Nhiều trẻ nhập viện vì tai nạn do pháo nổ

Nhiều trẻ nhập viện vì tai nạn do pháo nổ
3 giờ trướcBài gốc
Chiều 18.12, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Ngà - Phó khoa Bỏng - Chỉnh trực, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho hay, trong vòng 2 tuần qua, đơn vị này đã tiếp nhận đến 3 bệnh nhi bị tai nạn nghiêm trọng do pháo tự chế.
Một bệnh nhi bị bỏng và thương tích nặng do pháo tự chế - Ảnh: BVCC
Cụ thể, bé trai Đ.S.R (12 tuổi, ngụ ở Bình Phước) bị bỏng trực tiếp ở bàn tay do chơi pháo. Theo người nhà, do thích khám phá, R. đã lấy bột của hột quẹt diêm cho vào vòi của ruột xe để đập gây nổ. Vụ nổ khiến bàn tay trái của em bị thương, chảy máu nhiều. Các bác sĩ phải tiến hành phẫu thuật ngay để cứu lấy bàn tay.
“Trong quá trình phẫu thuật, chúng tôi ghi nhận vết thương dập nát mô ngón cái, nhiều vết thương nham nhở ngón 1, 2, 3 và gãy hở xương ngón 2 tay trái”, bác sĩ Ngà thông tin.
Riêng 2 bé trai còn lại bị bỏng nặng vùng đầu, mặt và chân. Cả 2 bé này đặt mua pháo trên mạng, trong quá trình vận chuyển về nhà sử dụng thì pháo tự phát nổ trên tay.
“Hiện cả 2 bệnh nhi trên bị bỏng rất nặng, trong đó 1 bé bị bỏng khoảng 40% và 1 bé bỏng khoảng 50%”, bác sĩ Ngà cho biết.
Theo bác sĩ Ngà, bỏng do hỏa khí thường vết thương rất nặng, trong đó nặng nhất là vùng tiếp xúc trực tiếp với pháo. Nếu tổn thương trên bàn tay thì mất ít nhiều, hoặc tổn thương hoàn toàn bàn tay. Khi pháo nổ thường văng gây thương tích nặng ở vùng bụng, ngực, mắt và trên đầu.
“Bỏng do hỏa khí là một dạng bỏng do nhiệt và hóa chất. Cơ chế bỏng hỏa khí thường dẫn đến chấn thương, té ngã do những dị vật, mảnh pháo găm lên người. Do vậy, bỏng do hỏa khí cần phải sơ cứu ban đầu trước khi đưa đến cơ sở y tế”, bác sĩ Ngà cho biết thêm.
Trước đó, Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng tiếp nhận 1 bệnh nhi bị bỏng nặng do pháo. Bệnh nhi này là em H.K.B (ngụ tại Lâm Đồng). Trong lúc anh trai của bạn chế tạo pháo, B. và bạn chơi pháo. Khi pháo chuẩn bị phát nổ, B. không kịp chạy nên bị bỏng.
Theo bác sĩ Ngà, hằng năm bệnh viện thường xuyên tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhi liên quan đến pháo nổ, nhất là trong các dịp lễ, Tết.
“Để phòng tránh tai nạn do pháo, gia đình và nhà trường cần thường xuyên nhắc nhở trẻ tuyệt đối không được sử dụng các vật gây nổ, trộn các hóa chất để chế tạo pháo. Đồng thời, giáo dục cho trẻ hiểu các mức độ nguy hiểm do pháo gây ra như gây cháy nổ, thương tích, tàn tật, thậm chí gây tử vong.
Hiện trong môn hóa học, nhà trường có dạy về thuốc, nên đưa thêm giáo dục học sinh về những nguy hiểm của pháo và có những biện pháp phòng ngừa. Chúng ta hãy cùng nhau nâng cao ý thức về hiểm họa của pháo nổ, nhất là trong thời gian gần Tết xuất hiện những video hướng dẫn làm pháo tự chế trên mạng”, bác sĩ Ngà khuyến cáo.
Hồ Quang
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/nhieu-tre-nhap-vien-vi-tai-nan-do-phao-no-227261.html