Nhiều tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo trong vụ AIC Bắc Ninh

Nhiều tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo trong vụ AIC Bắc Ninh
3 giờ trướcBài gốc
Đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa AIC Bắc Ninh.
Tại phiên tòa, các bị cáo có mặt đều đã thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố, đồng thời bày tỏ sự ăn năn hối hận, mong muốn được xem xét giảm nhẹ hình phạt. Quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các bị cáo đều có thái độ hợp tác với cơ quan điều tra để sớm làm sáng tỏ vụ án, tự nguyện bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả vụ án…
Căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ này và để bảo đảm tính nhân văn, tạo điều kiện cho các bị cáo có cơ hội sửa chữa sai lầm… đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã đưa ra nhiều luận điểm có cơ sở pháp luật đề nghị giảm án cho nhiều bị cáo trong vụ án này.
Vụ án có vai trò đồng phạm giản đơn
Trong bản luận tội, đại diện Viện Kiểm sát đã phân tích vai trò, mức độ, tính liên kết về hành vi cùng thực hiện một tội phạm; đồng thời căn cứ vào hậu quả, tác hại do các bị cáo gây ra và căn cứ vào ý chí chủ quan của các bị cáo… đã xác định tại vụ án này, khi thực hiện hành vi phạm tội các bị cáo không có sự phân công, phân nhiệm hay câu kết chặt chẽ. Các bị cáo thực hiện với lỗi cố ý thực hiện chung một loại tội phạm nên vụ án có đồng phạm nhưng thuộc trường hợp đồng phạm giản đơn.
Toàn cảnh phiên tòa.
Mặt khác, công tố viên xét thấy bị cáo Nguyễn Nhân Chiến (cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh) và các bị cáo nguyên là lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh, Sở Y tế… đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thống nhất việc phân chia, tạo điều kiện cho Công ty AIC và công ty thuộc hệ sinh thái AIC của bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, nhóm công ty của bị cáo Lã Tuấn Hưng thông thầu, trúng thầu, thực hiện 6 gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế tại 6 dự án Bệnh viện đa khoa tuyến huyện thuộc tỉnh Bắc Ninh trái pháp luật gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 48,6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, xét thấy, các bị cáo là lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh khi thực hiện hành vi phạm tội chủ yếu xuất phát mong muốn có nguồn tiền để đầu tư, mua sắm trang thiết bị y tế cho 6 bệnh viện tuyến huyện để khám chữa bệnh cho nhân dân.
Do đó, đây là cơ sở để Viện Kiểm sát xem xét, đánh giá điều kiện phạm tội đối với các bị cáo, làm cơ sở để cân nhắc giảm nhẹ mức hình phạt đề nghị đối với các bị cáo.
Tự nguyện khắc phục hậu quả
Trong vụ án này, trừ 2 bị cáo đang bỏ trốn, bị xét xử vắng mặt là Cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn và cấp phó của mình là Nguyễn Hồng Sơn, ngay từ quá trình điều tra các bị cáo còn đã chủ động khai báo về số tiền được hưởng bất chính từ bị cáo Nhàn và đã vận động gia đình nộp lại toàn bộ tiền hưởng lợi bất chính và đều có ý thức chủ động bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả vụ án.
Thêm vào đó, những bị cáo này đều có nhân thân tốt; thành khẩn khai báo, ăn năn, hối cải; tích cực hợp tác với cơ quan điều tra; chủ động nộp lại toàn bộ số tiền hưởng lợi bất chính; có nhiều thành tích trong công tác, được tặng thưởng nhiều huân, huy chương, bằng khen, giấy khen; được nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân có đơn xin giảm nhẹ hình phạt…
Hơn 20 luật sư tham gia bào chữa tại phiên tòa.
Đặc biệt, do Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang bỏ trốn, nhóm bị cáo nguyên là lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh còn tự nguyện nộp thêm tiền để khắc phục một phần hậu quả thuộc trách nhiệm của cựu Chủ tịch Công ty AIC lên đến hơn 1 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn công tác, các bị cáo thuộc khối cơ quan quản lý Nhà nước tại tỉnh Bắc Ninh đã được ghi nhận có nhiều đóng góp xây dựng tỉnh Bắc Ninh phát triển toàn diện nhiều mặt kinh tế-xã hội, trở thành tỉnh nằm trong nhóm dẫn đầu của cả nước về kinh tế, giá trị sản xuất công nghiệp xếp thứ 2 toàn quốc...
Đặc biệt, khi giữ cương vị lãnh đạo, nhiều người trong số này đã có nhiều công sức, đưa ra những quyết định có hiệu quả, sát sao và quyết liệt vì sự phát triển chung của tỉnh Bắc Ninh.
Căn cứ vào vai trò, mức độ thực hiện hành vi vi phạm của các bị cáo trong vụ án, căn cứ vào các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của các bị cáo, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã đề nghị mức án đối với các bị cáo này theo hướng giảm nhẹ hình phạt, tạo điều kiện cho các bị cáo sớm có cơ hội được sửa sai, làm lại cuộc đời.
Cụ thể, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử phạt cựu bị cáo Nguyễn Nhân Chiến mức án từ 48-60 tháng tù, bị cáo Nguyễn Tử Quỳnh bị đề nghị xử phạt mức án từ 36-42 tháng tù, bị cáo Trần Văn Tuynh bị đề nghị xử phạt mức án từ 42-48 tháng và bị cáo Nguyễn Hạnh Chung bị đề nghị xử phạt mức án từ 24-30 tháng tù về cùng tội “Nhận hối lộ”.
Một cựu lãnh đạo khác của tỉnh Bắc Ninh, bị cáo Nguyễn Tiến Nhường cũng được đề nghị mức án dưới khung truy tố từ 24-30 tháng tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Bài học đau xót
Trình bày tại tòa, các bị cáo trong vụ án đều cho rằng vụ án là bài học đau xót cho cá nhân bị cáo, làm ảnh hưởng đến gia đình, bạn bè, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh và tác động xấu đến dư luận quần chúng nhân dân.
11 trong tổng số 13 bị cáo có mặt tại phiên tòa.
Trong số các bị cáo hầu tòa, bị cáo Nguyễn Hạnh Chung là một trong số ít người của tỉnh Bắc Ninh được vinh dự phong tặng danh hiệu cao quý này. Nay vì sai phạm mà phải ra hầu tòa, bị cáo Chung bày tỏ sự hối hận và khẳng định mình luôn tâm huyết, hết mình trong công việc, chưa bao giờ nghĩ đến cảnh mình bị đưa ra xét xử.
Bị cáo thừa nhận cáo buộc của Viện Kiểm sát, nhưng mong Hội đồng xét xử xem xét hành vi sai phạm một phần xuất phát từ sự thiếu hiểu biết, nóng vội… từ đó cân nhắc giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Về phía mình, bị cáo Nguyễn Nhân Chiến thừa nhận cáo buộc nhận hối lộ 4 tỷ đồng, nhưng khẳng định chưa bao giờ thỏa thuận hoặc yêu cầu doanh nghiệp phải chi tiền trước khi thực hiện dự án. Thậm chí, khi cấp dưới nói biếu tiền phần trăm hợp đồng, bị cáo đã từ chối. Chỉ khi những người này tặng quà vào các dịp lễ, tết, sinh nhật… bị cáo mới nhận vì nghĩ đơn giản đó không phải là tiền hối lộ.
Rút ra bài học cho bản thân, bị cáo Chiến mong vụ án là bài học sâu sắc cho các cán bộ đương nhiệm, “không nên vì nể nang mà làm sai nhiệm vụ; phải hiểu và sống, làm việc thượng tôn pháp luật”, ông Chiến chua xót nói.
Việc đưa các bị cáo ra xét xử trong vụ án này là thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước trong việc phát hiện, xử lý các vụ án về tham nhũng, kinh tế, góp phần quan trọng trong việc kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi vi phạm, tội phạm, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, củng cố niềm tin của nhân dân, khẳng định sự khách quan, công bằng, nghiêm minh của pháp luật.
ĐÀ ĐÔNG
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/nhieu-tinh-tiet-giam-nhe-cho-cac-bi-cao-trong-vu-aic-bac-ninh-post842504.html