Bất chấp những tiến bộ đáng kể, thế giới vẫn ghi nhận khoảng 150 triệu trẻ em không được đăng ký khai sinh, khiến các em trở thành “vô hình”. Đây là thông tin được Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đưa ra trong một báo cáo cập nhật mới được công bố.
Djafar và Souleymane từng là học sinh của Trường Tiểu học Dan Zambadi tại thị trấn Madarounfa, miền Nam Niger. Mặc dù có thành tích học tập tốt nhưng hai cậu bé cùng 13 tuổi suýt chút nữa không được thi tốt nghiệp để chuyển tiếp lên THCS chỉ vì thiếu giấy khai sinh. Theo trang mạng Reliefweb, sau khi chào đời, Djafar và Souleymane không được bố mẹ đăng ký khai sinh trong khoảng thời hạn bắt buộc theo quy định.
Reliefweb cho biết việc đăng ký khai sinh là một thách thức tại Niger. Nhiều người dân tại quốc gia Tây Phi vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng cũng như thủ tục đăng ký khai sinh. Cùng với đó, nhiều trẻ em Niger bị thất lạc giấy tờ trong quá trình cùng gia đình chạy nạn do xung đột.
Ngoài ra, bất ổn an ninh khiến không ít nhân viên hộ tịch tại Niger trở thành các mục tiêu bị tấn công. Cũng không thể bỏ qua thực trạng các nhân viên hộ tịch này “không phải lúc nào cũng nắm bắt được” các quy định và điều luật có liên quan.
Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai. Ảnh minh họa/Getty
Tại Niger, trong vòng 60 ngày kể từ khi đứa trẻ chào đời, bố mẹ được phép đăng ký khai sinh cho con mà không phải mất phí. Sau thời hạn trên là một quy trình mất nhiều thời gian và tốn kém. Khoản phí 16USD được xem là nằm ngoài khả năng chi trả của hầu hết người dân Niger đang ở trong “những tình huống dễ bị tổn thương”.
Với trường hợp Djafar và Souleymane, nhờ sự hỗ trợ của các nhân viên Hội đồng người tị nạn Na Uy (NRC)-một tổ chức nhân đạo của Na Uy, hai em cuối cùng đã được đăng ký và cấp giấy khai sinh để không gián đoạn học tập.
Câu chuyện của Djafar và Souleymane không phải là cá biệt. Trong báo cáo cập nhật năm 2024 mang tiêu đề “Sự khởi đầu đúng đắn trong cuộc sống: Mức độ và xu hướng toàn cầu về đăng ký khai sinh”, UNICEF cho biết, hiện có 77% trẻ em dưới 5 tuổi (tương đương hơn 500 triệu trẻ em trong độ tuổi này) trên thế giới đã được đăng ký khai sinh, tăng 2% so với năm 2019.
UNICEF ghi nhận tiến bộ đáng kể ở khu vực Mỹ Latin và Caribe với tỷ lệ trẻ em được đăng ký khai sinh là 95%. Tiếp theo là khu vực Đông Á và Đông Nam Á với tỷ lệ 94%, trong khi khu vực Trung Á và Nam Á là 78%. Các khu vực Tây Phi, Đông Phi và Trung Phi tụt lại đáng kể với tỷ lệ lần lượt là 63%, 41% và 41%.
Điều đáng nói là, theo UNICEF, còn tới 23% trẻ em dưới 5 tuổi (tương đương 150 triệu trẻ em trong độ tuổi này) vẫn chưa được đăng ký khai sinh.
Ngoài ra, 50 triệu trẻ em khác dù đã được đăng ký nhưng lại không có giấy khai sinh, trong khi đây là loại giấy tờ thiết yếu bảo đảm xác định quốc tịch cũng như các quyền lợi của trẻ ngay từ khi sinh ra.
UNICEF khẳng định nhiều gia đình trên thế giới tiếp tục đối mặt với các rào cản đăng ký khai sinh cho con mình do bất ổn chính trị, khoảng cách địa lý, không nắm được quy trình đăng ký khai sinh hay mức phí đăng ký vượt quá khả năng chi trả. Bên cạnh đó, sự phân biệt đối xử dựa trên giới tính, dân tộc và tôn giáo cũng khiến nhiều trẻ em ở một số khu vực không được đăng ký khai sinh.
“Việc đăng ký khai sinh bảo đảm trẻ em được pháp luật công nhận ngay lập tức, tạo nền tảng bảo vệ các em trước nguy cơ bị lạm dụng và bóc lột, đồng thời là cơ sở để giúp các em tiếp cận những dịch vụ thiết yếu như vaccine, chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Quá nhiều trẻ em vẫn còn “vô hình” trong mắt chính quyền hoặc luật pháp. Mọi trẻ em đều có quyền được đăng ký và cấp giấy khai sinh để được công nhận, được bảo vệ và được hỗ trợ”, bà Catherine Russell, Giám đốc điều hành UNICEF nêu rõ.
Theo qdnd.vn