So với năm 2024, phương án tuyển sinh của nhiều trường có sự điều chỉnh về phương thức tuyển sinh, tỷ lệ chỉ tiêu cho từng phương thức, bổ sung thêm một số tổ hợp xét tuyển mới phù hợp với chương trình trung học phổ thông mới.
(Ảnh minh họa)
Thời điểm này đã có khoảng 70 cơ sở giáo dục đại học trên cả nước công bố phương án tuyển sinh năm 2025 trên cổng thông tin điện tử của trường, trong đó có nhiều trường top đầu ở khu vực phía Bắc như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Ngoại thương… cũng đã công bố phương án tuyển sinh.
So với năm 2024, hầu hết các trường đều giữ nguyên các phương thức tuyển sinh, chỉ có một số ít trường điều chỉnh theo hướng bổ sung điều kiện xét tuyển đối với phương thức xét từ kết quả học tập bậc trung học phổ thông.
Ông Trần Bá Trình, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, nhà trường bỏ phương thức xét tuyển bằng kết quả học tập trung học phổ thông và tập trung chỉ tiêu cho 3 phương thức tuyển sinh hiệu quả hơn.
"Phương thức tuyển sinh thứ nhất là sử dụng điểm thi THPT và dự kiến sẽ chiếm bình quân 40% tổng chỉ tiêu của nhà trường. Phương thức hai là xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển những thí sinh có năng lực vượt trội, cụ thể là những thí sinh thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, thí sinh trường chuyên, những thí sinh có chứng chỉ tin học và ngoại ngữ quốc tế. Phương thức ba là sử dụng điểm thi đánh giá năng lực của kỳ thi SPT do nhà trường tổ chức", ông Trình thông tin.
Cùng với điều chỉnh về phương thức tuyển sinh, hầu hết các trường đại học đều điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh cho từng phương thức, trong đó giảm dần chỉ tiêu đối với hình thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, tăng chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả của các kỳ thi riêng. Một số trường cũng bổ sung tổ hợp xét tuyển mới đối với phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Theo ông Vũ Duy Hải, Trưởng Ban tuyển sinh- Hướng nghiệp, Đại học Bách khoa Hà Nội, năm nay các học sinh sẽ thi tốt nghiệp theo chương trình giáo dục phổ thông mới nên nhà trường bổ sung một tổ hợp mới là K01, bao gồm 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và kết hợp với một trong bốn môn là Lý, Hóa, Sinh, Tin.
"Năm nay với số lượng cũng như quy mô của kỳ thi đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa tổ chức thì đang có số lượng thí sinh đăng ký dự thi khá đông. Vì vậy, nhà trường quyết định giữ nguyên tỷ lệ dành cho phương thức xét tuyển tài năng là 20%, đánh giá tư duy tăng từ 30% lên 40% và dùng điểm thi tốt nghiệp THPT đang từ 50% xuống 40%. Như vậy có sự điều chỉnh nhẹ", ông Hải cho hay.
Tuy vậy, do dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có điều chỉnh một số quy định liên quan đến xét tuyển sớm (gồm các phương thức xét tuyển không sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT), nên các cơ sở giáo dục đại học đều chưa thông báo về thời gian tổ chức các đợt xét tuyển sớm.
Minh Hường/VOV1