Hệ thống cốt lõi của ngành hải quan
Hệ thống VNACCS/VCIS phục vụ thông quan hàng hóa được triển khai tại 100% cục và chi cục hải quan, theo mô hình tập trung cấp Tổng cục với hơn 99,65% doanh nghiệp xuất nhập khẩu tham gia, xử lý 99% tờ khai xuất nhập khẩu với hiệu suất vận hành 24/7 ổn định, an ninh, an toàn và hiệu quả.
Doanh nghiệp cảm nhận rõ nét lợi ích từ cải cách, hiện đại hóa Hải quan. Ảnh: Văn Tá
Trong 10 năm qua, hệ thống VNACCS/VCIS đã phục vụ đắc lực hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam; xử lý khối lượng công việc và giao dịch tăng lên nhanh chóng. Kể từ năm 2014 đến 15.11.2024, Hệ thống VNACCS/VCIS đã thông quan thông suốt cho lượng hàng hóa có tổng kim ngạch lên đến 5.413 tỷ USD. Hệ thống xử lý lượng kim ngạch xuất nhập khẩu bình quân lên đến hơn 2 tỷ USD/ngày, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Thời điểm đầu năm 2015, ý nghĩa lớn nhất của VNACCS/VCIS chính là giúp hải quan Việt Nam hoàn thành được mục tiêu xây dựng một Hệ thống công nghệ thông tin tập trung. Đây chính là nền tảng để hải quan Việt Nam triển khai tất cả các chương trình hiện đại hóa sau này theo mục tiêu phát triển của Chính phủ.
Thực tế, trước khi có Hệ thống VNACCS/VCIS các hệ thống công nghệ thông tin của ngành phân tán ở các đơn vị hải quan địa phương (các cục, chi cục). Để tập trung hóa cơ sở dữ liệu các Hệ thống công nghệ thông tin vệ tinh nhằm thực hiện VNACCS/VCIS, toàn ngành phải chuyển đổi dữ liệu cho gần 200 điểm (mỗi điểm là một chi cục hoặc một đội nghiệp vụ trực tiếp quản lý một địa bàn).
Thực tế đã chứng minh, Hệ thống VNACCS/VCIS giúp ngành hải quan hoàn thành sớm các mục tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2020 (theo Quyết định 448/QĐ-TTg ngày 25.11.2011 của Thủ tướng Chính phủ). Đồng thời, hệ thống góp phần quan trọng vào tạo thuận lợi thương mại, thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam ở mức cao trong nhiều năm liên tiếp. Nếu như năm 2014, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu mới ở mức 298 tỷ USD thì đến năm 2015 đã lên 328 tỷ USD, tăng tới 30 tỷ USD so với 1 năm trước.
Trong 10 năm thực hiện VNACCS/VCIS còn chứng kiến nhiều dấu mốc về kim ngạch xuất nhập khẩu như 400 tỷ USD (năm 2017), 500 tỷ USD (2019), 600 tỷ USD (2021) và kỷ lục hơn 730 tỷ USD (2022). Năm 2023, dù chịu tác động mạnh từ hậu đại dịch Covid-19 và ảnh hưởng của thương mại toàn cầu, kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn đạt hơn 680 tỷ USD. Năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu tiến sát mốc 800 tỷ USD, gấp gần 3 lần so với năm 2014.
Lợi ích to lớn cho cộng đồng doanh nghiệp
Cùng với việc tạo bước đột phá trong cải cách, hiện đại hóa hải quan, Hệ thống VNACCS/VCIS đã mang lại nhiều lợi ích hết sức to lớn cho cộng đồng doanh nghiệp. Là một trong các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực dệt may của Việt Nam với quy mô xuất nhập khẩu hàng trăm triệu USD, Tổng Công ty May 10 luôn có sự gắn bó mật thiết với các hoạt động của cơ quan hải quan.
Hoạt động nghiệp vụ hải quan
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 đánh giá, VNACCS/VCIS đã làm thay đổi căn bản phương thức quản lý của hải quan Việt Nam từ thủ công sang ứng dụng các phần mềm điện tử, qua đó mang lại lợi ích rất thiết thực cho May 10 dựa vào tốc độ xử lý, thông quan nhanh. Với tờ khai được phân luồng Xanh (thông quan ngay), chỉ cần 1 cú click chuột trên máy vi tính là hàng hóa đã được thông quan.
Theo ông Bùi Quang Tam, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại, Vận tải và Dịch vụ Hợp Thành (Hải Phòng), đây là một cuộc cách mạng về tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan. Nhờ có VNACCS/VCIS, doanh nghiệp giảm được nhân lực làm thủ tục, hơn thế trong khi việc khai báo thủ tục hải quan thuận lợi, thời gian thông quan hàng hóa nhanh chóng, do đó chúng tôi giảm được nhiều chi phí.
Theo bà Nguyễn Ánh Tuyết, Trưởng Tiểu ban Hải quan của VAMA (Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam), Hệ thống VNACCS/VCIS thực sự đã tạo cuộc cách mạng về quá trình thực hiện thủ tục khai báo, thông quan hàng hóa, bởi hệ thống giúp thông quan tự động nhanh chóng. Đặc biệt các lô hàng được phân luồng Xanh, luồng Vàng (kiểm tra chi tiết hồ sơ). Nhờ đó, doanh nghiệp giảm thiểu chi phí lưu kho, bãi. Điều này đặc biệt hữu ích với sản xuất, kinh doanh khi chuỗi cung ứng được lập kế hoạch chi tiết đến từng giờ để phục vụ sản xuất và sớm đưa hàng hóa ra thị trường, hoặc xuất khẩu.
Đỗ Quyên