Hiện nhiều trường đại học đã bắt đầu có những công bố dự kiến về kế hoạch tuyển sinh đại học chính quy năm 2025 và định hướng những năm tiếp theo để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. Trong đó, điểm mới đáng chú ý là các trường sẽ tăng các phương thức xét tuyển riêng và giảm mạnh, thậm chí bỏ hẳn việc xét điểm kết quả học tập THPT (học bạ).
Phương thức xét tuyển đại học bằng kết quả học bạ trước đó đã được nhiều trường áp dụng, Tính đến tháng 5/2024, có 224 trường đại học xét học bạ tại Hà Nội và TP.HCM. Với hình thức này, theo đánh giá chung điểm đầu vào là khá cao, thậm chí nhiều khoa của các trường đại học thuộc hàng "top" lấy điểm gần như tuyệt đối: Ví dụ, ngành Marketing số (cơ sở Hà Nội); ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng và Truyền thông Marketing tích hợp (cơ sở TP.HCM) của Đại học Ngoại Thương lấy điểm tuyệt đối 30.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là kỳ thi cuối cùng theo chương trình giáo dục phổ thông 2006. Từ năm 2025, Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Năm học 2025, học sinh được lựa chọn và có điểm học bạ ở những tổ hợp khác nhau nên việc xét tuyển này không còn phù hợp. Thay vào đó Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt sẽ trở thành một trong những phương thức tuyển sinh chủ đạo tại một số trường.
Tại khu vực phía Nam, Trường đại học Sư phạm TP.HCM cho biết, từ năm 2025, trường sẽ duy trì 3 phương thức xét tuyển chính gồm: xét điểm thi tốt nghiệp THPT (40-50% chỉ tiêu); tổ chức và xét điểm thi đánh giá năng lực chuyên biệt (40-50% chỉ tiêu theo ngành); xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển (10-15% chỉ tiêu).
Trong đó, trường sẽ bỏ hình thức xét kết hợp với điểm học bạ và xét điểm thi đánh giá năng lực chuyên biệt do trường tổ chức. Thay vào đó, kỳ thi này sẽ sử dụng xét tuyển độc lập cho hơn 30 ngành học của trường.
Kỳ thi được tổ chức với 6 bài thi, gồm: Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn và tiếng Anh. Cấu trúc các bài thi được điều chỉnh để phù hợp theo chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018. Trong đó, phần nội dung kiến thức chiếm 70-80% là chương trình lớp 12, còn lại là chương trình lớp 10 và 11.
Để xét tuyển, thí sinh cần thi tối thiểu 2 môn theo tổ hợp do trường quy định ở từng ngành. Điểm xét tuyển gồm một môn chính nhân hệ số 2 cộng với điểm môn còn lại trong tổ hợp.
Tương tự, từ năm 2025, Đại học Quốc gia TP.HCM cũng xác định giảm còn 3 phương thức tuyển sinh đại học, gồm: xét tuyển thẳng, xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức, xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT. Đồng thời, nhà trường khuyến khích các đơn vị xây dựng phương thức xét tuyển kết hợp. Điều này đồng nghĩa với một số phương thức đánh giá kết quả điểm học bạ THPT của học sinh sẽ không còn được sử dụng.
Trường đại học Công thương TP.HCM cũng dự kiến tiếp tục dành 50-60% chỉ tiêu cho xét tuyển bằng điểm tốt nghiệp THPT năm 2025. Đáng chú ý, trường sẽ giảm chỉ tiêu cho xét điểm học bạ THPT lớp 10, 11 và học kỳ 1 của lớp 12 xuống còn 15-20%. Số chỉ tiêu còn lại sẽ dành cho xét tuyển thẳng, xét điểm đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM, xét tuyển điểm đánh giá năng lực chuyên biệt của Đại học Sư phạm TP.HCM.
Từ năm học 2025, nhiều trường đại học tại TP.HCM bỏ hoặc giảm sâu chỉ tiêu xét tuyển đại học bằng kết quả học bạ.
Trước đó một số trường đại học lớn ở khu vực phía Bắc cũng dự kiến không còn xét điểm học bạ như: Trường đại học Y Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường đại học Kinh tế Quốc dân…
Về lý do bỏ sử dụng điểm học bạ trong xét tuyển đại học từ năm 2025, theo các chuyên gia sử dụng điểm học bạ trong tuyển sinh theo đánh giá từ Bộ Giáo dục và Đào tạo là phương thức chưa bảo đảm chất lượng. Qua thống kê năm 2023, thí sinh trúng tuyển đại học bằng điểm học bạ có kết quả thi tốt nghiệp THPT cũng thấp hơn nhiều so với trúng tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.
Thêm một lý do, đó là sự lo ngại các trường có thể “làm đẹp” học bạ cho học sinh ở những năm THPT để chuẩn bị cho việc xét tuyển đại học tại các trường sử dụng phương thức này.
Hưng Anh