Ngày 30/12/2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Và chỉ còn khoảng một tuần nữa (14/2/2025), Thông tư chính thức có hiệu lực.
Điểm mới của Thông tư là tại khoản 1 Điều 5 quy định về dạy thêm trong nhà trường sẽ không được thu tiền của học sinh, chỉ dạy cho các học sinh có kết quả chưa đạt môn học cuối học kì liền kề, bồi dưỡng học sinh giỏi và ôn luyện học sinh cuối cấp (thi vào lớp 10, thi tốt nghiệp trung học phổ thông).
Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều trường trung học cơ sở trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã dừng ôn luyện cho học sinh trong trường, đặc biệt là với học sinh cuối cấp (lớp 9).
Về nội dung nêu trên, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận thông tin từ từ lãnh đạo một số hiệu trưởng trường trung học cơ sở tại các quận, huyện để tìm hiểu về việc thực hiện Thông tư 29. Theo đó, các nhà trường đều đang chờ văn bản chỉ đạo từ Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo...
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Đặng Thị Vân Anh (Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thịnh Quang, Đống Đa, Hà Nội) cho hay, đến nay, nhà trường vẫn đang chờ văn bản chỉ đạo việc thực hiện Thông tư 29, đồng thời nhà trường đã cho dừng hoạt động dạy thêm trong trường kể từ khi học sinh trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
"Đối với việc ôn luyện miễn phí cho học sinh cuối cấp, nhà trường không có kinh phí từ nhà nước cấp để chi trả cho giáo viên giảng dạy", cô Vân Anh chia sẻ.
Theo cô Vân Anh, khi nhà trường dừng việc dạy thêm trong nhà trường, phụ huynh có con học lớp cuối cấp tỏ ra băn khoăn khi họ phải tìm trung tâm, gia sư có chất lượng, bên cạnh đó là chi phí phải "vừa túi tiền" dựa trên kinh tế của gia đình. Tuy nhiên, việc học thêm ở ngoài trường có những nơi lấy chi phí gấp ba, bốn lần so với giảng dạy thêm trong nhà trường.
"Việc dạy thêm ở các trung tâm, không phải đơn vị nào cũng phân loại học sinh dựa trên học lực để giảng dạy. Đây cũng là điều phụ huynh, học sinh băn khoăn", cô Vân Anh nói.
Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thịnh Quang chia sẻ, điều khiến phụ huynh "chạy đua" cho con đang học lớp 9 ôn luyện là họ muốn con vào được lớp 10 trường công lập, vì nếu học trường tư thục, các khoản phí sẽ cao.
Trước câu hỏi của phóng viên, nếu nhà trường tổ chức bồi dưỡng cho học sinh ôn luyện miễn phí, liệu có đủ khả năng để hỗ trợ giáo viên hay không, cô Đặng Thị Vân Anh cho hay, nhà trường dự kiến sẽ chỉ ôn luyện miễn phí cho học sinh khối lớp 9 và dựa trên ngân sách của nhà trường, đơn vị có thể chi trả tối đa cho giáo viên khoảng 50 nghìn đồng/tiết.
"Tuy nhiên, nhà trường vẫn phải dùng ngân sách để chi cho các hoạt động khác trong nhà trường. Đơn cử, mỗi tháng đơn vị có ít nhất một hoạt động như chi kinh phí mời chuyên gia về an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy...", cô Vân Anh cho hay.
Hình ảnh minh họa. (Ảnh: Mạnh Đoàn)
Nữ hiệu trưởng cho hay, đến nay, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chưa công bố môn thi thứ ba vào lớp 10, nên nhà trường cũng chưa có kế hoạch ôn luyện cho học sinh lớp 9.
Trao đổi với phóng viên, cô Phạm Thị Ngọc Thúy (Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi A, Thường Tín) cho hay, nhà trường đang ôn luyện "cuốn chiếu" cho học sinh đến hết ngày 13/2/2025 (trước một ngày Thông tư 29 có hiệu lực), bởi ngay sau Tết nếu dừng ngay việc ôn luyện, học sinh sẽ cảm thấy hụt hẫng, chưa có sự chủ động trong việc ôn tập. Bên cạnh đó, giai đoạn học kỳ 1 cơ bản là củng cố kiến thức cơ bản cho các con, còn sang học kỳ 2 là giai đoạn ôn luyện.
"Nhà trường cố gắng làm sao để đến ngày 13/2, học sinh cuối cấp sẽ có tài liệu ôn tập giúp các em chủ động ôn luyện", cô Thúy chia sẻ.
Theo cô Thúy, chất lượng giảng dạy và kết quả thi vào lớp 10 của học sinh gắn với vai trò của giáo viên. Vì vậy, một số thầy cô có đề xuất sẽ ôn luyện miễn phí cho học sinh lớp 9. Tuy nhiên, với vai trò lãnh đạo nhà trường, cô Thúy chưa đồng tình với đề xuất này bởi có nhiều băn khoăn.
"Đến nay, chưa có sự chỉ đạo từ Phòng và Sở về việc thực hiện Thông tư 29. Bên cạnh đó nếu học sinh, giáo viên đến trường để giảng dạy, ôn luyện nếu không may bị va chạm giao thông, trách nhiệm sẽ thuộc về nhà trường. Vì vậy, nhà trường tạm thời dừng việc ôn luyện", Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi A nói.
Theo vị hiệu trưởng, Thông tư 29/2024 quy định một tuần giáo viên chỉ ôn luyện tối đa 2 tiết/môn học cho học sinh, trong khi đó trước đây nhà trường ôn luyện 3 tiết/môn/tuần. Về quy định mới này, sẽ thuận lợi với học sinh ở trường thuộc xã, còn với nhà trường là trường điểm của huyện, học sinh của đơn vị đến từ các xã trong huyện nên sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc phụ huynh đưa đón, ăn bán trú.
"Nhà trường có hơn 700 học sinh, trong đó có hơn 400 học sinh ăn bán trú. Trước đây, một tuần, học sinh học thêm 3 buổi/tuần vào buổi chiều và sẽ ăn bán trú tại trường. Giờ đây, khi không dạy thêm trong nhà trường, học sinh không ăn bán trú, phụ huynh phải xoay sở để đưa đón con.
Bên cạnh đó, tôi cũng có phần lo lắng khi đơn vị không tổ chức ăn bán trú, phụ huynh có thể cho con học trường ở xã, thì nhà trường có thể tuyển sinh gặp khó khăn", cô Thúy nói.
Về việc nếu tổ chức ôn luyện miễn phí cho học sinh cuối cấp, kinh phí nhà trường chi trả giáo viên sẽ được thực hiện ra sao, cô Thúy cho hay, về phía Phòng Giáo dục thông báo, Phòng Tài chính của huyện nói không có khoản ngân sách chi trả cho giáo viên ôn luyện miễn phí. Vì vậy, nhà trường sẽ phải tự cân đối ngân sách để chi trả cho giáo viên, có thể là 45-50 nghìn đồng/tiết nhằm động viên giáo viên trong một thời gian ngắn ôn luyện cho học sinh cuối cấp.
Tuy nhiên, vướng mắc là nếu nhà trường tự chi trả, khi cơ quan chức năng thanh tra thì nhà trường sẽ sai phạm.
"Vì vậy, phải có sự thống nhất trong việc chi trả cho giáo viên ôn luyện học sinh cuối cấp. Nếu không, trường thì trả 50 nghìn đồng/tiết, trường lại trả 40 nghìn đồng/tiết nhưng nhà trường lo lắng việc chi như vậy có vi phạm quy định về tài chính hay không", Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi A nói.
Đánh giá về nội dung tại Thông tư 29, cô Thúy nhận định, quy định về dạy thêm trong nhà trường và ngoài nhà trường là rất hợp lý. Bởi lẽ, giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường phải đảm bảo về các tiêu chuẩn như đạo đức nhà giáo, phẩm chất năng lực...
Đối với những người tham gia dạy thêm thì họ có nghĩa vụ đóng góp thuế cho nhà nước. Đồng thời, họ cũng cảm thấy được dạy một cách đàng hoàng, hợp pháp, được tôn trọng.
Thầy Hoàng Ngọc Thắng (Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Mai Lâm, Đông Anh) cho hay, đến nay nhà trường đang chờ hướng dẫn việc thực hiện Thông tư 29 từ Sở Giáo dục và Đào tạo, còn việc ôn luyện cho học sinh trong nhà trường cũng đang được dừng thực hiện.
"Nếu thực hiện ôn luyện miễn phí cho học sinh cuối cấp, có thể nhà trường sẽ kêu gọi thầy cô ôn luyện cho các em trên tinh thần trách nhiệm", thầy Thắng nói.
Theo thầy Thắng, việc nhà trường không tổ chức dạy thêm trong trường, học sinh sẽ phải đến trung tâm ôn luyện khá xa.
Mạnh Đoàn