Nhiều tiện ích mới khi tham quan Di tích Quốc gia Hải Vân quan

Nhiều tiện ích mới khi tham quan Di tích Quốc gia Hải Vân quan
2 giờ trướcBài gốc
Di tích Hải Vân quan được xây dựng vào năm 1826, là một đồn lũy quân sự trấn thủ tại đỉnh đèo Hải Vân ngay ranh giới giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng ngày nay (xưa là ranh giới giữa phủ Thừa Thiên và Quảng Nam).
Di tích Hải Vân quan được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Quốc gia tại Quyết định số 1531/QĐ-BVHTTDL ngày 14/4/2017; thuộc 2 địa phận là thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) và phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng).
Đây là di tích có nhiều giá trị về mặt lịch sử và kiến trúc nghệ thuật. Phía bắc của cổng Hải Vân quan hướng về Thừa Thiên-Huế đề 3 chữ “Hải Vân quan”, phía nam hướng về thành phố Đà Nẵng đề “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Đây không chỉ là vị trí phòng thủ quan trọng của cửa ngõ phía nam Kinh thành Huế mà còn là một danh lam thắng cảnh rất nổi tiếng của Việt Nam.
Dự án Bảo tồn tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân quan được khởi công ngày 19/12/2021 tại di tích Hải Vân Quan. Với mục đích Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia; góp phần phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng. Tổng diện tích của dự án khoảng 6.500m2, là Dự án nhóm C, loại công trình dân dụng, cấp III, với tổng mức đầu tư hơn 42 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố Đà Nẵng 50%, ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế 50% trên tổng mức đầu tư.
Sau 3 năm triển khai trùng tu, đến nay, Dự án Bảo tồn tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân quan đã hoàn thiện, chính thức mở cửa đón khách tham quan. Việc trùng tu, hoàn thiện Di tích Quốc gia Hải Vân quan mang một ý nghĩa vô cùng lớn, đặc biệt đối với việc phát huy giá trị của di tích, di sản trong phát triển kinh tế-xã hội của hai tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng.
Theo ghi nhận, sau khi được trùng tu, điểm tham quan đã có bảng hướng dẫn, thông tin về di tích theo ngôn ngữ Việt-Anh để phục vụ du khách có nhu cầu tìm hiểu lịch sử công trình. Tại lối dẫn vào cổng chính, du khách có thể tham quan Hải Vân quan bằng bản đồ số 3D: chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh kết nối với bảng check-in gắn chip NFC (công nghệ không dây tầm ngắn) tại điểm tham quan, du khách truy cập 9 địa điểm quan trọng của Hải Vân quan và khám phá theo sở thích.
Để bảo đảm an toàn cho người dân, du khách tham quan, thưởng lãm đệ nhất hùng quan, đơn vị quản lý đã lắp đặt nhiều bảng biểu hướng dẫn, hệ thống phòng cháy chữa cháy, các bảng chỉ dẫn lối lên, xuống di tích và các bảng khuyến cáo người dân, du khách tại các khu vực có độ cao nguy hiểm, trơn trượt do sương mù, mưa.
Theo đại diện Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng, giai đoạn chưa bán vé tham quan, đơn vị quản lý trực tiếp di tích là Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế và Ủy ban nhân dân quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế và Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng thực hiện chức năng quản lý nhà nước di tích quốc gia Hải Vân quan theo quy định.
Giai đoạn bán vé tham quan (dự kiến năm 2025), Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế và Ủy ban nhân dân quận Liên Chiểu thực hiện nguyên tắc luân phiên quản lý trong 3 năm (Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế quản lý và khai thác di tích 3 năm đầu tiên, Ủy ban nhân dân quận Liên Chiểu quản lý và khai thác di tích trong 3 năm kế tiếp).
Chùm ảnh phóng viên thực hiện tại Di tích Quốc gia Hải Vân quan ngày 17/12/2024:
Ngay tại cổng chính vào Di tích Quốc gia Hải Vân quan là các bảng hướng dẫn du khách tham quan di tích bằng bản đồ số 3D. (Ảnh: ANH ĐÀO)
Đoàn du khách quốc tế tìm hiểu bản đồ số 3D trước khi vào tham quan Di tích Quốc gia Hải Vân quan sáng 17/12 (Ảnh: ANH ĐÀO)
Đệ nhất hùng quan là điểm đến không thể không dừng chân của du khách bốn phương. (Ảnh: ANH ĐÀO)
Một du khách người Hàn Quốc mang áo dài Việt Nam Check-in tại Di tích Quốc gia Hải Vân quan sáng 17/12, dù thời tiết mưa và rất lạnh. (Ảnh: ANH ĐÀO)
Mùa này trên đỉnh Hải Vân quan sương phủ dày, nhiều đoàn du khách quốc tế tham quan từng khu vực lõi của di tích và di chuyển ra phía đường cổng chính. (Ảnh: ANH ĐÀO)
Du khách đội mưa tham quan và chụp ảnh lưu lại khoảnh khắc đẹp trên Di tích Quốc gia Hải Vân quan. (Ảnh: ANH ĐÀO)
Cổng chính Hải Vân quan được trùng tu nguyên vẹn các giá trị gốc. (Ảnh: ANH ĐÀO)
Từ cổng chính, du khách di chuyển đến khu vực phòng trưng bày tư liệu hình ảnh. (Ảnh: ANH ĐÀO)
Phòng trưng bày tư liệu hình ảnh được phục dựng lại hoàn toàn mới, nằm trong lõi của Di tích Quốc gia Hải Vân quan. (Ảnh: ANH ĐÀO)
Những tư liệu, hình ảnh chính liên quan đến Di tích Quốc gia Hải Vân quan được bố trí, sắp xếp phù hợp theo từng mốc thời gian. (Ảnh: ANH ĐÀO)
Du khách tham quan, tìm hiểu về Di tích Quốc gia Hải Vân quan tại phòng trưng bày. (Ảnh: ANH ĐÀO)
Nhiều bảng cảnh báo, hướng dẫn nhằm bảo đảm an toàn cho du khách khi di chuyển tham quan Di tích Quốc gia Hải Vân quan, đặc biệt khi trời mưa và sương mù dày đặc. (Ảnh: ANH ĐÀO)
Du khách tham quan chụp ảnh Check-in tại di tích sáng 17/12. (Ảnh: ANH ĐÀO)
Tại khu vực nhà trưng bày tư liệu, du khách có thể sử dụng bản đồ 3D để tiếp tục tham quan theo hướng dẫn. (Ảnh: ANH ĐÀO)
Ngày 21/12, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tổ chức Lễ công bố hoàn thành Dự án Bảo tồn tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Quốc gia Hải Vân quan. (Ảnh: ANH ĐÀO)
Dự kiến năm 2025, cơ quan quản lý sẽ bán vé tham quan Di tích Quốc gia Hải Vân quan. (Ảnh: ANH ĐÀO)
NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/anh-nhieu-tien-ich-moi-khi-tham-quan-di-tich-quoc-gia-hai-van-quan-post850962.html