quoc-gia-manh-tay-voi-san-thuong-mai-dien-tu-temu-355231.html