Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 25/NQ-CP về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên.
Nghị quyết nêu rõ, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, trong khi đó, tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến rất phức tạp, khó lường. Nền kinh tế nước ta dự báo duy trì đà tăng trưởng tích cực, có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhất là từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại đã kéo dài nhiều năm, bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn...
Trong bối cảnh đó, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030.
Đáng chú ý, theo phụ lục Nghị quyết, nhiều địa phương được đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 10% trở lên.
Cụ thể, vùng Đồng bằng sông Hồng: Quảng Ninh: 12%; Hải Dương: 10,2%; Hải Phòng: 12,5%; Hà Nam: 10,5%; Nam Định: 10,5%; Ninh Bình: 12%. Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc: Bắc Giang: 13,6%; Điện Biên: 10,5%. Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ: Thanh Hóa: 11%; Nghệ An: 10,5%; Đà Nẵng: 10%; Quảng Nam: 10%; Khánh Hòa: 10%; Ninh Thuận: 13%. Tây Nguyên: Kon Tum: 10%. Vùng Đông Nam Bộ: Bình Dương: 10%; Đồng Nai: 10%; Bà Rịa - Vũng Tàu: 10%.Tất cả các địa phương còn lại đều được giao chỉ tiêu tăng trưởng trên 8%. Hai thành phố lớn, đầu tàu kinh tế của cả nước là Hà Nội và TP HCM được giao chỉ tiêu lần lượt là 8% và 8,5%.
Với mục tiêu trên, Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo nghiên cứu, rà soát các nguồn lực, động lực, năng lực mới cho tăng trưởng và giải pháp thực hiện. Trong trường hợp HĐND cùng cấp đã quyết nghị mục tiêu tăng trưởng thấp hơn mục tiêu tại Nghị quyết này, cần báo cáo lại trong tháng 2 để điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GRDP của địa phương nhằm quán triệt và tổ chức thực hiện đồng bộ, toàn diện, hiệu quả.
Năm 2024, khoảng một phần ba địa phương cả nước ghi nhận tốc độ tăng GRDP từ 8,42% trở lên. Trong đó, 9 tỉnh thành ở mức hai con số.
Bắc Giang ghi nhận có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước với 13,85%. Đây là năm thứ 5 liên tiếp tỉnh này tăng trưởng cao hai con số. Một trong những động lực tăng trưởng chính của Bắc Giang đến từ môi trường đầu tư. Năm ngoái, địa phương này thu hút trên 2,14 tỷ USD vốn đầu tư, đứng thứ 10 cả nước về hút vốn ngoại.
Các địa phương còn lại trong top tăng trưởng 2 con số năm ngoái bao gồm: Thanh Hóa (12,16%), Hải Phòng (11,01%), Hà Nam (10,93%), Lai Châu (10,52%), Hải Dương (10,2%), Khánh Hòa (10,16%), Trà Vinh (10,04%) và Nam Định (10,01%).
Nam Định xếp cuối trong danh sách song đây là năm thứ hai liên tiếp tỉnh này ghi nhận GRDP đạt mức cao trên 10%.
Đỗ Kiều