Nhiều vùng nông thôn miền bắc ô nhiễm không khí với mức bụi mịn vượt chuẩn nhiều lần

Nhiều vùng nông thôn miền bắc ô nhiễm không khí với mức bụi mịn vượt chuẩn nhiều lần
7 giờ trướcBài gốc
Không chỉ đô thị lớn, nhiều vùng nông thôn, đặc biệt tại khu vực miền bắc đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí đáng báo động.
Theo Báo cáo hiện trạng môi trường Việt Nam vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố, chất lượng môi trường không khí ở khu vực nông thôn cũng có sự phân hóa theo vùng miền. Giá trị các chất ô nhiễm trong môi trường không khí ở các địa phương phía bắc thường cao hơn so với các địa phương khu vực miền trung-Tây Nguyên và miền nam.
Tại vùng nông thôn miền bắc (thường ở khu vực ven đô hay các khu vực làng nghề, khu vực có hoạt động sản xuất công nghiệp phát triển…), đã ghi nhận có những đợt chất lượng không khí bị suy giảm xuống mức nghiêm trọng, giá trị thông số PM 2.5 tăng cao, có trạm ghi nhận giá trị bụi PM 2.5 vượt 3,5 lần giá trị giới hạn của QCVN 05:2013/BTNMT.
Diễn biến giá trị bụi PM 2.5 trung bình năm tại một số trạm quan trắc tự động, liên tục giai đoạn 2020-2023.
Vấn đề ô nhiễm không khí chủ yếu vẫn là ô nhiễm do bụi mịn. Các thông số khác như SO2, NO2, CO có kết quả quan trắc tự động, liên tục và định kỳ cho giá trị trung bình 1 giờ và trung bình năm thấp, chưa vượt giá trị giới hạn của QCVN 05:2023/BTNMT.
Tại các làng nghề, thành phần và nồng độ các chất gây ô nhiễm phụ thuộc vào loại hình sản xuất. Ô nhiễm mùi tập trung tại các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, giết mổ; ô nhiễm bụi phổ biến tại các làng nghề gốm sứ, chế tác đá, đồ gỗ mỹ nghệ; trong khi ô nhiễm khí độc hại thường tập trung nhiều ở các làng nghề tái chế.
Hiện tượng ô nhiễm không khí cục bộ tại các làng nghề đã được phản ánh trong Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2014; tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được cải thiện, có thời điểm ghi nhận xu hướng gia tăng, chủ yếu ở miền bắc, trong đó tập trung nhiều nhất ở vùng đồng bằng sông Hồng (Bắc Ninh, Ninh Bình, Hải Phòng…).
Vấn đề ô nhiễm môi trường không khí tại các làng nghề được ghi nhận chủ yếu ô nhiễm bụi. Kết quả quan trắc tại một số làng nghề ở thành phố Hải Phòng, các tỉnh Bắc Ninh, Ninh Bình và Tiền Giang năm 2022 cho thấy giá trị thông số TSP (tổng số bụi lơ lửng) cao, vượt giá trị giới hạn của QCVN 05:2013/BTNMT (trung bình 1 giờ), có khu vực vượt xấp xỉ 2 lần.
Riêng tại trạm Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh (gần làng nghề đúc nhôm Mẫn Xá), giá trị thông số bụi PM 10 và PM 2.5 trung bình năm liên tiếp từ 2020 đến nay đều vượt giá trị giới hạn của QCVN 05:2013/BTNMT.
Trong năm 2021, có xấp xỉ 60%, đến tháng 10 năm 2023 có gần 50% số ngày ghi nhận giá trị thông số bụi PM2,5 vượt giá trị giới hạn trung bình 24 giờ của QCVN 05:2023/BTNMT.
Rác thải được đốt bỏ gây ô nhiễm không khí tại một làng nghề tại miền bắc.
Bên cạnh đó, xu hướng chuyển dịch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp về khu vực giáp ranh đô thị, các vùng ngoại thành đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường không khí ở các vùng nông thôn lân cận. Một vài khu vực đã có dấu hiệu ô nhiễm cục bộ với nồng độ chất ô nhiễm ở mức cao, một số nơi đã vượt giá trị giới hạn.
Kết quả giám sát chất lượng môi trường không khí tại gần khu công nghiệp Tằng Loỏng, tỉnh Lào Cai ghi nhận giá trị thông số bụi PM 2.5 trung bình năm liên tiếp từ 2021 đến nay đều vượt giá trị giới hạn của QCVN 05:2013/BTNMT, thông số bụi PM 10 xấp xỉ vượt giá trị giới hạn.
Cũng theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, ô nhiễm không khí cục bộ gần các khu vực khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng vẫn tiếp diễn. Hiện nay, các lĩnh vực sản xuất vật liệu, năng lượng đã đầu tư các công nghệ mới, thiết bị mới, điển hình như công nghệ sản xuất vật liệu không nung, công nghệ có hiệu suất chuyển đổi năng lượng cao, phát thải thấp tại các nhà máy nhiệt điện than… do đó, phát thải bụi, SO2 và NOx ra môi trường đã phần nào được kiểm soát.
Tuy nhiên, kết quả giám sát tại một số khu vực vẫn tiếp tục ghi nhận dấu hiệu ô nhiễm không khí cục bộ. Điển hình tại khu vực khai thác, khu vực chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng ở các tỉnh Lào Cai, Phú Thọ, Đà Nẵng, Vĩnh Long, giá trị thông số TSP vượt giá trị giới hạn trung bình 1 giờ của QCVN 05:2013/BTNMT từ 1,2 - 2,2 lần.
Ô nhiễm không khí ảnh hưởng tới nhiều vùng nông thôn Việt Nam.
Tại khu vực gần hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản như khu vực Đông Tân, tỉnh Lạng Sơn, gần khu vực khai thác, vận chuyển đá cũng đã ghi nhận giá trị các thông số bụi cao, tỷ lệ số ngày trong năm có giá trị thông số bụi PM 10 và PM 2.5 vượt giá trị giới hạn của QCVN 05:2023/BTNMT cao hơn so với các khu vực khác.
Tại các khu vực thuần nông, khu vực ít chịu tác động của hoạt động sản xuất công nghiệp, sản xuất nông nghiệp tập trung, chất lượng môi trường không khí xung quanh tiếp tục duy trì ở mức tốt. Giá trị các thông số đặc trưng trong môi trường không khí vẫn ở mức thấp, chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm và ít có sự biến động qua các năm.
BÌNH NGUYÊN
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/nhieu-vung-nong-thon-mien-bac-o-nhiem-khong-khi-voi-muc-bui-min-vuot-chuan-nhieu-lan-post855648.html