Nhiều trường sư phạm 'nói không' với xét học bạ

Nhiều trường sư phạm 'nói không' với xét học bạ
một ngày trướcBài gốc
“Siết” phương thức xét học bạ
Kỳ tuyển sinh đại học năm nay diễn ra trong bối cảnh lần đầu tiên học sinh thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Vì vậy, phương án tuyển sinh của các trường đại học có nhiều điều chỉnh phù hợp. Trong đó, nhiều trường sư phạm top đầu bỏ xét tuyển học bạ.
Thí sinh dự thi đánh giá năng lực năm 2024 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NTCC
Ghi nhận tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, năm 2025, trường không còn xét học bạ mà duy trì 3 phương thức tuyển sinh, gồm: Xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển thẳng/ưu tiên và kỳ thi đánh giá năng lực SPT do trường tổ chức.
Như vậy, so với năm ngoái, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội bỏ 2 phương thức tuyển sinh, đó là xét bằng học bạ ở bậc THPT và xét tuyển kết hợp điểm học bạ với điểm thi năng khiếu do trường tổ chức.
Năm ngoái, điểm trúng tuyển theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học bạ THPT vào trường dao động từ 20,5 - 29,8 điểm.
Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh cũng dừng tuyển sinh với 2 phương thức này và áp dụng 4 phương thức tuyển sinh, gồm: Xét tuyển dựa trên kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT; Xét tuyển dựa trên điểm thi đánh giá năng lực do trường tổ chức; Ưu tiên xét tuyển học sinh chuyên; Xét tuyển thẳng (giải quốc gia, quốc tế).
Tương tự, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) thông báo không xét tuyển sớm theo phương thức xét học bạ và không tổ chức thi năng khiếu ngành Giáo dục mầm non trong năm nay.
Theo phương án tuyển sinh đại học năm 2025 của Trường Đại học Thủ đô, nhà trường có 5 phương thức tuyển sinh. Trong đó, ở phương thức xét kết quả học tập cấp THPT, nhà trường xét tuyển dựa vào kết quả học tập lớp 12 bậc THPT, không áp dụng đối với các ngành đào tạo giáo viên, trừ ngành Giáo dục thể chất. Đây là một trong những điểm mới trong phương án tuyển sinh năm nay của nhà trường.
Theo đại diện các trường đại học, việc bỏ xét tuyển học bạ nhằm đáp ứng đối với học sinh học theo chương trình mới trên quan điểm chung đảm bảo công bằng, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và đảm bảo nâng cao chất lượng đầu vào, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động hiện đại.
Thêm sức hút với ngành sư phạm
Những năm gần đây, ngành sư phạm có sức hút lớn. Nhìn lại mùa tuyển sinh 2024, theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), trong số 24 lĩnh vực với khoảng 400 ngành đào tạo, khối ngành khoa học GDĐT giáo viên có tỷ lệ nguyện vọng đăng ký xét tuyển tăng mạnh, tăng 85% so với năm 2023.
So sánh với các năm trước, điểm chuẩn ngành sư phạm năm 2024 của nhiều trường tăng cao, gần chạm ngưỡng 30 điểm (thang điểm 30). Nhiều ngành mới mở cũng có mức điểm chuẩn từ 9 điểm/môn mới trúng tuyển.
Sức hút của ngành sư phạm có tác động lớn từ chính sách hỗ trợ sinh hoạt phí, học phí thực hiện theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.
PGS.TS Nguyễn Văn Hiền, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, Nghị định 116 khi được ban hành có ý nghĩa lớn, thu hút được nhiều học sinh giỏi đăng ký học tập và cống hiến trong ngành sư phạm.
Tuy nhiên, quá trình triển khai Nghị định 116 đã phát sinh một số vướng mắc. Vì vậy, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2025/NĐ-CP (Nghị định 60) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116.
Bộ GDĐT cho biết, Nghị định số 60 được ban hành nhằm khắc phục các hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 116, đồng thời tiếp tục kế thừa các kết quả đã đạt được trong thực hiện chính sách hỗ trợ, thu hút sinh viên giỏi, tâm huyết vào học và làm việc, cống hiến cho ngành giáo dục.
Một trong những điều chỉnh của Nghị định 60 là quy định phương thức hỗ trợ kinh phí cho sinh viên sư phạm, trong đó Nhà nước thực hiện hỗ trợ sinh viên sư phạm bằng hình thức giao dự toán theo phân cấp ngân sách; trường hợp địa phương có nhu cầu nguồn giáo viên cần thực hiện theo hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng thì thực hiện giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên cho cơ sở đào tạo giáo viên trực thuộc hoặc đặt hàng đào tạo giáo viên với cơ sở đào tạo giáo viên.
Với quy định này, các cơ sở đào tạo sinh viên sư phạm và sinh viên sư phạm sẽ được cấp kinh phí kịp thời, đầy đủ hơn, góp phần tạo điều kiện cho sinh viên sư phạm yên tâm học tập, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hiền, dù Nghị định 60 và Nghị định 116 mang lại nhiều lợi ích, nhưng thực tế, để chính sách thực sự phát huy hiệu quả và bền vững, vẫn cần chú trọng một số khía cạnh quan trọng như cần có sự phân bổ hợp lý để đảm bảo tiến độ chi trả hỗ trợ cho sinh viên hay có những chính sách mạnh mẽ với cả đầu vào và đầu ra của quá trình đào tạo giáo viên.
Nguyễn Hoài
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/nhieu-truong-su-pham-noi-khong-voi-xet-hoc-ba-10304338.html