Phân bổ nguồn vốn cho địa phương
Qua báo cáo đề xuất của các chủ đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, mời đơn vị, chủ đầu tư họp rà soát thống nhất dự kiến vốn 2025; lập dự thảo nghị quyết phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2025 nguồn vốn ngân sách địa phương lấy ý kiến Sở Tư pháp, Sở Tài chính, trình Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh thẩm tra. Theo đó, tổng số vốn kế hoạch đầu tư công năm 2025 nguồn vốn ngân sách địa phương trên 4.042 tỷ đồng. Cấp huyện quản lý 743 tỷ đồng, giao UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trình HĐND cùng cấp quyết định phân bổ theo quy định.
Kỳ họp cũng thông qua nguồn vốn dành cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2025. Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 nguồn ngân sách Trung ương và nguồn ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh gần 860 tỷ đồng. Trong đó, phân bổ hỗ trợ đầu tư cho 2 huyện thực hiện bộ tiêu chí huyện NTM giai đoạn 2021 - 2025, tổng vốn đầu tư năm 2025 gần 119 tỷ đồng, cụ thể: Phân bổ cho huyện Châu Thành 76,5 tỷ đồng, huyện Chợ Mới 42,2 tỷ đồng. Phân bổ hỗ trợ đầu tư cho các đơn vị cấp huyện thực hiện tiêu chí cho xã đạt chuẩn NTM theo lộ trình của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, xã đã đạt chuẩn NTM giai đoạn trước năm 2021, phấn đấu duy trì nâng chất bộ tiêu chí và các xã còn lại phấn đấu hoàn thành NTM sau năm 2025 là 740 tỷ đồng.
Đại biểu thông qua các nghị quyết
Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh là 51,5 tỷ đồng. Cụ thể, Dự án 1 (Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội huyện nghèo) chiếm phần lớn (gần 46,5 tỷ đồng), Dự án 4 (Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững) 5 tỷ đồng. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 (giai đoạn I, từ năm 2021 - 2025) được bố trí hơn 46 tỷ đồng. Dự án 1 (Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt) gần 6,5 tỷ đồng; Dự án 4 (Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc) hơn 27 tỷ đồng; Dự án 5 (Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực) hơn 10,1 tỷ đồng; Dự án 6 (Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch) gần 2,3 tỷ đồng.
Chính sách hoạt động không chuyên trách
Kỳ họp thứ 25 biểu quyết thông qua Nghị quyết quy định chức danh, chế độ đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở ấp, khóm và người trực tiếp tham gia hoạt động ở ấp, khóm. Nghị quyết này thay thế Nghị quyết 12/2020/NQ-HĐND, ngày 10/7/2020 của HĐND tỉnh; đảm bảo nguyên tắc “đem lại thu nhập phải từ bằng hoặc cao hơn trước đây”; mức phụ cấp của từng chức danh tương quan hợp lý với mức lương bậc 1 của công chức cấp xã có cùng trình độ; tăng cường khuyến khích việc kiêm nhiệm, giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã, đảm bảo việc bố trí không vượt số lượng theo quy định. Đối tượng áp dụng bao gồm: Cán bộ, công chức cấp xã; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở ấp, khóm; người trực tiếp tham gia hoạt động ở ấp, khóm; cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở ấp, khóm và người trực tiếp tham gia hoạt động ở ấp, khóm.
So với Nghị quyết 12/2020/NQ-HĐND, trong nghị quyết mới, HĐND tỉnh đã điều chỉnh mức phụ cấp từ 1,0 lần mức lương cơ sở lên 1,5 lần mức lương cơ sở (tương ứng với mức khoán do ngân sách Trung ương đảm bảo theo quy định tại Khoản 1, Điều 34, Nghị định 33/2023/NĐ-CP của Chính phủ). Bãi bỏ mức trợ cấp bồi dưỡng hàng tháng (bằng 0,5 mức lương cơ sở) của địa phương, vì qua thống kê, tính đến tháng 6/2024, trên 95% người hoạt động không chuyên trách trên địa bàn đã qua đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ, đã hưởng theo quy định. Trường hợp người hoạt động không chuyên trách có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thì được hưởng mức phụ cấp: Tốt nghiệp đại học là 2,34 lần mức lương cơ sở; tốt nghiệp cao đẳng 2,1 lần mức lương cơ sở; tốt nghiệp trung cấp 1,86 lần mức lương cơ sở. Mức phụ cấp này được tính để đóng, hưởng bảo hiểm xã hội; làm cơ sở để xem xét, xếp lương theo trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về sau.
Tập trung phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
So với Nghị quyết 12/2020/NQ-HĐND, HĐND tỉnh điều chỉnh mức phụ cấp kiêm nhiệm tăng từ 50% lên 100% mức phụ cấp quy định của chức danh kiêm nhiệm. Nghị quyết đề xuất mức hỗ trợ bảo hiểm y tế cho đối tượng là người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khóm (đến tháng 7/2025, theo Luật Bảo hiểm xã hội thì trở thành đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc) và người trực tiếp tham gia hoạt động ở ấp, khóm theo hình thức tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình, nhưng có sự đóng góp của người lao động để vừa giảm gánh nặng chi ngân sách, vừa tránh tâm lý bao tiêu, trợ cấp toàn bộ. Cụ thể, người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khóm và người trực tiếp tham gia hoạt động ở ấp, khóm tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình với mức đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở, trong đó ngân sách hỗ trợ đóng 3%, người lao động đóng 1,5%. Thời hạn thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng đến ngày 31/12 của năm tài chính.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng nhấn mạnh: “Sau kỳ họp, đề nghị UBND tỉnh, sở, ngành chuyên môn triển khai thực hiện 13 nghị quyết vừa được HĐND tỉnh quyết nghị thông qua, trong đó, quan tâm triển khai quyết liệt, hiệu quả giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2025; triển khai, thực hiện kịp thời 3 chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án theo kế hoạch đề ra, đảm bảo hiệu quả, chất lượng… Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh, Tổ đại biểu HĐND tỉnh, UBMTTQ và các thành viên tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình triển khai; chú trọng giám sát ngay từ đầu để kịp thời kiến nghị giải pháp khắc phục bất cập, khó khăn nếu phát sinh”.
GIA KHÁNH