Nhiều trẻ bị biến cố sức khỏe, chưa thể đi học lại

Nhiều trẻ bị biến cố sức khỏe, chưa thể đi học lại
6 giờ trướcBài gốc
Nhiều phụ huynh mất hàng giờ để chờ con đi vệ sinh, nhiều trẻ khóc nấc vì bị táo bón. Chị Nguyễn Thị May (quận 12) cho biết con trai 5 tuổi đã không đi đại tiện nhiều ngày. Chị phải giục liên tục thì con mới vào nhà vệ sinh, tuy nhiên quá trình đi tiêu cũng rất khó khăn. Đến ngày đi học trở lại, con của chị vẫn chưa thể đi tiêu lại như bình thường.
Theo BS Nguyễn Thị Thùy Linh, Khoa Nhi - Bệnh viện An Bình, táo bón là một vấn đề tiêu hóa phổ biến ở trẻ em, gây ra nhiều khó chịu và ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Đặc biệt, sau những ngày Tết, khi chế độ ăn uống và sinh hoạt của trẻ có nhiều thay đổi, nguy cơ táo bón càng tăng cao. Biểu hiện dễ thấy nhất chính là đi tiêu không hết, tiêu không thường xuyên, khó khăn khi đi tiêu kéo dài, kèm theo các triệu chứng như phân cứng, phân khô... Tuy táo bón không gây biến chứng nguy hiểm nhưng cần thời gian dài theo dõi và điều trị. "Để khắc phục tình trạng này, phụ huynh cần bổ sung thêm chất xơ vào thực đơn hằng ngày cho trẻ như ăn nhiều rau xanh (rau cải xanh, bông cải xanh...), trái cây (chuối, đu đủ, cam, lê...) và các loại ngũ cốc; tăng cường nhắc nhở, khuyến khích trẻ uống đủ nước mỗi ngày. Ngoài nước lọc có thể dùng thêm nước ép từ các loại trái cây tươi. Đặc biệt, hạn chế cho trẻ dùng thức ăn chế biến sẵn, thức ăn nhanh, đồ ngọt..." - BS Linh khuyên.
Nhiều trẻ bị táo bón vì rối loạn tiêu hóa sau Tết. Ảnh: HUẾ XUÂN
BS chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP HCM), cho hay mới đây bệnh viện đã tiếp nhận một số trường hợp trẻ bị phỏng nặng do tiếp xúc với lửa và nước sôi, trong đó có các ca phải điều trị tích cực. Một trong những trường hợp đáng chú ý là bé L.N.A.K (12 tuổi ở Long An). Trước khi nhập viện, bé có ý định làm cốm nổ từ lúa bằng cách đổ cồn vào thùng thiết và đốt lên. Khi lửa sắp tắt, bé tiếp tục châm thêm cồn từ can nhựa thì phát nổ. Vụ nổ làm bé bị phỏng nặng ở đầu, mặt, cổ, ngực, bụng và tay.
Trường hợp khác là bé T. L.G.H (16 tháng tuổi ở Đồng Tháp) bị phỏng nước sôi do với tay kéo bình nước sôi siêu tốc mới đun xong. Nước sôi tràn vào đầu, mặt, cổ, ngực, bụng và chân của bé, được sơ cứu tại bệnh viện địa phương trước khi chuyển viện. Còn bé N.N.T. L (11 tháng tuổi, ngụ Kiên Giang) bị phỏng do đổ nồi chè. Vết phỏng rộng, đặc biệt ở mặt, cổ, ngực, bụng và các chi. Tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, bé được điều trị chống sốc, chăm sóc vết thương, sau gần 2 tuần mới cải thiện.
Qua những trường hợp này, BS Tiến cảnh báo khi chuẩn bị nấu nướng, đun nước sôi hoặc làm các công việc liên quan đến lửa, cần giữ các vật dụng nóng, sôi xa tầm tay trẻ em; không để trẻ tiếp cận các bình nước nóng, nồi cơm điện, đồ điện hoặc các vật dụng nguy hiểm khác. "Đặc biệt, không để trẻ nhỏ tiếp xúc với các dụng cụ, vật liệu cháy nổ hay ổ điện. Phụ huynh cần giám sát chặt chẽ trẻ, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi, để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra" - BS Tiến nhấn mạnh.
Huế Xuân - Hải Yến
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/nhieu-tre-bi-bien-co-suc-khoe-chua-the-di-hoc-lai-196250203215102711.htm