Nhiều vi phạm về bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp ở Đồng Nai

Nhiều vi phạm về bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp ở Đồng Nai
5 giờ trướcBài gốc
Cụ thể, dù DIZA đã tiếp nhận 454 hồ sơ, nhưng chỉ cấp phép được 244 hồ sơ, trong đó có 228 hồ sơ cấp giấy phép môi trường. Kiểm tra ngẫu nhiên đối với 14 hồ sơ về đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường và cấp lại giấy phép môi trường, Thanh tra Sở TNMT đã phát hiện một loạt tồn tại như: Việc lấy ý kiến tham vấn của chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN không đúng quy định; thu phí thẩm định cấp phép môi trường vượt quy định; tiếp nhận, thẩm định hồ sơ báo cáo dánh giá tác động môi trường đối với một số hồ sơ còn kéo dài đến 50 ngày làm việc; tiếp nhận, thẩm định hồ sơ cấp, cấp lại và cấp điều chỉnh Giấy phép môi trường kéo dài 20-23 ngày đối với một số doanh nghiệp.
Ngoài ra, theo quy định việc tiếp nhận, thẩm định giấy phép môi trường chỉ trong 15 ngày, nhưng hồ sơ của một loạt doanh nghiệp trong các KCN đã bị DIZA “ngâm” từ 50-56 ngày. Việc xử lý cấp phép sau khi doanh nghiệp hoàn chỉnh, bổ sung hồ sơ dù quy định chỉ 5 ngày nhưng nhiều doanh nghiệp đã phải chờ đợi ít nhất 16 ngày, thậm chí có doanh nghiệp như Công ty TNHH Điện Gordon đã mất đến 51 ngày. Đối với những hồ sơ thuộc diện này cần phải giải quyết trong 10 ngày làm việc, thì DIZA cũng kéo hồ sơ của Công ty TNHH Hyundai Welding Vina đến 46 ngày.
Công ty C.P tại KCN Biên Hòa 2 bị xử phạt 3 hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường.
Thanh tra Sở TNMT Đồng Nai còn phát hiện, việc DIZA ban hành quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cho Dự án nhà máy sản xuất các loại vải, bao gồm cả công đoạn nhuộm công suất 15 nghìn tấn sản phẩm/năm cho Công ty Dongjin Textile Vian tại KCN Long Bình không phù hợp danh mục ngành nghề đầu tư của KCN này theo quy định của Bộ TNMT. DIZA xây dựng và trình UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt kế hoạch kiểm tra đối với 20 doanh nghiệp có ngành nghề xi mạ, nhuộm, nhưng đã có 4 doanh nghiệp không được kiểm tra. Mặt khác, quyết định kiểm tra cũng chưa đảm bảo thành phần khi không có đại diện cơ quan chuyên môn cùng cấp và đại diện lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường. Việc triển khai kiểm tra đã chậm, nhưng sau khi đã ghi nhận dấu hiệu vi phạm, đoàn kiểm tra của DIZA đã không tiến hành xác minh làm rõ để xử lý.
Sau khi tổ chức các đoàn giám sát và thực hiện lấy mẫu chất thải đối chứng trong quá trình vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải của 73 dự án, thì chỉ có 27 doanh nghiệp báo cáo kết quả vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải. Kiểm tra ngẫu nhiên một số hồ sơ, Thanh tra Sở TNMT Đồng Nai xác định nội dung báo cáo kết quả vận hành thử nghiệm công trình xử lý nước thải thiếu thông tin về lưu lượng xả thải. Đồng thời việc DIZA chỉ quan trắc, đánh giá hiệu quả công trình xử lý chất thải với 9 thông số là chưa đầy đủ.
Mặc dù hoạt động trong KCN và sản xuất với quy mô lớn, nhưng trước đó vào ngày 19/11/2024, UBND tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực môi trường đối với Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam (Công ty C.P) ở KCN Biên Hòa 2 về 3 hành vi vi phạm kéo dài nhiều năm với số tiền xử phạt lên đến 790 triệu đồng. Cụ thể, quy mô sản xuất thức ăn gia cầm của Công ty C.P năm 2023 lên tới hơn 230 nghìn tấn sản phẩm, 9 tháng đầu năm 2024 là gần 132 nghìn tấn, nhưng doanh nghiệp này không có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động về môi trường. Đối với nhà máy sản xuất thức ăn gia súc công suất 720 nghìn tấn/năm, tuy đã được DIZA phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường từ tháng 10/2020, nhưng công ty không có giấy phép môi trường theo quy định.
UBND tỉnh Đồng Nai xác định, dù công ty đã đưa dự án vào vận hành chính thức, nhưng chưa được cơ quan thẩm quyền cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường. Đã vậy, công ty này cũng không vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải mặc dù đã lắp đặt và đưa vào vận hành nhưng không thực hiện thử nghiệm và gửi thông báo kế hoạch vận hành thử nghiệm theo yêu cầu.
Quyết định xử phạt trên của UBND tỉnh Đồng Nai căn cứ theo đề nghị của DIZA vào ngày 11/11/2024, điều này có nghĩa chỉ đến khi Thanh tra Sở TNMT Đồng Nai vào cuộc kiểm tra, DIZA mới có động thái kiểm tra, xử lý đối với vi phạm trong thời gian dài của Công ty CP. Với thực trạng trên, việc giao thẩm quyền cho DIZA làm đầu mối để rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, cấp phép cho doanh nghiệp đã không đạt yêu cầu. Đồng thời công tác quản lý hoạt động của doanh nghiệp trong các KCN xem ra đã quá tầm với DIZA, ít nhất là trong lĩnh vực giám sát việc thực thi trách nhiệm bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp trong KCN.
Bảo Sơn
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/doanh-nghiep/nhieu-vi-pham-ve-bao-ve-moi-truong-trong-cac-khu-cong-nghiep-o-dong-nai-i759912/