Giá dầu chạm đáy gần 1 tháng
Trong phiên giao dịch ngày 5/5 tại thị trường châu Á, giá dầu thế giới có lúc giảm tới hơn 4% sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh (còn được gọi là nhóm OPEC+) quyết định tăng mạnh sản lượng khai thác dầu tháng thứ hai liên tiếp, bổ sung thêm khoảng 411.000 thùng/ngày trong tháng 6. Mức tăng lớn này cũng được áp dụng với sản lượng của liên minh trong tháng 5. Trước đó, mức tăng sản lượng dầu trong tháng 4 được OPEC+ áp dụng là 138.000 thùng/ngày.
Như vậy, tổng mức tăng sản lượng của OPEC+ trong tháng 4, 5 và 6 là 960.000 thùng/ngày, tương đương 44% lượng cắt giảm tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày mà các nước thành viên của liên minh này đã nhất trí trong các đợt giảm sản lượng từ năm 2022.
Giá dầu tiếp tục giảm mạnh trong phiên đầu tuần. Ảnh: Oilprice
Động thái mới nhất của OPEC+ làm gia tăng lo ngại về khả năng xảy ra dư thừa nguồn cung dầu trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới xấu đi vì chiến tranh thương mại.
“Việc nhóm OPEC+ chốt phương án tăng sản lượng thêm 411.000 thùng/ngày trong tháng 6 càng củng cố thêm quan ngại của thị trường rằng tương quan cung-cầu dầu toàn cầu sẽ dịch chuyển theo chiều hướng dư thừa dầu” - chuyên gia Tim Evans, nhà sáng lập của trang tin năng lượng Evans on Energy nhận định.
Đóng cửa phiên giao dịch sáng ngày 5/5, giá dầu Brent sụt tới 2,21 USD/thùng (tương đương 3,61%), xuống còn 59,08 USD/thùng – mức thấp nhất kể từ ngày 9/4. Dầu WTI của Mỹ cũng mất 2,29 USD/thùng, giao dịch quanh mốc 56 USD/thùng.
Đáng chú ý, chênh lệch giá dầu Brent kỳ hạn 6 tháng lần đầu tiên chuyển sang trạng thái "contango" (giá giao ngay thấp hơn giá hợp đồng tương lai) kể từ tháng 12/2023, cho thấy kỳ vọng về dư cung đang gia tăng nhanh chóng.
Triển vọng u ám đối với thị trường dầu mỏ
Ngân hàng Barclay hôm 4/5 đã hạ dự báo giá dầu Brent xuống 66 USD/thùng trong năm 2025 và 60 USD/thùng trong năm 2026, lần lượt giảm 4 USD và 2 USD/thùng so với dự báo trước đó, chủ yếu do OPEC+ quyết định đẩy nhanh tiến độ tăng sản lượng.
Trong báo cáo mới nhất, Barclays nhận định, những diễn biến liên quan đến chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump chắc chắc ảnh hưởng tiêu cực đến giá dầu, nhưng những quyết định về chính sách sản lượng mới đây của OPEC+ cũng là nguyên nhân chính khiến giá “vàng đen” lao dốc.
Theo Barclays, OPEC+ sẽ đẩy nhanh tốc độ dỡ bỏ thỏa thuận cắt giảm sản lượng tự nguyện với tiến trình rút ngắn xuống còn 6 tháng thay vì 18 tháng như kế hoạch ban đầu.
Barclays dự báo nhóm OPEC+ sẽ hoàn tất quá trình dỡ bỏ các điều chỉnh cắt giảm sản lượng tự nguyện vào tháng 10 tới. Theo đó, sản lượng dầu thô của OPEC+ sẽ tăng thêm 390.000 thùng/ngày trong năm 2025 và 230.000 thùng/ngày trong năm 2026.
Mặc dù sản lượng dầu của Mỹ dự kiến tăng chậm lại, tác động tổng thể từ việc bơm mạnh nguồn cung của OPEC+ vẫn làm tăng lượng dầu toàn cầu thêm 290.000 thùng/ngày trong năm 2025 và 110.000 thùng/ngày trong năm 2026.
Ngân hàng ING của Hà Lan mới đây đã hạ dự báo giá trung bình của dầu Brent trong năm nay từ 70 USD xuống 65 USD/thùng, với nhận định thị trường nhiên liệu đang đối mặt tình trạng dư cung nghiêm trọng trong những tháng tới.
Trước đó, ngân hàng Standard Chartered - tổ chức thường có quan điểm lạc quan về giá “vàng đen”, cũng bất ngờ hạ dự báo giá dầu Brent năm 2025 xuống còn 61 USD/thùng, và năm 2026 xuống 78 USD/thùng, tương ứng giảm 16 USD và 7 USD/thùng so với trước đó.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông leo thang có thể hỗ trợ giá dầu trong ngắn hạn. Cuối tuần vừa rồi, căng thẳng lại nóng lên khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cánh báo sẽ trả đũa Iran vì vụ phiến quân Houthi - lực lượng được Tehran hậu thuẫn - phóng tên lửa vào địa điểm gần một sân bay chính của Israel. Bộ trưởng Quốc phòng Iran Aziz Nasirzadeh hôm 4/5 tuyên bố Tehran sẽ đáp trả bằng hành động quân sự nếu bị Mỹ hoặc Israel tấn công.
Nguyễn Phương