Nhiều thay đổi trong kiểm tra, xử lý kỷ luật vi phạm hành chính từ 15/6/2025

Nhiều thay đổi trong kiểm tra, xử lý kỷ luật vi phạm hành chính từ 15/6/2025
11 giờ trướcBài gốc
Một trong những nội dung quan trọng của Nghị định số 93/2025/NĐ-CP là sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Chính phủ vừa ban hành quy định mới về kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính - Ảnh: TTXVN
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp có thẩm quyền kiểm tra việc thực thi pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các cấp và cơ quan quản lý người có thẩm quyền xử lý vi phạm. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ sẽ thực hiện kiểm tra trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiểm tra trong lĩnh vực được giao tổ chức thực hiện.
Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm kiểm tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi địa bàn quản lý, trừ các cơ quan tổ chức theo hệ thống dọc đóng trên địa bàn. Thủ trưởng các cơ quan thuộc hệ thống dọc ở Trung ương như Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Thuế, Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm xã hội Việt Nam... cũng có trách nhiệm kiểm tra đối với các đơn vị cấp dưới.
Đối với những vụ việc phức tạp, mang tính liên ngành trên phạm vi toàn quốc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cơ quan chủ trì kiểm tra.
Nghị định số 93/2025/NĐ-CP cũng bổ sung, hoàn thiện quy định về các hành vi vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Cụ thể, có 20 hành vi vi phạm được xác định, tăng thêm một hành vi so với quy định trước đây. Một số hành vi vi phạm đáng chú ý gồm: giữ lại vụ việc có dấu hiệu tội phạm để xử lý hành chính; giả mạo, làm sai lệch hồ sơ xử lý vi phạm; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi hỏi tài sản của đối tượng vi phạm; không lập biên bản vi phạm hành chính theo đúng quy định; lập biên bản sai thẩm quyền, sai đối tượng; xử phạt sai thẩm quyền hoặc áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả không đúng pháp luật.
Đặc biệt, Nghị định số 93/2025/NĐ-CP bổ sung hình thức kỷ luật "bãi nhiệm" đối với cán bộ. Theo quy định mới, hình thức bãi nhiệm áp dụng đối với cán bộ thuộc các trường hợp vi phạm nghiêm trọng theo điểm b khoản 2 Điều 29 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP, đã được sửa đổi, bổ sung. Cụ thể, bao gồm trường hợp cán bộ đã bị cách chức mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thuộc các hành vi đã quy định tại Điều 24 Nghị định.
Ngoài ra, Nghị định cũng chỉnh lý, hoàn thiện các quy định về các hình thức kỷ luật khác như khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức và buộc thôi việc, nhằm tăng cường hiệu quả xử lý sai phạm trong lĩnh vực thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Việc ban hành Nghị định số 93/2025/NĐ-CP được đánh giá là cần thiết để khắc phục những bất cập, lỗ hổng trong thực tiễn thi hành, đồng thời nâng cao tính răn đe và đảm bảo kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Đăng Khoa
Nguồn Công Luận : https://congluan.vn/nhieu-thay-doi-trong-kiem-tra-xu-ly-ky-luat-vi-pham-hanh-chinh-tu-15-6-2025-10288517.html