Thăm khám, tư vấn dinh dưỡng cho trẻ tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang. Ảnh: BVCC.
Tại Việt Nam, những số liệu thống kê mới nhất cho thấy, khoảng 10 trẻ có 2 trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi. Thống kê của UNICEF cũng cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng 1,8 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi, trong đó tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa cao gấp 2 lần tỷ lệ trẻ em ở miền đồng bằng.
TS.BS Phan Hữu Phúc - Tổng Thư ký Hội Nhi khoa Việt Nam, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin, theo điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia đến năm 2020, lần lượt có 19,6% và 14,8% trẻ em độ tuổi dưới 5 và từ 5 - 19 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi. Cùng đó, tốc độ giảm suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi hằng năm đang chậm lại, ở mức dưới 1%/năm kể từ năm 2015.
Theo BS Ngô Thị Hà Phương - Viện Dinh dưỡng quốc gia, trẻ mắc suy dinh dưỡng thể thấp còi có thể do một hoặc do đồng thời nhiều nguyên nhân như không được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, trẻ không bú đủ sữa mẹ, trẻ bị cho ăn dặm quá sớm trước 6 tháng tuổi, trẻ không nhận được đầy đủ dưỡng chất do một nguyên nhân nào đó, ví dụ như thức ăn không hợp khẩu vị, trẻ không ăn đa dạng các loại thực phẩm khác nhau, chán ăn, biếng ăn…
“Hầu hết các trường hợp suy dinh dưỡng thể thấp còi xảy ra trước khi trẻ 3 tuổi là hậu quả của việc không nhận đủ thức ăn và chất lượng thức ăn không đảm bảo. Thiếu ăn, đói nghèo, bệnh tật là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây ra suy dinh dưỡng thể thấp còi. Để có hiệu quả tốt nhất, các can thiệp phòng chống suy dinh dưỡng thể thấp còi cần được tiến hành sớm, tốt nhất là trong giai đoạn “cửa sổ cơ hội”: đó là 1.000 ngày vàng từ khi trong bào thai cho đến khi trẻ được 2 tuổi. Trẻ em có khả năng đạt được chiều cao tối đa theo tiềm năng nếu được nuôi dưỡng trong môi trường lành mạnh, hưởng các dịch vụ về y tế, dinh dưỡng và chăm sóc đúng cách” – BS Phương cho hay.
Theo các chuyên gia, biểu hiện của trẻ suy dinh dưỡng thường bao gồm cân nặng của trẻ không tăng trưởng như mức dự kiến hoặc thậm chí còn tụt giảm từ 5-10% (hoặc hơn) so với trọng lượng cơ thể trẻ trong vòng 3 - 6 tháng.
Để xác định được trẻ bị thấp còi hay không, cha mẹ có thể đo chiều dài khi nằm hoặc chiều cao khi đứng của trẻ, sau đó sử dụng bảng tăng trưởng chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dành cho trẻ dưới 5 tuổi để xác định tình trạng dinh dưỡng và mức độ suy dinh dưỡng của trẻ (nếu có). Đo chiều dài nằm được áp dụng với trẻ dưới 24 tháng tuổi và đo chiều cao khi đứng được áp dụng với trẻ từ 24 tháng tuổi trở lên, kết quả đo sẽ được so sánh với chuẩn tăng trưởng của WHO. Trẻ em thấp còi khi chiều cao của trẻ thấp hơn so với tiêu chuẩn chiều cao của trẻ cùng tuổi, cùng giới. Đối với trẻ dưới 2 tuổi, trẻ cần được cân đo định kỳ mỗi tháng để kịp thời phát hiện sớm tình trạng chậm tăng trưởng của trẻ, cụ thể hơn: trẻ dưới 1 tuổi nên cân đo mỗi tháng 1 lần, trẻ từ 1 tuổi trở lên có thể cân đó mỗi 2 - 3 tháng 1 lần. Đối với trẻ từ 2 - 5 tuổi có thể được cân đo mỗi 6 tháng 1 lần. Nếu phát hiện trẻ thấp còi suy dinh dưỡng, cha mẹ cần cân đo trẻ mỗi 1 tháng/1 lần để theo dõi sát.
Thường trẻ bị thấp còi nhất trong độ tuổi từ 6 - 24 tháng tuổi, đây là thời kỳ trẻ có nhu cầu dinh dưỡng cao và đang tập thích ứng với môi trường, bên cạnh đó trẻ cũng rất nhạy cảm với bệnh tật, đặc biệt là những trẻ không được bú sữa mẹ, trẻ sinh nhẹ cân hoặc mẹ sinh đa thai. Những em bé của các gia đình đông con, điều kiện chăm sóc và vệ sinh kém hoặc trẻ đang mắc các bệnh nhiễm khuẩn (sởi, tiêu chảy, viêm đường hô hấp) cũng dễ dẫn đến trẻ bị thấp còi.
BS Ngô Thị Hà Phương nhấn mạnh, chế độ dinh dưỡng lành mạnh theo vòng đời là điều cần thiết cho sự phát triển và chiều cao của con người. Di truyền là một yếu tố chính trong chiều cao tổng thể, nhưng dinh dưỡng là chìa khóa để có xương và cơ khỏe mạnh sẽ giúp đạt được chiều cao tối ưu, phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ nhỏ.
Theo các chuyên gia, hiện nay một trong những điểm mới về giải quyết suy dinh dưỡng ở trẻ hiện nay là tập trung sàng lọc những nhóm trẻ điều trị trong bệnh viện cả ngoại trú lẫn nội trú. Bên cạnh đó, tập trung đánh giá nhóm trẻ suy dinh dưỡng mãn tính; phát hiện và can thiệp sớm các nguy cơ của suy dưỡng cấp tính, mãn tính và thấp còi ở trẻ em.
So với các nước trên thế giới và khu vực, chiều cao của người trưởng thành Việt Nam thuộc nhóm 30% thấp nhất, trung bình nam chưa được 1,7m, còn nữ chưa đạt 1,6m. Theo Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam Trần Minh Điển, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi rất cao, không tích cực khó đạt mục tiêu đặt ra là giảm từ 18,2% năm 2023 xuống dưới 15% vào 2030.
Đức Trân