Theo TS.BS Lê Kiến Ngãi – Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương - trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, phòng khám và tư vấn tiêm chủng của bệnh viện đã tiếp nhận và tiêm vaccine phòng dại cho 104 trường hợp bị chó, mèo, vật nuôi cắn. Trong đó có 67 trường hợp là trẻ em.
Tình huống bị tấn công chủ yếu xảy ra khi mọi người đi chơi, thăm hỏi, chăm sóc vật nuôi trong dịp Tết.
Theo TS.BS Ngãi, nhiều vật nuôi tấn công người không được tiêm vaccine phòng dại trước đó. Những vết cắn của chó, mèo nếu không xử lý kịp thời, có thể dẫn đến nhiễm trùng hoặc nguy cơ mắc bệnh dại - một căn bệnh nguy hiểm có thể gây tử vong nếu không điều trị đúng cách.
Một bệnh nhi bị chó cắn suýt mất tai. (Ảnh: Bệnh viện Nhi Hà Nội)
Trước đó, Bệnh viện Nhi Hà Nội cũng tiếp nhận bệnh nhi 8 tuổi bị chó nhà nuôi cắn đa vết thương phần mềm tại tai phải, da đầu, cánh cẳng bàn tay phải.
Qua thăm khám, bác sĩ nhận thấy vành tai tổn thương nặng, dập nát phần mềm, tổn thương đứt rời toàn bộ sụn và cấu trúc mạch máu từ ống tai đến dưới vành tai, phần cầu da tại dái tai không đủ dẫn lưu máu, biểu hiện phần vạt da phía ngoại vi tím, chảy máu nhiều.
Trẻ được phẫu thuật cắt lọc phần dập nát, khâu lại sụn ống tai ngoài và sụn vành tai, nối lại tĩnh mạch tai bằng kỹ thuật vi phẫu. Sau mổ hình thể tai đạt yêu cầu, vành tai hồng ấm, màu sắc bình thường, không tím. Các vị trí vết thương khác được bơm rửa nhiều lần, cắt lọc và khâu da thừa.
Khi trẻ không may bị chó, mèo cắn, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu, xử trí vết thương. Đồng thời trẻ phải tiêm huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt nhằm ngăn chặn bệnh bùng phát và tử vong.
Như Loan