Nhiều quy định mới về tốc độ chạy xe, lắp thiết bị giám sát hành trình

Nhiều quy định mới về tốc độ chạy xe, lắp thiết bị giám sát hành trình
6 giờ trướcBài gốc
Theo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), những quy định mới này là để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, đồng thời giúp cơ quan quản lý Nhà nước thuận lợi hơn trong việc giám sát.
Theo Bộ GTVT, Thông tư 38/2024 thay thế Thông tư 31/2019 về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông trên đường bộ. Điểm mới của Thông tư này là việc Bộ GTVT quy định rõ về tốc độ thiết kế của từng loại đường.
Trong đó, Thông tư quy định về tốc độ khai thác tối đa cho phép trên đường cao tốc là 120km/h. Tốc độ khai thác tối thiểu cho phép trên đường cao tốc là 60km/h. Trường hợp đường cao tốc có tốc độ thiết kế 60km/h, tốc độ khai thác tối thiểu thực hiện theo phương án tổ chức giao thông được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tốc độ khai thác tối đa cho phép xe cơ giới tham gia giao thông trên đường bộ ngoài khu vực đông dân cư như sau: Phương tiện lưu thông ngoài khu vực đông dân cư được chạy với vận tốc tối đa 90km/h, thấp nhất 50km/h, tùy từng loại đường. Bộ GTVT giữ nguyên quy định tốc độ tối đa của phương tiện lưu thông trong khu vực đông dân cư cao nhất là 60km/h, thấp nhất 50km/h.
Về khoảng cách giữa các xe, Thông tư quy định: Khi điều khiển xe chạy với tốc độ dưới 60km/h, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải chủ động giữ khoảng cách an toàn phù hợp với xe chạy liền trước xe của mình; khoảng cách này tùy thuộc vào mật độ phương tiện, tình hình giao thông thực tế để đảm bảo an toàn giao thông. Trong điều kiện trời mưa, có sương mù, mặt đường trơn trượt, đường có địa hình quanh co, đèo dốc, tầm nhìn hạn chế, người lái xe phải điều chỉnh khoảng cách an toàn lớn hơn trị số ghi trên biển báo hoặc trị số được quy định. Bộ GTVT cũng cho phép các cơ quan chức năng có thẩm quyền được phép "căn cứ vào điều kiện thực tế của đoạn tuyến, tuyến đường để đặt biển hạn chế tốc độ". Điều này giúp các địa phương chủ động điều chỉnh linh hoạt biển báo.
Trước đây, việc quản lý vận hành hệ thống này thuộc Cục Đường bộ, Bộ GTVT đảm nhiệm. Tuy nhiên, tại Thông tư 71/2024 vừa được ban hành quy định rõ, hệ thống quản lý dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe do lực lượng Cảnh sát giao thông quản lý, vận hành, sử dụng và thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc vận hành hoạt động của hệ thống.
Trong đó, Điều 11 quy định đơn vị kinh doanh vận tải bằng ôtô, chủ phương tiện ôtô chở người từ 8 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) kinh doanh vận tải, ôtô đầu kéo, xe cứu thương và xe cứu hộ phải quản lý phương tiện, lắp thiết bị giám sát hành trình, thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe trên phương tiện. Việc quản lý, lắp đặt thiết bị đảm bảo tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe. Đơn vị kinh doanh vận tải có trách nhiệm truyền dẫn chính xác, đầy đủ, liên tục dữ liệu về máy chủ của Cục Cảnh sát giao thông. Đơn vị kinh doanh vận tải không được sửa chữa hoặc làm sai lệch dữ liệu truyền về máy chủ của Cục Cảnh sát giao thông; đảm bảo an toàn, bảo mật dữ liệu. Cảnh báo cho người lái xe về việc thiết bị giám sát hành trình, thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe không truyền dữ liệu về máy chủ dịch vụ. Cập nhật, lưu trữ có hệ thống dữ liệu về hành trình của phương tiện tham gia giao thông đường bộ và hình ảnh người lái xe trong thời hạn tối thiểu 1 năm đối với dữ liệu thu thập từ thiết bị giám sát hành trình và 3 tháng đối với dữ liệu thu thập từ thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe.
Tài xế phải chấp hành về thời gian lái xe theo quy định, đồng thời thông báo kịp thời cho đơn vị kinh doanh vận tải, chủ phương tiện khi thiết bị giám sát hành trình, thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe không hoạt động hoặc mất kết nối.
Đặng Nhật
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/phap-luat/nhieu-quy-dinh-moi-ve-toc-do-chay-xe-lap-thiet-bi-giam-sat-hanh-trinh--i751748/