Bệnh viện Nhi Hà Nội cho biết, đã tiếp nhận trường hợp bé trai 8 tuổi bị chó cắn phải nhập viện trong tình trạng đa vết thương phần mềm, bao gồm vết thương ở tai phải, da đầu, cánh tay phải và nhiều vị trí khác trên cơ thể.
Các bác sĩ cho biết, bệnh nhi suýt mất vành tai phải do tổn thương nghiêm trọng, nhưng nhờ sự can thiệp kịp thời của các bác sĩ, tai của bé đã được bảo tồn. Khi nhập viện, bệnh nhi được chẩn đoán có tổn thương nghiêm trọng ở tai phải, với vết đứt rời gần hoàn toàn vành tai, đứt rời sụn ống tai ngoài, sụn vành tai, và một phần cầu da 2,5cm tại dái tai. Ngoài ra, bé còn bị nhiều vết thương sâu do răng chó cắn tại da đầu, cánh tay phải và các vị trí khác trên cơ thể. Vết rách dài nhất lên tới 5 cm.
Theo lời kể của gia đình, khi đang chơi tại nhà bà nội, bé bị chó nhà nuôi cắn. Ngay lập tức, gia đình đưa trẻ đến Bệnh viện Chương Mỹ, nơi được sơ cứu ban đầu, cầm máu tạm thời và nhanh chóng chuyển bệnh nhi đến Bệnh viện Nhi Hà Nội để tiếp tục điều trị.
Trước đó, Khoa Chấn thương chỉnh hình và Thần kinh cột sống (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) tiếp nhận bé trai B.A. (10 tuổi, ở Hà Nội) nhập viện với nhiều vết thương trên cơ thể, bao gồm vùng thái dương, đùi, tay và chân. Các vết thương có dấu răng rõ rệt, nghiêm trọng do bị chó cắn.
Ngay sau khi thăm khám, các bác sĩ đã tiến hành khâu 9 mũi ở các vết thương hở to và chăm sóc các vết thương còn lại. Bệnh nhân được theo dõi chặt chẽ trong 5 - 7 ngày để kiểm tra dấu hiệu nhiễm trùng (sưng, nóng, đỏ, đau, chảy mủ).
Gần đây, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk ghi nhận ca tử vong do bệnh dại đầu tiên năm 2025 trên địa bàn. Nạn nhân là bé Y.N.H. (11 tuổi, xã Băng A Drênh, huyện Krông Ana), khởi phát ngày 1/1 với triệu chứng sợ nước, sợ gió, nôn ói, mệt mỏi, được chẩn đoán dại giai đoạn toàn phát. Dù được điều trị tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên, bé tử vong tại nhà vào ngày 5/1 sau khi gia đình xin về.
Trường hợp đau lòng này nối tiếp chuỗi sự việc nghiêm trọng liên quan đến bệnh dại trên cả nước. Tháng 12/2024, Nghệ An ghi nhận một bé trai tử vong sau hai tháng bị chó nghi dại cắn nhưng không tiêm phòng. Tại Yên Bái cùng thời điểm, 12 người bị phơi nhiễm dại do chó chạy rông cắn. Tỉnh Quảng Nam cũng công bố dịch dại trên động vật với nhiều mẫu dương tính và nhiều trường hợp bị động vật nghi dại tấn công.
Theo thống kê, bệnh dại đang có xu hướng gia tăng ở Việt Nam. Năm 2023, cả nước ghi nhận 82 ca tử vong và 675.000 người phải điều trị dự phòng. Năm 2024, con số tử vong tăng lên 84 ca tại 32 tỉnh, thành.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có khoảng 59.000 người tử vong do bệnh dại, trong đó hơn 90% các ca tử vong là do bị chó cắn. Tại Việt Nam, số ca mắc bệnh dại có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây, và trẻ em là nhóm dễ bị tổn thương nhất.
Bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được. Để chủ động phòng chống bệnh dại đối với trẻ em, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp bao gồm: Tiêm vaccine phòng dại bắt buộc cho chó, mèo; không thả rông chó, mèo; Chó ra đường phải được đeo rọ mõm và có người dẫn; dạy trẻ không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo; để mắt đến trẻ khi đi ra ngoài.
Dương Toàn