Nhiều tín hiệu tích cực cho truyện tranh Việt

Nhiều tín hiệu tích cực cho truyện tranh Việt
3 giờ trướcBài gốc
Truyện tranh Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa phát triển. Ảnh: Hương Linh.
Đáng để chờ đợi
Hiện nay thị trường truyện tranh đang có rất nhiều tín hiệu tích cực, cả về số lượng, chất lượng lẫn hình thức thể hiện.
Đã có rất nhiều tác phẩm Việt đạt được giải thưởng danh giá trong các cuộc thi truyện tranh quốc tế. Ví như, sau 17 lần Giải thưởng truyện tranh quốc tế Nhật Bản được tổ chức, truyện tranh Việt Nam 5 lần nhận được giải thưởng này, như truyện tranh “Đất Rồng” (2012) đoạt giải đồng; “Long Thần Tướng” (2015), “Địa Ngục Môn” (2016) đoạt giải bạc; “Bẩm thầy Tường, có thầy Vũ đến tìm!” (2022) đoạt giải đồng và gần đây nhất là Giải bạc “Điệu nhảy của vũ trụ” (2023).
Cùng với đó, nhiều bộ sách “made in Việt Nam” mang tính giải trí cao và được các bạn trẻ và phụ huynh đón nhận như “Gia đình gãi ngứa”, “Nhật ký Mèo mốc”, “Thỏ Bảy màu”…
Trước nay ở Việt Nam, dòng truyện này vốn được coi là thể loại chỉ dành cho đối tượng độc giả là thiếu nhi, học sinh, sinh viên. Nhưng hiện nay, một số nhà xuất bản, công ty sách đã mạnh dạn hướng đến lứa tuổi người trưởng thành. Điều này đã góp phần nâng cao trải nghiệm đọc của một thế hệ độc giả mới, duy trì tình yêu truyện tranh, cảm quan thẩm mỹ cao và khả năng đọc không chỉ sách chữ mà còn cả cảm nhận hình ảnh.
Lê Chink - một tác giả chuyên sáng tác kịch bản truyện tranh cho rằng, nếu như nhiều năm về trước, truyện tranh ở Việt Nam “bị” gắn mác chỉ dành cho thiếu nhi nên chủ đề thể hiện cũng tương đối hẹp, thì hiện nay tình hình đã thay đổi. Trở về với đúng chức năng là một loại nghệ thuật giải trí, các chủ đề, đề tài trong truyện tranh đã mở rộng tới tất cả các lĩnh vực, độ tuổi. Không những thế, các tác giả đã dần chú trọng vào các đề tài mang đậm chất văn hóa Việt. Có thể kể đến “Nhân Ký - Noãn” của cặp đôi tác giả Linh - Thạch, “Tứ Phủ Xét Giả” - Rover Studio và gần đây là “Tàn lửa” (Lê Lợi Thư Đình)…
Nhìn vào thị trường trong nước những năm gần đây cũng dễ nhận thấy bước chuyển mình đầy khởi sắc và đáng để chờ đợi. Các dự án cá nhân ngày càng nhiều, đội ngũ tác giả trẻ ngày càng đông và rất năng động trong việc nắm bắt xu thế của truyện tranh thế giới.
Tác giả Trần Mạnh Quang (Quang Nino) - chủ fanpage nổi tiếng “Gia đình gãi ngứa” chia sẻ, chúng ta cập nhật rất nhiều về kỹ năng vẽ, kỹ thuật tạo ra những trang truyện chuyên nghiệp. Nhưng nghiêm túc mà nói, linh hồn của truyện tranh nằm ở “truyện” nhiều hơn cả ở “tranh”. Để tạo ra những câu chuyện có tính thuyết phục với công chúng là điều không hề đơn giản. Dù mường tượng được điều sẽ làm rồi, thì cũng rất ít người có đủ “lực” để theo nó đến tận cùng, vì chúng ta chưa có một nền công nghiệp dành cho truyện tranh.
Khơi thông rào cản, mở lối phát triển
Thực tế, truyện tranh Việt Nam vẫn còn nhiều khoảng trống và chưa thực sự được khai thác hết tiềm năng sẵn có. Rất ít họa sĩ có thể đảm nhiệm cả 2 phần vẽ và nội dung. Trong khi đó, phần lớn biên kịch thường chỉ đi theo các lĩnh vực khác như hoạt hình, phim, quảng cáo… mà chưa chú ý tới truyện tranh. Hoặc biên kịch có nội dung tốt nhưng chưa tìm được họa sĩ hợp tác hoặc nơi đầu tư. Tiếp đến là sự quan tâm của xã hội, các chính sách khuyến khích chưa có nhiều.
Để khắc phục, theo tác giả Lê Chink: “Là một người có ý tưởng nhưng hạn chế về khả năng vẽ, tôi chỉ có thể hợp tác với họa sĩ nếu muốn đi theo con đường truyện tranh. Tuy nhiên, việc này cũng không đơn giản. Bởi vì việc biên kịch và họa sĩ tự nguyện hợp tác với nhau từ khi còn là ý tưởng tới khi tác phẩm thành công đòi hỏi rất nhiều nỗ lực ở cả hai phía. Do đó, tôi mong các nhà xuất bản, công ty phát hành sẽ có thêm các cuộc thi lớn về truyện tranh, và đứng ra làm nơi trung gian kết nối biên kịch và họa sĩ. Ngoài ra cũng cần nhiều thêm những cái “bắt tay” giữa truyện tranh, hoạt hình, game để thúc đẩy các tác giả đi theo con đường này”.
Còn theo tác giả Trần Mạnh Quang, nói đến một sản phẩm đưa ra thị trường, đã đi sau thì ta phải có thứ mà trước đó chưa có, hoặc ít có. Mọi thể loại truyện tranh với những bộ óc sáng tác ở trình độ cao, dưới sự hỗ trợ tối đa của nền công nghiệp Nhật Bản, thì thị trường Việt Nam ta đã tiêu thụ quá nhiều. Thứ mà ta có thể “cạnh tranh” trước mắt nhất, chính là yếu tố Việt Nam. “Văn hóa, con người, ngôn ngữ, cảnh sắc Việt Nam vẫn còn một khoảng đất rộng mênh mông để khai thác. Có lẽ đây chính là chỗ cần có sự quy hoạch, hỗ trợ, thúc đẩy của cơ chế” - ông Quang nói.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, để lĩnh vực này phát triển, cần có biện pháp nâng cao nhận thức của bạn đọc về vấn đề bản quyền. Khi đó, các đơn vị xuất bản và tác giả có nhiều cơ hội đem đến các tác phẩm chất lượng tốt hơn. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần đầu tư cho các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp, tăng cường các chương trình trao đổi với nước ngoài, tổ chức nhiều trại sáng tác, cuộc thi hơn nữa. Đặc biệt, cần phải nâng cao vai trò của biên tập viên bởi họ chính là người đồng hành với tác giả để đưa tác phẩm lên một tầm cao mới.
Nhà nghiên cứu truyện tranh Nguyễn Anh Tuấn (Chukim): Vấn đề bản quyền ở Việt Nam cũng là một trong những "rào cản" khiến cho truyện tranh khó phát triển. Vì vậy để có thể thúc đẩy phát triển truyện tranh trong thời gian tới, bên cạnh giải quyết vấn đề bản quyền, xử lý vấn đề đọc truyện "lậu" của độc giả thì chúng ta cũng cần phải thay đổi tư duy rằng thể loại truyện tranh chỉ dành cho trẻ em. Nếu cứ mặc định như thế, loại hình này sẽ gặp rất nhiều rào cản.
Phạm Sỹ
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/nhieu-tin-hieu-tich-cuc-cho-truyen-tranh-viet-10296567.html