Nhiều quy định mới có lợi cho kiều bào từ 1-7

Nhiều quy định mới có lợi cho kiều bào từ 1-7
6 giờ trướcBài gốc
Ngày 1-7-2025, nhiều luật với nhiều quy định mới có hiệu lực, trong đó có những nội dung quan trọng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài (kiều bào) khi trở về sinh sống, làm việc, đầu tư tại Việt Nam.
Tọa đàm “Kiều bào hiến kế phát triển TP.HCM” do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức tháng 4-2025. Ảnh: NGUYỆT NHI
Nới điều kiện giữ quốc tịch nước ngoài khi nhập/trở lại quốc tịch
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam có nhiều điểm mới đáng chú ý; trong đó nới lỏng các điều kiện được giữ quốc tịch nước ngoài khi nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam.
Thay đổi này được đánh giá là kịp thời nhằm tháo gỡ những vướng mắc về mặt pháp lý mà nhiều kiều bào từng gặp phải khi muốn quay về sinh sống lâu dài tại Việt Nam.
Cụ thể, luật cho phép linh hoạt hơn trong việc được giữ quốc tịch nước ngoài khi nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam.
Theo đó, với một số đối tượng như: người có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, người có cha đẻ hoặc mẹ đẻ hoặc ông nội và bà nội hoặc ông ngoại và bà ngoại là công dân Việt Nam... đủ điều kiện được nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam thì sẽ được giữ quốc tịch nước ngoài nếu: (i) Việc giữ quốc tịch nước ngoài phù hợp với pháp luật của nước đó; (ii) Không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Mở ra cơ hội làm việc trong khu vực công
Luật Cán bộ, công chức 2025 đã bổ sung một điểm mới quan trọng: Lần đầu tiên cho phép các cơ quan nhà nước ký hợp đồng lao động hoặc hợp đồng dịch vụ với chuyên gia, trí thức... thay vì buộc họ phải thi tuyển công chức.
Cụ thể, theo Điều 21 của Luật, các cơ quan, tổ chức có thể ký hợp đồng lao động để mời chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân, luật gia, luật sư giỏi thực hiện một số nhiệm vụ của vị trí công chức lãnh đạo, quản lý; hoặc ký hợp đồng dịch vụ để thực hiện công việc chuyên môn, nghiệp vụ khi cơ quan không đủ nguồn nhân lực nội bộ.
Cơ chế này được hướng dẫn chi tiết tại Nghị định 173/2025. Theo đó, tại Điều 5 của Nghị định quy định rõ các đối tượng có thể được ký hợp đồng gồm: chuyên gia, trí thức, doanh nhân xuất sắc, người có kinh nghiệm chuyên sâu, không phân biệt là cá nhân trong nước hay ở nước ngoài.
Điều 2 Nghị định Nghị định 173/2025 mở rộng phạm vi áp dụng tới cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự, cơ quan đại diện tại tổ chức quốc tế, cơ quan khác của Việt Nam ở nước ngoài. Cho phép các cơ quan này thực hiện ký kết hợp đồng lao động, hợp đồng dịch vụ thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật về cơ quan của Việt Nam ở nước ngoài và quy định tại Nghị định này.
Mở cửa môi trường kinh doanh
Bên cạnh đó, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp 2025 cũng có một số điểm mới tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người Việt ở nước ngoài đầu tư, kinh doanh trong nước.
Theo đó, luật cắt giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình đăng ký doanh nghiệp, cho phép thực hiện trực tuyến hoàn toàn. Điều này giúp người Việt Nam ở nước ngoài dễ dàng thành lập công ty mà không cần phải có mặt tại Việt Nam suốt quá trình nộp hồ sơ.
Bên cạnh đó, luật sửa đổi cũng quy định rõ ràng hơn về quyền và nghĩa vụ của cổ đông, thành viên góp vốn, đồng thời tăng cường bảo vệ cổ đông thiểu số. Nhờ vậy, kiều bào dù góp vốn ít vẫn được đảm bảo quyền giám sát, tiếp cận thông tin, và tham gia vào hoạt động của doanh nghiệp.
Ngoài ra, các quy định mới về chuyển nhượng vốn, cổ phần và giải quyết tranh chấp được thiết kế rõ ràng, minh bạch hơn, giúp kiều bào yên tâm đầu tư và dễ dàng rút vốn khi cần mà vẫn bảo vệ được quyền lợi hợp pháp.
Tăng cơ hội tham gia góp ý chính sách
Luật sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2025 quy định rõ thời hạn công khai, đăng tải văn bản quy phạm pháp luật. Nhờ đó kiều bào có thể nhanh chóng nắm bắt các quy định mới liên quan đến đầu tư, đất đai, quốc tịch, cư trú, hồi hương… mà mình có quyền và nghĩa vụ.
Luật tăng cường yêu cầu lấy ý kiến công khai đối với các dự thảo văn bản pháp luật. Qua đó, các hội đoàn kiều bào, chuyên gia pháp lý gốc Việt có thể tham gia phản biện, kiến nghị điều chỉnh chính sách, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho cộng đồng mình.
Tăng bảo vệ, hỗ trợ khi gặp rủi ro
Luật Phòng, chống mua bán người năm 2024, có hiệu lực từ ngày 1-7-2025, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc mở rộng phạm vi bảo vệ nạn nhân, đặc biệt là công dân Việt Nam ở nước ngoài.
Điều 29 quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc tiếp nhận thông tin, xác minh và tổ chức giải cứu nạn nhân bị mua bán ở nước ngoài. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài can thiệp, hỗ trợ công dân khi bị bóc lột lao động, ép buộc làm việc trái pháp luật hoặc lừa gạt sang kết hôn giả.
Ngoài ra, theo Điều 31, khi phát hiện người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam, cơ quan chức năng có trách nhiệm xác minh, phối hợp với nước bạn để trao trả nạn nhân đúng quy định, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong thực thi pháp luật quốc tế.
Một điểm mới nổi bật tại Điều 37 là việc mở rộng đối tượng được hỗ trợ. Không chỉ nạn nhân bị mua bán, mà cả người đang trong quá trình xác minh là nạn nhân, trẻ em đi cùng và người thân tham gia giải cứu cũng được hưởng chính sách hỗ trợ.
Các hình thức hỗ trợ bao gồm: chăm sóc y tế, tư vấn pháp lý, hỗ trợ học nghề, vay vốn, trợ cấp khó khăn, cấp thẻ bảo hiểm y tế, bố trí nơi ở tạm thời… Tất cả được triển khai theo hướng tiếp cận nhân đạo, không phân biệt quốc tịch hay nơi cư trú...
Quy định mới, cú hích thu hút kiều bào trở về
Các quy định mới liên quan đến kiều bào là bước tiến đồng bộ, thể hiện quyết tâm chính trị rõ ràng trong việc kết nối kiều bào với sự phát triển của đất nước.
Luật sư Phan Mậu Ninh
Trước hết, việc sửa đổi Luật Quốc tịch theo hướng linh hoạt là yếu tố nền tảng giúp kiều bào an tâm hồi hương.
Việc cho phép kiều bào giữ quốc tịch gốc hoặc dễ dàng trở lại quốc tịch giúp giải tỏa tâm lý rất lớn cho hàng triệu người Việt xa quê.
Bên cạnh đó, lần đầu tiên, pháp luật Việt Nam cho phép khu vực Nhà nước ký hợp đồng với kiều bào là chuyên gia, trí thức. Đây là sự công nhận chính danh, khắc phục tình trạng “làm không tên” từng khiến nhiều người tài ngại ngần khi muốn cống hiến cho quê hương.
Ngoài ra, trong lĩnh vực kinh doanh, các thay đổi tại Luật Doanh nghiệp giúp nâng cao quyền giám sát, bảo vệ pháp lý cho nhà đầu tư kiều bào.
Đặc biệt, việc cho phép thành lập doanh nghiệp trực tuyến không cần có mặt tại Việt Nam là bước tiếp cận hiện đại, phù hợp với điều kiện sống phân tán toàn cầu của cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Luật sư PHAN MẬU NINH, Đoàn Luật sư TP.HCM
HUỲNH THƠ
Nguồn PLO : https://plo.vn/video/nhieu-quy-dinh-moi-co-loi-cho-kieu-bao-tu-1-7-post858538.html