Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - mã chứng khoán: STB) vừa công bố thông tin cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên.
Ba quỹ ngoại thoái vốn
Trong danh sách công bố đầu tháng 2/2025 có 5 cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên, nắm giữ tổng cộng gần 259,2 triệu cổ phiếu, tương đương 13,74% vốn điều lệ Sacombank.
So với lần cập nhật giữa tháng 1/2025, trong danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên không còn quỹ Amersham Industries Limited - một quỹ thành viên thuộc nhóm Dragon Capital chỉ sau thời gian ngắn nắm giữ.
Trước đó, quỹ Amersham Industries Limited nắm giữ hơn 19 triệu cổ phiếu, tương ứng 1,01% vốn điều lệ ngân hàng. Các bên liên quan đến quỹ này cũng sở hữu hơn 20,7 triệu cổ phiếu STB, tương đương 1,1%.
Bên cạnh đó, một quỹ khác thuộc Dragon Capital là Norges Bank cũng bán ra 3 triệu cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu từ 1,27% xuống còn 1,1%, hiện nắm 20,97 triệu cổ phiếu STB.
Quỹ Pyn Elite Fund vẫn là cổ đông tổ chức lớn nhất tại Sacombank cũng bán ra hơn 10,8 triệu cổ phiếu và hiện còn sở hữu gần 115,8 triệu cổ phiếu, tương đương 6,14% vốn điều lệ của Sacombank.
Nhiều quỹ đầu tư ngoại thoái vốn khỏi ngân hàng Sacombank. Ảnh tư liệu
Ở chiều ngược lại, SCB Vietnam Alpha Fund Not For Retail Investors là quỹ duy nhất trong danh sách nâng tỷ lệ sở hữu khi mua vào 2,7 triệu cổ phiếu và nâng tỷ lệ sở hữu lên 29,6 triệu cổ phiếu, tương đương 1,57% vốn Sacombank.
Còn quỹ Tianhong Vietnam Thematic Fund (QDII) tiếp tục giữ nguyên số lượng cổ phiếu nắm giữ ở mức 30,25 triệu cổ phiếu, tương đương 1,6% vốn điều lệ.
Trong danh sách này, ông Dương Công Minh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank là cá nhân duy nhất, sở hữu gần 62,57 triệu cổ phiếu, chiếm 3,32% vốn điều lệ. Người có liên quan là em gái ông Minh, bà Dương Thị Liêm, hiện nắm giữ 11,86 triệu cổ phiếu, tương ứng 0,63% vốn Sacombank.
Lợi nhuận vượt dự báo nhờ hoàn nhập dự phòng nợ xấu
Trong năm 2024, thu nhập lãi thuần của nhà băng này đạt trên 24,5 nghìn tỷ đồng, tăng 11,1% cùng kỳ. Tổng thu nhập ngoài lãi đạt 4,1 nghìn tỷ đồng, tăng nhẹ 1,1% cùng kỳ. Việc tăng trưởng các mảng phi tín dụng đi ngang so với cùng kỳ năm trước là do doanh số mảng bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) liên tục ghi nhận ở mức thấp và doanh thu từ việc thu hồi các khoản nợ xấu đã xử lý giảm.
Theo Chứng khoán Vietcap, chi phí dự phòng năm 2024 của Sacombank giảm 46,5% cùng kỳ, với chi phí tín dụng hàng năm giảm xuống chỉ còn 0,37% (thấp hơn so với mức 0,76% trong năm 2023). Nguyên nhân của sự cải thiện này một phần xuất phát từ áp lực dự phòng từ VAMC giảm và việc thu hồi nợ xấu thành công của Sacombank dẫn đến mức hoàn nhập dự phòng đáng kể trong quý IV/2024. Sacombank báo cáo khoản hoàn nhập chi phí dự phòng ròng trong quý IV/2024 là 367 tỷ đồng.
Lãi cao kỷ lục trên 10.000 tỷ đồng
Về tình hình kinh doanh, Sacombank đã công bố kết quả kinh doanh năm 2024 với thu nhập từ hoạt động kinh doanh (TOI) đạt 28,7 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 10,1 nghìn tỷ đồng, tăng 30,7% cùng kỳ, một phần do chi phí dự phòng thấp hơn dự kiến đã giúp lợi nhuận vượt dự kiến. Đây là mức lãi cao nhất lịch sử hoạt động của ngân hàng này và vượt chỉ tiêu được Đại hội đồng cổ đông giao.
Cũng theo Vietcap, tăng trưởng tín dụng năm 2024 của Sacombank đạt 11,7%, thấp hơn so với mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống là 15,08% và hạn mức tín dụng năm 2024 của Sacombank khoảng 13%. Điều này là do mức nhu cầu tín dụng yếu từ khách hàng bán lẻ và sự cạnh tranh gay gắt trong mảng cho vay giữa các ngân hàng.
Tăng trưởng tiền gửi khách hàng năm 2024 đạt 11%, gần tương đương với tốc độ tăng trưởng tín dụng, với tiền gửi quý IV/2024 đi ngang so với quý trước. Trong quý IV/2024, tỷ lệ CASA của Sacombank tăng nhẹ lên mức 18,3%, tăng 64 điểm cơ bản so với quý trước.
So với cùng kỳ quý trước, NIM (biên lãi ròng) quý IV/2024 của Sacombank giảm 27 điểm cơ bản xuống 3,52%, tương tự xu hướng của các ngân hàng bán lẻ. Sự sụt giảm này chủ yếu đến từ mức tăng của chi phí huy động vốn khi các ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi trong 6 tháng qua, cùng với áp lực lên lợi suất tài sản do cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng. Tính chung cả năm 2024, NIM của Sacombank giảm 20 điểm cơ bản so với cùng kỳ, xuống 3,72%.
Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính của Sacombank.
Chất lượng tài sản quý IV/2024 của Sacombank đi ngang so với cùng kỳ quý trước với tỷ lệ nợ xấu là 2,4%, giảm 7 điểm cơ bản so với quý trước song tăng 13 điểm cơ bản cùng kỳ năm trước. Ngược lại, tỷ lệ hình thành nợ xấu của Sacombank trong quý IV/2024 tăng so với quý III, với tỷ lệ nợ nhóm 2 trong tổng dư nợ tăng 5 điểm cơ bản so với quý trước, lên mức 0,77%.
Nợ xấu nhóm 3-5 ở mức 12.957 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 2,4%. Trong đó, nợ xấu nhóm 3 tương đương cùng kỳ, nợ xấu nhóm 4 giảm 75%, tương ứng gần 2.000 tỷ đồng, Trong khi đó, nợ xấu nhóm 5 có khả năng mất vốn lại tăng gần gấp đôi cuối năm 2023, lên mức 8.870 tỷ đồng. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) ở mức thấp so với nhiều năm, đạt 68,43%, giảm 4 điểm cơ bản so với cùng kỳ.
Ngoài ra, tính đến cuối năm 2024, Sacombank còn số dư trái phiếu VAMC (Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng) gần 1.700 tỷ đồng, giảm mạnh so với những năm trước đây. Đây là những khoản nợ khó đòi, được bán sang VAMC nhằm giảm tỷ lệ nợ xấu nội bảng và xử lý nợ thông qua VAMC. Tuy nhiên, bán nợ cho VAMC không giúp các ngân hàng thoát khỏi gánh nặng nợ xấu, bởi các khoản nợ này vẫn có khả năng quay lại nếu sau 5 năm chưa được xử lý./.
Ánh Tuyết