5 xã mới sau sáp nhập ở Ninh Giang dự kiến được đặt tên có ý nghĩa lịch sử, văn hóa, gắn liền với anh hùng dân tộc, vùng đất. Trong ảnh: Đền thờ Khúc Thừa Dụ ở xã Kiến Phúc. ẢNH: THÀNH ĐẠT
Theo cách đặt tên mới so với phương án trước đó, xã Ninh Giang 1 (gồm các xã Vĩnh Hòa, Hồng Dụ, Hiệp Lực và thị trấn Ninh Giang) dự kiến đặt tên là xã Ninh Giang.
Tên xã Ninh Giang được lấy theo tên gọi của huyện Ninh Giang hiện nay là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của huyện từ bao đời nay, nhằm giữ lại những giá trị truyền thống cốt lõi của huyện Ninh Giang qua suốt tiến trình lịch sử từ khi có tên gọi Ninh Giang (năm Minh Mạng thứ 3 - 1822).
Xã Ninh Giang 2 (gồm các xã Tân Hương, Nghĩa An, Ứng Hòe) dự kiến đặt lại là xã Vĩnh Lại.
Tên xã Vĩnh Lại được lấy theo danh xưng của vùng đất Ninh Giang trong thời gian kéo dài gần 500 năm. Ở triều Lê, đời Quang Thuận (1460 - 1669), Vĩnh Lại là thủ phủ của phủ Hạ Hồng, trải qua nhiều triều đại và duy trì đến năm 1919. Vì vậy, việc lựa chọn đặt tên cho xã mới sau sắp xếp là xã Vĩnh Lạicó ý nghĩa lâu dài, vĩnh cửu; vừa là tên vùng đất cổ, vừa thể hiện lòng tự hào về truyền thống lịch sử lâu dài của vùng đất Ninh Giang văn hiến.
Xã Ninh Giang 3 (gồm các xã Bình Xuyên, Hồng Phong và Kiến Phúc) dự kiến đặt tên là xã Khúc Thừa Dụ.
Tên xã Khúc Thừa Dụ được lấy theo tên của Anh hùng dân tộc Khúc Thừa Dụ, người có công đầu dựng nền tự chủ của dân tộc Việt Nam từ thế kỷ X. Khúc Thừa Dụ được lịch sử ghi nhận là người đầu tiên dựng nền tự chủ của nước nhà, đưa đất nước thoát khỏi ách đô hộ của phong kiến phương Bắc kéo dài 1.000 năm.
Xã Ninh Giang 4 (gồm các xã Đức Phúc, An Đức và Tân Phong) dự kiến đặt tên là xã Tân An
Tên xã Tân An được lấy theo tên cổ của vùng đất Ninh Giang là thủ phủ của phủ Tân An - một trong 17 phủ của Quận Giao Chỉ. Tân An là biểu thị cho trí tuệ, khai sáng, khám phá điều hay, điều mới lạ; là vùng quê yên bình. Tên Tân An gắn bó máu thịt với người dân Ninh Giang từ hàng nghìn năm nay, là niềm tự hào của người Ninh Giang về một vùng đất cổ, vùng quê văn hiến, đã ăn sâu vào trong tiềm thức, tâm hồn người Ninh Giang.
Xã Ninh Giang 5 (gồm Tân Quang, Văn Hội và Hưng Long) dự kiến đặt tên là Hồng Châu
Tên xã Hồng Châu được lấy theo địa danh lịch sử - đất Hồng Châu, gắn liền với tên tuổi, thân thế và sự nghiệp của 3 vị chúa họ Khúc, những người xây nền tự chủ cho dân tộc từ thế kỷ thứ X. Danh xưng Hồng Châu được ra đời từ thế kỷ thứ IX và tồn tại qua các triều Đinh, tiền Lê, Lý, Trần (khoảng 500 năm, từ thế kỷ IX đến thế kỷ XIV), gắn với sự kiện mang tính định hình trong lịch sử dân tộc, đó là sự kiện họ Khúc giành quyền tự chủ thế kỷ X, mở đầu kỷ nguyên giành độc lập cho đất nước.
NGUYỄN THÀNH VẠN