Luật Thủ đô 2024
Phối cảnh Nhà máy Điện rác Seraphin, Hà Nội. Ảnh: AMACCAO
Rác thải ngày càng nhiều
Ngày nay, đời sống của người dân càng tăng cao, nhu cầu tiêu dùng theo đó càng lớn; việc sử dụng đi đôi với việc phát thải trở thành thách thức về môi trường trong xã hội hiện nay, đặc biệt là các sản phẩm, bao bì từ nhựa, giấy, kim loại, thủy tinh, cao su (săm lốp ô tô, xe máy) sau tiêu dùng bị thải bỏ trở thành thành rác thải; trong đó nhiều loại sản phẩm, bao bì được sản xuất cho mục đích sử dụng một lần.
Theo số liệu rà soát, tổng hợp đến nay, TP Hà Nội ước tính hiện đang phát sinh khoảng 7.500 - 8.000 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày (khoảng 2,8 triệu tấn năm); trong đó tỷ lệ chất thải rắn có thể tái chế (nhựa, giấy, bìa cứng, thủy tinh và kim loại) chiếm khoảng 35,4% tổng lượng chất thải rắn thu gom; gồm: nhựa chiếm 17,2%, giấy và carton là 5,2% và 3,4%, thủy tinh chiếm 0,8%, kim loại chiếm 0,6%, các chất thải khác (gỗ, vải, da, gốm sứ, tã lót, chất trơ và cao su) chiếm khoảng 8,2%. Hiện, rác thải của Hà Nội đang được xử lý bằng công nghệ đốt thu hồi năng lượng đạt tỷ lệ >58%; còn lại được chôn lấp hợp vệ sinh.
Riêng đối với chất thải nhựa, Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, trong đó chỉ khoảng 15% được tái chế. Ở Hà Nội, chất thải nhựa phát sinh khoảng 1.427 tấn/ngày; trong đó hơn 60% là chất thải nhựa dùng một lần và túi nilong. Về tái chế, gần 20% khối lượng nhựa thu gom được tái chế chủ yếu bởi các khu vực phi chính thức (cơ sở tái chế nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, làng nghề khu vực quanh Hà Nội) và chủ yếu là các loại nhựa PET và HDPE; các loại nhựa LDPE và các loại khác gần như bị thải bỏ đến các bãi rác. Điều này đang gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của Nhân dân.
Việc thiếu cơ sở tái chế chất thải tập trung tại các khu vực chính thức đã và đang gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của Nhân dân do chất thải phát sinh không được xử lý đúng quy định và các hoạt động tái chế tại các khu vực phi chính thức có công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường.
Để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, một số biện pháp đã được đề cập như sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế cho sử dụng các sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu gốc, sản phẩm được sản xuất với mục đích sử dụng một lần hoặc sản phẩm khó phân hủy sinh học... Nhiều chuyên gia đánh giá rằng, việc lựa chọn biện pháp tái chế chất thải bằng các công nghệ, kỹ thuật hiện đại, phù hợp cũng là giải pháp công nghệ cần được nghiên cứu và ứng dụng phổ biến trong lĩnh vực xử lý, tái chế chất thải.
Vì vậy, việc lựa chọn công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến với phương pháp xử lý tái chế chất thải phù hợp cần được nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trong xử lý chất thải; với các mục đích như: giảm thiểu các ô nhiễm thứ phát trong quá trình sử dụng, tiêu dùng; tăng khả năng tái chế chất thải và thu hồi tối đa các thành phần vật liệu có giá trị trong chất thải phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng; nhằm kéo dài vòng đời của sản phẩm là hết sức cần thiết. Điều này không chỉ giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, kinh tế tuần hoàn và nâng cao chất lượng sống.
Ai được hưởng hỗ trợ, ưu đãi?
Theo Nghị quyết, đối tượng được hưởng hỗ trợ, ưu đãi là tổ chức, cá nhân khi đầu tư vào các dự án đầu tư trên địa bàn TP Hà Nội như: tái chế rác thải tập trung từ hoạt động thu gom, thu hồi rác thải trên địa bàn TP; sản xuất các sản phẩm từ tái chế rác thải từ hoạt động thu gom, thu hồi rác thải trên địa bàn TP. Tổ chức, cá nhân kinh doanh, phân phối sản phẩm của dự án đầu tư quy định tại khoản 1 Điều này và thuộc đối tượng là DN nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật.
Ngoài các điều kiện áp dụng hỗ trợ, ưu đãi tương ứng với từng loại hỗ trợ, ưu đãi theo quy định của pháp luật hiện hành; tổ chức, cá nhân được hưởng hỗ trợ, ưu đãi quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị quyết này phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện: áp dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất theo quy định tại cột 6 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị quyết này và thuộc danh mục hoặc hướng dẫn kỹ thuật về áp dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành. Trường hợp danh mục hoặc hướng dẫn kỹ thuật chưa được cơ quan có thẩm quyền ban hành thì thực hiện theo khoản 3 Điều này. Có cam kết về sản phẩm được sản xuất là sản phẩm tái chế thân thiện với môi trường, đáp ứng các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và/hoặc được chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam.
Ngoài các điều kiện áp dụng hỗ trợ, ưu đãi tương ứng với từng loại hỗ trợ, ưu đãi theo quy định của pháp luật hiện hành; tổ chức, cá nhân được hưởng hỗ trợ, ưu đãi quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị quyết này phải có hoạt động kinh doanh, phân phối các sản phẩm từ tái chế có sử dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất; đáp ứng các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và/hoặc được chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam.
Theo nội dung Nghị quyết, các tổ chức, cá nhân thuộc hai nhóm đối tượng nêu tại Điều 5 sẽ được hưởng hàng loạt chính sách ưu đãi, hỗ trợ về đất đai, tài chính, đào tạo nhân lực và quảng bá sản phẩm nếu áp dụng kỹ thuật sản xuất tiên tiến để tái chế các loại rác như nhựa, giấy, thủy tinh, kim loại và cao su. Điều kiện đi kèm là sản phẩm cuối cùng phải có tỷ lệ tái chế từ 5-22% và sản xuất theo danh mục công nghệ hiện đại được cơ quan có thẩm quyền công bố.
Cụ thể, các DN, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực tái chế được miễn tiền thuê đất trong 10 năm, mức phí 0 đồng đối với 20 loại phí, lệ phí thuộc ngân sách địa phương như: Phí thẩm định dự án, bảo vệ môi trường, khai thác và sử dụng nguồn nước, lệ phí đăng ký kinh doanh... Ngoài ra, các cơ sở sản xuất sản phẩm từ tái chế cũng được miễn thuê đất trong 6 năm, giảm tiền thuê đất những năm sau và được hưởng ưu đãi vay vốn từ Quỹ Đầu tư phát triển TP và Quỹ bảo vệ môi trường.
Về thuế, DN tái chế được miễn thuế thu nhập trong 4 năm đầu và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo. Các khoản chi cho việc cấp chứng nhận sở hữu trí tuệ, nhãn sinh thái, xây dựng thương hiệu, đào tạo, thuê kỹ sư nếu tự thực hiện thì đều được phép tính vào chi phí sản xuất.
Bên cạnh các ưu đãi tài chính, Nghị quyết còn hỗ trợ 100% chi phí quảng bá sản phẩm tái chế trên các phương tiện truyền thông, truyền hình, báo chí hoặc các hoạt động tuyên truyền với mức tối đa 200 triệu đồng/năm. Đặc biệt, các sản phẩm tái chế được khuyến khích tiếp cận thị trường với 50% hỗ trợ phí trưng bày, bán hàng tại siêu thị, trung tâm thương mại lớn (tối đa 100 triệu đồng/năm).
Đối với những DN đầu tư vào hệ thống phân phối sản phẩm tái chế cũng được ưu đãi nếu đáp ứng tiêu chí có ít nhất 10 điểm phân phối và tổng nguồn vốn phân phối đạt từ 3 tỷ đồng/năm. TP còn hỗ trợ chi phí đào tạo, tập huấn nhân lực, thuê cán bộ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ tiên tiến với tổng mức hỗ trợ tối đa 300 triệu đồng/dự án,...
Với nhóm DN nhỏ và vừa trong các ngành công nghiệp công nghệ số, công nghiệp sáng tạo, công nghiệp chế tạo, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Nghị quyết cũng quy định hỗ trợ 100% chi phí đào tạo tư vấn viên, tối đa 20 triệu đồng/người/năm, và 100% hợp đồng tư vấn chuyên sâu, không quá 300 triệu đồng/DN/năm.
Với những chính sách mới này, Hà Nội kỳ vọng sẽ tạo cú hích mạnh mẽ để chuyển dịch ngành tái chế từ quy mô nhỏ lẻ sang công nghiệp hiện đại, góp phần giảm áp lực rác thải, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và bảo vệ môi trường sống cho người dân Thủ đô.
Luật Thủ đô 2024 đã quy định một cách toàn diện về vấn đề môi trường, bao gồm các nội dung quản lý môi trường, xử phạt trong lĩnh vực môi trường, nguồn tài chính để thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường, biện pháp hỗ trợ, ưu đãi đối với hoạt động tái chế rác thải sử dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất trên địa bàn TP Hà Nội...
PGS.TS Vũ Thanh Ca, nguyên giảng viên cao cấp, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội
Thu Trang