Cấp cứu vì nổi ban, đau bụng...
Hiện Khoa Nhi, Trung tâm Y tế khu vực Cẩm Khê - Phú Thọ đang điều trị cho 11 trẻ mắc ban nhiễm khuẩn, trước đó 5 trường hợp đã được điều trị khỏi và xuất viện, nâng tổng số ca ghi nhận lên 16 trường hợp.
Một trường hợp điển hình là bệnh nhi nữ, 8 tuổi, trú tại xã Hùng Việt, tỉnh Phú Thọ, được đưa vào Trung tâm Y tế lúc nửa đêm ngày 3/7/2025 trong tình trạng đau bụng từng cơn quanh rốn, toàn thân nổi dày các ban sẩn đỏ, ngứa nhiều. Trẻ sốt nhẹ, không nôn, không tiêu chảy.
Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, bệnh nhi được chẩn đoán mắc ban nhiễm khuẩn. Các bác sĩ đã tiến hành điều trị bằng truyền dịch, kháng sinh, thuốc kháng histamin và theo dõi sát tình trạng. Hiện tại, tình trạng ban sẩn đã giảm rõ rệt, trẻ ăn ngủ tốt hơn, đáp ứng điều trị nhờ được phát hiện và xử lý kịp thời.
Theo BSCKI Nguyễn Văn Huynh - Phó trưởng Khoa Nhi, ban nhiễm khuẩn là bệnh lý ngoài da do vi khuẩn gây ra, bệnh thường không nguy hiểm đến tính mạng nhưng các ban sẩn trên da gây ngứa ngáy, khó chịu, toàn thân có thể sốt nhẹ khiến trẻ ăn kém, ngủ kém, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tinh thần.
Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể gây bội nhiễm, lở loét da và biến chứng nặng.
Lây lan nhanh qua dịch hô hấp, nước bọt
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM cho biết, ban đỏ nhiễm khuẩn là bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ, có khả năng lây lan nhanh qua tiếp xúc với các dịch hô hấp hay nước bọt. Bệnh tuy lành tính, nhưng có thể gây ảnh hưởng đến hệ miễn dịch cũng như sức khỏe của trẻ.
Ban đỏ nhiễm khuẩn (erythema infectiosum) là tình trạng phát ban ngoài da ở trẻ em và người lớn do Parvovirus B19. Bệnh thường lây qua đường hô hấp là chính, cũng như tiếp xúc với người bệnh khi hắt hơi, sổ mũi hoặc tay chạm tay sau đó lại đưa lên đường hô hấp.
Ngoài ra, virus còn có thể lây truyền qua các đường khác như: qua không khí, lây từ mẹ sang con, hay qua đường máu,…
Bệnh hay gặp vào mùa xuân, mùa hè ở các vùng có khí hậu nóng và có khả năng lây lan nhanh, dễ bùng phát thành dịch ở trường học, trong gia đình. Bố mẹ có thể dễ bị nhầm lẫn với những bệnh lý khác như ban xuất huyết hay các vết do côn trùng cắn.
Ban đỏ nhiễm khuẩn là một bệnh truyền nhiễm dạng nhẹ, gây nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, thường gặp nhất ở trẻ em trong độ tuổi từ 5-14 tuổi. Tuy nhiên, thỉnh thoảng bệnh cũng xuất hiện ở người trưởng thành, và có thể gây nguy hiểm đặc biệt cho phụ nữ có thai.
Thời gian ủ bệnh khoảng 6-18 ngày, virus vào máu sau 5-10 ngày, có thể tồn tại lâu trong máu, tủy xương, da… dưới dạng genome. Bệnh chỉ có khả năng lây nhiễm trong giai đoạn đầu, khi người bệnh đã nổi ban đỏ thì khả năng lây nhiễm hầu như không còn nữa. Vì thế, cần hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người bệnh trong giai đoạn đầu của bệnh.
Theo nghiên cứu, tỷ lệ huyết thanh dương tính với Parvovirus B19 là 15% ở trẻ từ 0-5 tuổi, 50% ở người 5-20 tuổi, và 85% ở người già. Tỷ lệ nhiễm trùng không có triệu chứng gặp trong 25-50% số trường hợp.
Giống như các bệnh phát ban do virus khác, ban đỏ nhiễm khuẩn thường có biểu hiện ban đầu không đặc hiệu như sốt nhẹ, đau đầu, mệt mỏi, ho,… (như cúm). Sau đó vài ngày xuất hiện phát ban đỏ. Có hai dấu hiệu phát ban nổi bật: Hai má đỏ và ban đỏ dạng lưới ở tay chân, thân mình.
Cụ thể, ban đỏ xuất hiện sau sốt vài ngày, ban đầu ở má, thương tổn đỏ da, tương phản với một vùng tái nhợt xung quanh miệng, cảm giác hơi nóng, rát như ai đó đánh vào hai má, sau đó đến các chi và thân mình dưới dạng ban hồng hoặc dạng lưới và kéo dài trong khoảng 2 – 4 ngày.
Tình trạng ban nghiêm trọng hơn khi tiếp xúc với nước nóng, nước lạnh quá hay tiếp xúc trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời. Ban có thể tự mất đi sau vài ngày, đôi khi có những trường hợp bệnh nhân bị xuất hiện ban đỏ kéo dài đến vài tuần.
Một số biến chứng kèm theo như hạch vùng sưng to, viêm họng. Trường hợp nặng, các nốt ban có thể gây đau.
Đặc biệt, ban đỏ nhiễm khuẩn có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho trẻ em và người lớn như: Đau khớp, viêm đa khớp, viêm não, viêm gan, viêm cơ, bệnh tim,… Parvovirus B19 không gây dị tật thai nhi nhưng gây thai lưu với tỷ lệ khoảng 9%.
Khuyến cáo dành cho phụ huynh
Khi trẻ có biểu hiện bất thường trên da như nổi ban, ngứa, đau bụng… cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị đúng cách.
Tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị tại nhà khi chưa có chỉ định từ bác sĩ, đặc biệt là thuốc kháng sinh và thuốc bôi da.
Tạo môi trường sống an toàn, sạch sẽ và đảm bảo chăm sóc y tế đúng hướng là điều kiện cần thiết để trẻ phát triển khỏe mạnh.
Thúy Nga