Nhiều rủi ro phía sau 'cơn sóng' vàng

Nhiều rủi ro phía sau 'cơn sóng' vàng
một ngày trướcBài gốc
Khách hàng giao dịch mua bán vàng tại Hà Nội. (Ảnh: MINH ANH)
Việc giá vàng tăng “sốc” thật sự gây ra không ít lo ngại cho người dân, nhất là những ai chưa có nhiều kinh nghiệm đầu tư. Trong khi vàng được xem là tài sản trú ẩn an toàn trong những thời kỳ bất ổn kinh tế, việc giá vàng đạt mức kỷ lục như vậy có thể khiến nhiều người tưởng rằng đây là cơ hội để đầu tư sinh lời nhanh chóng.
Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là không có gì bảo đảm rằng, giá vàng sẽ tiếp tục tăng mãi. Việc tham gia vào thị trường vàng khi giá đã ở mức cao như hiện nay có thể mang lại rủi ro lớn, đặc biệt khi giá vàng có thể chịu ảnh hưởng từ các yếu tố vĩ mô như biến động chính sách tiền tệ hay sự thay đổi của các thị trường tài chính quốc tế.
Sự bùng nổ của thị trường vàng
Số liệu từ các doanh nghiệp kinh doanh vàng cho thấy, giá vàng SJC trong những tháng đầu năm đã có những bước tăng vọt, có thời điểm đạt mức 101,5 triệu đồng/lượng như trong phiên mở cửa sáng 31/3, mức cao kỷ lục; cùng thời điểm giá vàng thế giới “vọt” lên mức 3.100 USD/ao-xơ. Sự gia tăng này không chỉ phản ánh xu hướng tăng giá của vàng trên thị trường quốc tế, mà còn liên quan các yếu tố kinh tế trong nước và toàn cầu, nhất là lạm phát và sự bất ổn trong nền kinh tế.
Trên thị trường quốc tế, theo giới phân tích, nguyên nhân chính của đợt tăng giá này đến từ biến động địa chính trị phức tạp cũng như sự bất ổn trong nền kinh tế thế giới, nhất là cuộc khủng hoảng tài chính tại một số quốc gia lớn, chính sách thuế quan của Mỹ và xu hướng tích trữ vàng của các ngân hàng trung ương toàn cầu dẫn đến sự gia tăng nhu cầu tìm kiếm tài sản đầu tư an toàn, mà vàng là lựa chọn ưu tiên.
Ngoài sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu, một yếu tố quan trọng ảnh hưởng giá vàng là sự suy giảm giá trị của đồng USD và các chính sách nới lỏng tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn. Khi lãi suất thấp và nguồn cung tiền tăng mạnh, các nhà đầu tư thường tìm đến vàng như một kênh lưu trữ giá trị an toàn. Điều này lý giải vì sao giá vàng liên tục tăng trong suốt thời gian qua.
Tại Việt Nam, theo chuyên gia tài chính ngân hàng - Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, giá vàng trong nước chịu tác động chính bởi đà tăng của giá thế giới. Yếu tố này giúp giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn cùng leo thang vượt mốc 101 triệu đồng/lượng. Ngoài ra, nguồn cung vàng trong nước khan hiếm, lãi suất tiết kiệm thấp và tâm lý “cứ mua là thắng” của người dân cũng kéo theo việc giá vàng bị đẩy lên cao, tăng nhanh hơn giá thế giới.
Như vậy, với mức giá hơn 100 triệu đồng/lượng đối với vàng miếng và hơn 101 triệu đồng/lượng đối với vàng nhẫn thì chỉ trong vòng một năm, mức tăng giá của vàng nhẫn đã tăng khoảng 30 triệu đồng/lượng (tương ứng tăng 43%) và vàng miếng SJC tăng hơn 19 triệu đồng/lượng (tương ứng tăng 23%) so với cùng kỳ năm trước.
Thận trọng trước những rủi ro tiềm ẩn
Mặc dù vàng là một tài sản có tính ổn định cao trong thời gian dài, song không phải lúc nào cũng là một lựa chọn đầu tư lý tưởng. Các chuyên gia cảnh báo rằng, việc mua vàng “lướt sóng” ở thời điểm hiện tại có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bởi nếu không cẩn thận, người dân có thể bị lỗ nếu giá vàng quay đầu giảm mạnh trong thời gian tới.
Trên thực tế, thị trường vàng không phải lúc nào cũng có xu hướng tăng đều đặn, mà có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tác động bất ngờ từ cả bên ngoài lẫn bên trong nền kinh tế.
Một trong những yếu tố cần lưu ý là sự biến động giá vàng có thể bị chi phối bởi những quyết định từ các ngân hàng trung ương lớn, nhất là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Nếu các ngân hàng này quyết định thay đổi chính sách lãi suất, có thể sẽ tác động mạnh đến giá vàng. Đơn cử, nếu FED tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, giá vàng có thể giảm do các kênh đầu tư khác trở nên hấp dẫn hơn,… Từ đó, đối với những người dân chưa có kinh nghiệm đầu tư vào vàng, các chuyên gia cho rằng, việc tham gia vào thị trường vàng cần phải rất cẩn thận. Việc mua vàng khi giá cao có thể khiến nhà đầu tư chịu thiệt hại lớn nếu giá vàng giảm đột ngột.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cũng khuyến cáo người dân nếu mua để nắm giữ trong dài hạn với dự báo giá vàng còn tăng tiếp, mua như một tài sản phòng thủ là hợp lý. Song cũng chỉ nên dành 30% tiền nhàn rỗi để đầu tư mua vàng, còn lại cần phân bổ vào các kênh khác như chứng khoán, bất động sản,… tùy mức độ rủi ro của từng người. Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh việc không nên “mượn” tiền để mua vàng hoặc không nên mua bán, giao dịch vàng qua “chợ mạng” để tránh rủi ro về vàng giả hoặc không có nguồn gốc xuất xứ an toàn.
Cũng theo nhận định từ giới chuyên gia, tuy vàng là một công cụ đầu tư lâu dài, nhưng không phải là một lựa chọn linh hoạt trong ngắn hạn. Do vậy, nếu không thật sự hiểu rõ thị trường vàng và không có chiến lược rõ ràng, nhà đầu tư có thể sẽ chịu tổn thất đáng kể. Thực tế, nhiều người dân đã gặp khó khăn khi tham gia vào các giao dịch vàng mà không có kiến thức đầy đủ. Việc mua vàng khi giá cao rồi bị “sập” giá khi thị trường điều chỉnh đã khiến nhiều nhà đầu tư chịu lỗ nặng. Chính vì vậy, chung quan điểm với ông Hiếu, nhiều chuyên gia đưa ra lời khuyên rằng, thay vì đầu tư toàn bộ vào vàng, người dân nên có một chiến lược phân bổ tài sản hợp lý, kết hợp giữa vàng và các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, hoặc trái phiếu.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu gồm Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Tiến sĩ Phạm Thị Hạnh, Thạc sĩ Nguyễn Quang Hưng, Thạc sĩ Hà Thanh Lương mới đây đã có báo cáo về triển vọng các kênh đầu tư năm 2025. Theo đó, báo cáo nhấn mạnh, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều rủi ro và bất ổn thì vàng sẽ tiếp tục duy trì vị thế là kênh đầu tư hấp dẫn, có ảnh hưởng đáng kể đến giá vàng trên thế giới và tại Việt Nam. “Tuy nhiên, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ có những giải pháp để tiếp tục kiểm soát, ổn định thị trường vàng một cách hiệu quả hơn. Do đó, vàng vẫn sẽ là kênh trú ẩn tốt, nhưng lợi suất nhiều khả năng sẽ không đạt mức khá cao như năm 2024”, nhóm nghiên cứu đánh giá.
Trong khi đó, chuyên gia vàng Trần Duy Phương cho rằng, thời gian qua, giá vàng tăng nóng đã tác động mạnh đến tâm lý người mua. Người dân, nhà đầu tư đang nghĩ đổ tiền vào vàng phần lớn sẽ lãi nên chấp nhận “đu đỉnh” khi vàng lên mức 100 triệu đồng/lượng. “Thời điểm này khá rủi ro khi xuống tiền mua vàng vì giá vàng thế giới có khả năng suy giảm, điều chỉnh trở lại sau thời gian tăng nóng. Với tình hình hiện nay, giá vàng trong nước sẽ không cao hơn nhiều so với giá vàng thế giới do được sự kiểm soát chặt chẽ của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”, ông Trần Duy Phương dự báo.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh: Dù giá vàng có khả năng tiếp tục tăng, việc đầu tư vào vàng trong giai đoạn này chứa đựng rủi ro cao. Nhà đầu tư nên thận trọng khi mua vàng ở mức giá hiện tại, vì khả năng điều chỉnh giá mạnh là hoàn toàn có thể xảy ra nếu vàng tiếp tục tăng quá nhanh. Bên cạnh đó, ông Nghĩa cũng nhìn nhận mức tăng hơn 50% trong hơn một năm qua là điều bất thường, vì vàng thường chỉ tăng khoảng 20-30% mỗi chu kỳ.
HỒNG ANH
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/nhieu-rui-ro-phia-sau-con-song-vang-post869170.html