Nhiều trường 1 giáo viên đăng ký viết đến 3-4 sáng kiến kinh nghiệm

Nhiều trường 1 giáo viên đăng ký viết đến 3-4 sáng kiến kinh nghiệm
5 giờ trướcBài gốc
Từ năm học 2023-2024, khi Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 có hiệu lực và theo hướng dẫn tại Điều 23 Luật Thi đua, khen thưởng quy định: “Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” để tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau đây:
1. Đạt tiêu chuẩn danh hiệu “Lao động tiên tiến” hoặc “Chiến sĩ tiên tiến”;
2. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc có sáng kiến được cơ sở công nhận hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu được đơn vị công nhận.”
Vì thế, số lượng sáng kiến kinh nghiệm ở các trường học đã tăng lên đáng kể. Nhiều cán bộ, giáo viên, nhân viên ở các trường học không chỉ viết 1 sáng kiến mà một số giáo viên đăng ký và viết nhiều đề tài khác nhau. Việc viết sáng kiến kinh nghiệm hiện nay khá đơn giản bởi nhiều người nhờ vào ChatGPT.
Việc viết sáng kiến kinh nghiệm hiện nay khá dễ dàng, ảnh chụp từ màn hình
ChatGPT giúp giáo viên thực hiện một sáng kiến kinh nghiệm khá đơn giản
Một nữ giáo viên cấp trung học cơ sở tại một tỉnh phía Nam chia sẻ rằng, trước đây, trường chúng tôi cũng có rất nhiều giáo viên viết sáng kiến kinh nghiệm nhưng đa phần mỗi người chỉ chọn 1 đề tài vì việc viết lách không đơn thuần chỉ là chia sẻ kinh nghiệm mà còn đòi hỏi nhiều kĩ năng khác nữa khi thực hiện.
Tuy nhiên, từ năm học 2023-2024 thì số lượng giáo viên đăng ký và thực hiện hơn 1 đề tài xuất hiện vì nhiều người hy vọng rớt cái này sẽ có cái kia để xét danh hiệu thi đua hoặc minh chứng cho các hình thức khen thưởng cho các loại Bằng khen.
Đặc biệt, năm học 2024-2025 này, một số giáo viên không chỉ viết 2 sáng kiến kinh nghiệm mà có những giáo viên đăng ký viết đến 3-4 sáng kiến kinh nghiệm. Trong số này, có cả lãnh đạo nhà trường cũng hăng say viết sáng kiến kinh nghiệm.
Lúc đầu, tôi băn khoăn tự hỏi sao mà một số đồng nghiệp của mình giỏi thế vì trong một thời gian từ khi phát động đến khi nộp cho nhà trường chỉ 2 tuần mà có nhiều giáo viên viết đến 3-4 sáng kiến kinh nghiệm.
Khoảng thời gian đó họ đâu chỉ tập trung cho viết sáng kiến kinh nghiệm mà giáo viên còn phải giảng dạy theo định mức phân công và tham gia các hoạt động của nhà trường, của ngành nữa.
Nhưng, sau đó một giáo viên đã chia sẻ rằng tất cả là nhờ vào ChatGPT chứ giáo viên môn tự nhiên như tôi lấy đâu ra chữ nghĩa mà nhiều thế. Chỉ cần có tên đề tài và các đề mục theo sườn của cấp trên gửi về thì ngồi một hồi là hoàn thành 1 sáng kiến kinh nghiệm…hoàn toàn mới.
Người này truyền tai người kia và nhiều cán bộ, giáo viên, nhân viên dễ dàng thực hiện một sáng kiến kinh nghiệm và người chấm cũng rất khó để “truy lùng dấu vết” như việc sao chép sáng kiến có sẵn trên mạng internet trước đây.
Không chỉ viết cho bản thân mình mà một số giáo viên còn đứng ra “viết giúp” nhiều đồng nghiệp trong trường hoặc trường khác để nhận “tiền cà phê”.
Chính vì vậy, năm học này, số lượng sáng kiến kinh nghiệm ở nhiều trường học tăng lên rất nhiều so với những năm trước đây. “Viết” sáng kiến kinh nghiệm bây giờ đơn giản và viết để có thành tích (nếu đạt giải) để xét thi đua nên nhiều viên chức thi nhau viết.
Khi có danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, nhiều cán bộ, giáo viên, nhân viên lại hướng đến Bằng khen các cấp. Tất nhiên, quyền lợi đi kèm phía sau các danh hiệu này rất nhiều và những “thành tích” này là cơ sở để nhiều viên chức xét nâng lương trước thời hạn.
Những sáng kiến kinh nghiệm đạt giải sẽ đi về đâu?
Nơi người viết đang công tác- thành phố nhỏ ở một tỉnh phía Nam với hơn 10 phường, xã nhưng những năm học vừa qua, mỗi năm phòng giáo dục và đào tạo nhận hàng ngàn sáng kiến kinh nghiệm từ các trường trung học cơ sở; tiểu học; mầm non gửi lên.
Trong số những sáng kiến kinh nghiệm từ cơ sở gửi lên, mỗi năm Ủy ban nhân dân thành phố công nhận dao động khoảng 600-700 sáng kiến kinh nghiệm đạt giải. Và, đương nhiên những viên chức này đủ điều kiện để đề nghị xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở trở lên.
Nhưng rồi, những sáng kiến kinh nghiệm đạt giải đó sẽ đi đâu, về đâu và áp dụng như thế nào không có cơ quan, cá nhân nào kiểm chứng. Phần nhiều những nội dung, giải pháp trong các sáng kiến chỉ dừng lại ở lý thuyết suông.
Công bố giải xong, cuối năm các trường xét thi đua cho viên chức và đây mới là cái đích đến cuối cùng của sáng kiến kinh nghiệm.
Cấp chấm, công nhận giải xong thì họ làm gì với hàng trăm đề tài đạt giải cũng không ai biết. Những sáng kiến kinh nghiệm đạt giải cũng không được đóng gói theo file để gửi về các đơn vị áp dụng, học hỏi.
Kinh phí cho hội đồng chấm sáng kiến kinh nghiệm; kinh phí khen thưởng giáo viên đạt giải (có nơi không thưởng); kinh phí khen các danh hiệu; kinh phí tăng lương trước thời hạn cho những viên chức đạt thành tích…cũng tốn khá nhiều. Một trong những những nguyên nhân để nhiều giáo viên có danh hiệu, thành tích là nhờ vào sáng kiến kinh nghiệm.
Đã đến lúc các cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành giáo dục cần kiểm chứng xem hiệu quả của những sáng kiến kinh nghiệm đạt giải. Cần thiết, thanh, kiểm tra những sáng kiến kinh nghiệm đó đang được chấm như thế nào để đưa việc phát động, thực hiện sáng kiến kinh nghiệm trở vào quy củ và mang lại hiệu quả thiết thực.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
LÊ VĂN MINH
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/nhieu-truong-1-giao-vien-dang-ky-viet-den-3-4-sang-kien-kinh-nghiem-post248742.gd