Nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng trưởng cao

Nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng trưởng cao
6 giờ trướcBài gốc
Sản xuất tại Công ty TNHH Hua Zhuang Electronics Việt Nam (KCN Đồng Văn II, Duy Tiên). Ảnh: Văn Biển
Theo Chi cục Thống kê tỉnh, trong quý I năm 2025, khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá; lĩnh vực công nghiệp đóng vai trò chủ đạo với tốc độ tăng trưởng quý I là 12,84% so với cùng kỳ năm trước. Trong ngành công nghiệp thì công nghiệp chế biến, chế tạo được ghi nhận là động lực tăng trưởng chính với mức tăng 14,15%. Một số ngành tăng cao, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng chung của ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh là sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; sản xuất thiết bị điện… với mức tăng từ 20% đến xấp xỉ 40% so với cùng quý năm 2024. Ước tính trong quý I năm 2025, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước; hầu hết các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh đều đạt mức tăng ấn tượng so với cùng kỳ năm trước như: dây điện các loại tăng 20,1%; linh kiện, thiết bị điện tử tăng 29,1%; bia tăng 31%; xe gắn máy tăng 16,2%; xi măng và clanke tăng 6,5%...
Sự tăng trưởng khá của các sản phẩm công nghiệp chủ yếu đã tác động tích cực đến chỉ số sử dụng lao động cũng như chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh. Số liệu thống kê cho thấy, trong quý I năm 2025, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,24% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: sản xuất, chế biến thực phẩm; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; sản xuất kim loại; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất thiết bị điện; dệt vải; sản xuất xe có động cơ… với mức tăng từ 15% đến trên 300%. Bên cạnh đó, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm cuối tháng 3 năm 2025 cũng tăng cao với mức tăng là 1,82% so với tháng trước và tăng 0,98% so với cùng thời điểm năm trước. Điều này cho thấy, hoạt động sản xuất công nghiệp được đẩy mạnh đã khiến cho nhu cầu tuyển dụng, sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng cao.
Tại Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam (KCN Đồng Văn II, thị xã Duy Tiên), trong quý I năm 2025, sản lượng tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp tăng khoảng 25% so với quý IV năm 2024 và tăng xấp xỉ 35% so với cùng kỳ năm 2024. Ông Hiroshi Kuroda, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam cho biết: Trong quá trình đầu tư, hoạt động tại tỉnh, Sumi Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi từ các cấp chính quyền, các sở, ban, ngành của tỉnh, nhất là trong việc nâng cấp hệ thống đường giao thông, điện, nước, bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng nhà ở công nhân và khu lưu trú của chuyên gia nước ngoài, trong công tác hỗ trợ tuyển dụng lao động nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất trong từng giai đoạn… Nhờ vậy, khoảng một năm trở lại đây, sản lượng tiêu thụ của Sumi Việt Nam luôn đạt tăng trưởng dương liên tục qua từng tháng với mức tăng 7-10%. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2025, sản lượng tiêu thụ tăng trưởng bình quân gần 10%/tháng.
Sản xuất tại Công ty cổ phần Casla, KCN Châu Sơn, thành phố Phủ Lý.
Tương tự như Sumi Việt Nam, theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo trong quý I năm 2025, có 25,81% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh trong quý I tốt hơn so với quý IV năm 2024; có 50% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định. Dự báo quý II năm 2025 so với quý I, có 51,61% số doanh nghiệp được hỏi nhận định, tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ tốt lên; 37,1% doanh nghiệp cho rằng, tình hình sản xuất, kinh doanh duy trì ở mức ổn định. Một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chủ yếu có dự báo xu hướng tốt lên bao gồm: sản xuất đồ uống; sản xuất trang phục; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất thiết bị điện... Ông Yu Pin Li, Giám đốc Công ty TNHH Kangyin Electronic Technology (KCN Châu Sơn, thành phố Phủ Lý) cho biết: Là doanh nghiệp chuyên sản xuất các thiết bị điện tử để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, châu Âu, năm 2024, Kangyin Electronic Technology đã có bước phát triển khá so với năm 2023 với tổng sản lượng hàng hóa xuất khẩu tăng xấp xỉ 20% so với năm 2023. Trên cơ sở kết quả đạt được, năm 2025, chúng tôi tiếp tục triển khai các giải pháp để thu hút, giữ chân người lao động như cải thiện mức lương, thưởng, chế độ phúc lợi cho người lao động, bảo đảm cao hơn bình quân chung của các doanh nghiệp trong khu vực; đẩy mạnh tuyển dụng thêm lao động và mở rộng dây chuyền sản xuất. Với số đơn hàng mới đáp ứng yêu cầu sản xuất đến quý III năm 2025, Kangyin Electronic Technology tự tin đạt mục tiêu đề ra trong năm 2025 là tổng sản lượng hàng hóa tiêu thụ sẽ tăng từ 20% so với năm 2024.
Năm 2025, Hà Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 10,45%; giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 280.700 tỷ đồng, tăng 13,1% so với năm 2024. Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 11–NQ/TU ngày 15/9/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo và dịch vụ phục vụ phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Cùng với đó, quan tâm triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025; tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, duy trì thực hiện hiệu quả 10 cam kết của tỉnh đối với các nhà đầu tư; đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025; quan tâm xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu, cụm công nghiệp; triển khai có hiệu quả phương án phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn; đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo, công nghệ cao; đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng xã hội, các dịch vụ phục vụ hoạt động của các khu công nghiệp như nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở chuyên gia, trường học, bệnh viện… nhằm tạo điều kiện cho người lao động ổn định cuộc sống, yên tâm gắn bó với doanh nghiệp và với tỉnh Hà Nam.
Nguyễn Oanh
Nguồn Hà Nam : https://baohanam.com.vn/kinh-te/cong-nghiep/nhieu-san-pham-cong-nghiep-chu-luc-tang-truong-cao-156106.html